Pháp ra tối hậu thư, Nga nổi giận đùng đùng

12:52, 06/12/2014
|

(VnMedia) - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp hôm qua (5/12) đã nói rằng, nước này có thể sẽ không bao giờ bàn giao hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga nếu tình hình ở Ukraine không thay đổi. Đây được xem như một lời đe dọa trực tiếp nhằm vào Nga khiến Moscow tức giận phản ứng.

 

>> Khiếp vía Mỹ, nể sợ Nga, Pháp bế tắc
>> Nga, Pháp vẫn “giằng co” vì siêu tàu chiến
>> Vì Nga, Pháp quay lưng với Mỹ, phương Tây?

Tháng trước, với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Francois Hollande đã quyết định tạm hoãn việc chuyển giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên mà Pháp đóng cho Nga theo hợp đồng hai nước đã ký kết. Theo ông Hollande, việc trì hoãn này sẽ diễn ra cho “đến khi có thông báo thêm nữa”. Đây là lần thứ hai Pháp hoãn không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua (5/12) đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình rằng, việc chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga có thể sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu tình hình ở Ukraine không thay đổi. “Người Nga cần phải hiểu điều đó”, ông Le Drian nói. Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp trên đài truyền hình BFM rõ ràng được xem là một lời đe dọa, một cảnh báo nếu không nói là một “tối hậu thư” cho Nga theo kiểu, nếu muốn nhận được tàu chiến lớp Mistral, hãy thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine.

 

Ảnh minh họa

Tàu chiến lớp Mistral


Phản ứng trước phát ngôn mới nhất của một quan chức Pháp về hợp đồng tàu chiến lớp Mistral, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã không giấu nổi sự tức giận. Ông Lavrov cho rằng, tất cả là do lỗi của Pháp. "Chúng tôi đã chịu đủ về vấn đề này rồi. Đó không phải là vấn đề của chúng tôi. Đó là vấn đề thuộc về danh tiếng của Pháp. Tiếp theo, hợp đồng nên được thực thi một cách nghiêm túc”, Ngoại trưởng Nga cho biết tại một cuộc họp báo ở Basel, Thụy Sỹ - nơi ông đang tham gia một cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu.

 

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, hôm 14/11, Pháp phải tiến hành bàn giao tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga. Tuy nhiên, Paris đã không giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga đúng như thời hạn hợp đồng đưa ra mặc dù công tác bàn giao đã sẵn sàng.

 

Giới chức Pháp đã phải chịu sức ép rất mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong việc phải hủy bỏ hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral cho Hải quân Nga.

 

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain hôm qua nói rằng, Pháp nên sử dụng và trả tiền cho hai chiếc tàu chiến lớp Mistral mà các xưởng đóng tàu của nước này đóng cho Nga. Ông này kêu gọi Paris không bàn giao tàu chiến cho Nga.

 

"Nếu hai con tàu đã được đóng thì Pháp có thể tự mua và sử dụng chúng. Họ chắc chắn có thể sử dụng hệ thống vũ khí đó", ông McCain đã nói như vậy. Với tư cách là một cường quốc hải quân, Pháp có thể sử dụng các tàu lớp Mistral.

 

Ông McCain – một người vốn ủng hộ mạnh mẽ cho việc ngừng bàn giao tàu Mistral cho Nga, đã nói rằng, ông rất vui vì chính phủ Pháp ngừng hợp đồng cung cấp hai siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga. “Tôi hy vọng hợp đồng đó sẽ được ngừng mãi mãi”, ông McCain nói thêm.

 

Hợp đồng mua hai tàu lớp Mistral trị giá 1,12 tỉ euro (1,6 tỉ USD) đã được tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga – Rosoboronexport ký với tập đoàn DCNS của Pháp hồi tháng 6 năm 2011. Chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok dự kiến được chuyển giao vào 11 vừa rồi trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm 2015.

 

Hợp đồng với Pháp là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó từng được Tổng thống Pháp khi đó là ông Sarkozy ca ngợi là một bước đi quan trọng trong mối quan hệ Nga-Pháp. Pháp cũng trở thành nước thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Nga.

 

Lâu nay, bất chấp những phát biểu mạnh mẽ của giới chức Pháp, người ta tin rằng Paris cuối cùng cũng sẽ thực hiện hợp đồng với Nga chứ không dám hủy bỏ như tuyên bố mà họ đưa ra. Lý do là Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga. Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn lao động đang tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral.

 

Tuy nhiên, càng gần về đây, giới chức Pháp càng có những phát biểu mạnh bạo hơn, cứng rắn hơn về việc sẵn sàng chịu tổn thất trong việc không bàn giao tàu chiến cho Nga. Người ta không rõ đây có phải là ý định thực sự của Pháp hay không hay chỉ là những phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Paris chịu sức ép quá mạnh.

 

Trong một diễn biến khác có liên quan, cũng trong ngày hôm qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin hãy hướng về tương lai thay vì nhìn trở lại quá khứ để giúp làm dịu căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc