Obama “tấn công” cả ông Tập Cận Bình và Putin

06:58, 05/12/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (3/12) đã có bài phát biểu “chĩa mũi tấn công” vào cả hai nhà lãnh đạo cao nhất của Nga và Trung Quốc.

 

>> Putin: Đừng dại nói chuyện với Nga bằng sức mạnh
>> Trung Quốc "vừa đấm, vừa xoa" các nước láng giềng
>> Thủ tướng Nga nghi ngờ "trí tuệ" của Obama

Obama: “Chủ tịch Trung Quốc gây lo ngại cho các nước láng giềng”

 

Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực nhanh chóng hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào trong nhiều thập kỷ trở lại đây, gây ra những quan ngại về nhân quyền và làm các nước láng giềng xung quanh lo ngại.

 

Tổng thống Mỹ Obama vừa có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước ở thủ đô Bắc Kinh. Phát biểu trước các giám đốc điều hành của Mỹ tại Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp ngày hôm qua (3/12), ông Obama cho rằng, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giành được ảnh hưởng nhanh chóng trong một thời gian ngắn sau khi lên nắm quyền.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama 


"Ông ấy đã củng cố quyền lực nhanh hơn và toàn diện hơn bất kỳ ai kể từ thời ông Đặng Tiểu Bình”, Tổng thống Obama cho biết, nhắc đến Nhà lãnh đạo đã dẫn dắt Trung Quốc từ năm 1978 đến 1992.

 

"Và tất cả mọi người đều bị ấn tưởng bởi... ảnh hưởng của ông Tập Cận Bình ở bên trong đất nước Trung Quốc chỉ sau một năm rưỡi hoặc hai năm", ông Obama phát biểu.

 

Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo của siêu cường số 1 thế giới đã thẳng thừng tuyên bố, có nhiều mặt tiêu cực trong sự nổi lên nhanh chóng của ông Tập Cận Bình. "Có nhiều nguy cơ trong việc đó. Về vấn đề nhân quyền, vấn đề đàn áp người đối lập. Ông ấy còn tăng cường tận dụng chủ nghĩa dân tộc, gây lo lắng cho các nước láng giềng”, Tổng thống Obama cho biết, nhấn mạnh đến các cuộc tranh chấp trong khu vực Châu Á.

 

Sau những lời chỉ trích trên, ông Obama lại có những phát biểu dịu nhẹ khi nói, “tôi nghĩ rằng, Trung Quốc có lợi ích rất lớn trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Và chuyến thăm của tôi là minh chứng cho thấy họ quan tâm đến việc quản lý một cách hiệu quả mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc”.

 

Tổng thống Obama cho hay, Mỹ muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy, nước này mong muốn một mối quan hệ mang tính xây dựng, đôi bên cùng có lợi trong khi vẫn kiên quyết trong việc giải quyết một số vấn đề như “ăn cắp bí mật thương mại”.

 

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, ông tin tưởng là Mỹ có thể quản lý tốt mối quan hệ với Trung Quốc theo cách có lợi cho thế giới.

 

Obama chỉ trích gay gắt Tổng thống Nga Putin

 

Trong khi chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Obama vẫn còn dành những lời dịu nhẹ thì với Tổng thống Nga Putin, ông chủ Nhà Trắng tỏ ra gay gắt hơn rất nhiều.


Nhà lãnh đạo Mỹ đã lên án Tổng thống Nga về việc theo đuổi cái mà ông này gọi là chính sách “thụt lùi, theo chủ nghĩa dân tộc”. Tổng thống Obama thề sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga nhưng lại hoài nghi khả năng những biện pháp trừng phạt đó có thể thực sự làm thay đổi lập trường của ông Putin.

 

“Trực tiếp, thẳng thừng và thực tế” là những từ mà ông Obama dùng để định nghĩa mối quan hệ giữa ông này với Tổng thống Putin. Tổng thống Mỹ thừa nhận, làm việc với ông Dmitry Medvedev khi ông này còn ở cương vị Tổng thống Nga dễ dàng cho ông hơn nhiều so với làm việc với Tổng thống đương nhiệm Putin.

 

Vẫn như thường lệ, ông chủ Nhà Trắng cho rằng phản ứng của ông chủ điện Kremlin trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “hiếu chiến” và “không hợp thời”. “Một phần bởi vì tôi cho rằng, tình hình ở Ukraine đã khiến ông ấy ngạc nhiên, ông ấy đã áp dụng một phương pháp tiếp cận lỗi thời, theo chủ nghĩa dân tộc. Điều đó khiến nhiều nước láng giềng lo sợ và đang gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của Nga”, ông Obama đã nói như vậy.

 

Tổng thống Mỹ không quên khen ngợi Liên minh Châu Âu (EU) vì đã cùng tham gia trừng phạt Nga “bất chấp thực tế là điều đó đang gây khó khăn cho nền kinh tế Châu Âu”.

 

Nga lúc nào cũng có thể thoát ra khỏi những khó khăn về kinh tế nếu chấp nhận “con đường hướng tới giải pháp ngoại giao” ở Ukraine do Mỹ đưa ra, Tổng thống Obama phát biểu. “Nhưng nếu các bạn hỏi tôi liệu tôi có lạc quan về việc Tổng thống Putin đột ngột thay đổi lập trường hay không, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra cho đến khi nền chính trị bên trong nước Nga hiểu được điều gì đang xảy ra với nền kinh tế và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục duy trì áp lực đó”.

Tổng thống Mỹ thừa nhận uy tín của Nhà lãnh đạo Putin ở trong nước đến nay vẫn rất mạnh.

 

Những lời chỉ trích nhằm vào ông Putin trên được đưa ra chỉ chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng thống Obama “gây bão” vì đưa Nga vào danh sách những mối đe dọa toàn cầu, ngang với dịch Ebola và nhóm khủng bố khét tiếng thế giới mang tên Nhà nước Hồi giáo.

 

Bất chấp sức ép mạnh mẽ và quyết liệt của phương Tây do Mỹ dẫn đầu, Tổng thống Putin vẫn kiên quyết giữ vững lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Moscow bác bỏ mọi cáo buộc về việc Nga có dính líu đến tình hình ở nước láng giềng và liên tục kêu gọi chính quyền Kiev ngừng chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine, ngồi vào bàn đàm phán với lực lượng ly khai để tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm tháo gỡ mớ bòng bong thảm kịch hiện nay.

 

Tổng thống Putin tin rằng, các đòn trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp dụng với Nga chỉ để nhằm khuất phục ông cũng như khuất phục nước Nga. Ông chủ điện Kremlin cùng giới chức Nga nhiều lần tuyên bố, Mỹ sẽ không thể bắt Moscow đi theo con đường mà Mỹ muốn.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc