Người Trung Quốc: “Chính Ukraine tấn công Nga”

08:57, 06/12/2014
|

(VnMedia) - Bất chấp những cuộc tiếp xúc gần gũi và nền tảng khá tích cực của mối quan hệ Nga-Trung Quốc hiện nay, Trung Quốc không thể được gọi là một đồng minh của Nga. Bởi vì Bắc Kinh luôn tránh tham gia vào các cuộc tranh chấp. Ít nhất là điều này được thể hiện rõ ràng trong tuyên bố của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như cách mà nước này tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ, người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia Nga-Trung Quốc – ông Aleksey Maslov đã nhận định như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Pravda.Ru gần đây.
 
>>
Nga cấp tên lửa hiện đại nhất thế giới cho Trung Quốc?
>> "Mất mát" vì Ukraine, Nga được Trung Quốc bù đắp
>> Gấu Nga, rồng Trung Quốc “nhe nanh múa vuốt”

Theo ông Maslov, chính sách và cách xử lý các mối quan hệ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine nói chung không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì văn hóa chính trị của Trung Quốc không thay đổi từ hàng ngàn năm nay. Nó chỉ khác về từ ngữ và cách diễn đạt. Giống như kiểu mọi người không thể mặc mãi áo choàng dài được mà chuyển sang mặc comple, thắt cà vạt. Tuy nhiên, hệ thống vẫn đơn giản là không thay đổi. Trung Quốc luôn muốn tránh các cuộc tranh chấp, cãi cọ. Trung Quốc không muốn bị lôi vào các cuộc xung đột mà không có lợi cho nước này. Hơn nữa, Trung Quốc dường như muốn đóng vai trò là một người trung gian. Trung Quốc nhất quyết không để mình ngả hẳn về một bên nào, ông Maslov phân tích.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Putin


Theo người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia Nga-Trung Quốc, bản chất cụ thể của văn hóa chính trị Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm hiện tại khi Trung Quốc tự cho mình là một cường quốc thực sự, là nếu cần thiết, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò là một cây cầu kết nối giữa các nhà đàm phán. Không phải tình cờ mà trong cuộc họp với lãnh đạo Quốc hội Châu Âu, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra vấn đề về việc liệu Trung Quốc có thể là nhà trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Châu Âu và Nga liên quan đến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hay không.
 
Không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang được lợi lớn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều này được thể hiện ở diễn đàn APEC. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với cả Tổng thống Obama và Tổng thống Putin để thảo luận về những dự án khả thi nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Trung Quốc với Nga.
 
Nhiều người cho rằng Trung Quốc và Nga đang thiết lập một liên minh chính trị mới, hay gần như là liên minh quân sự-chính trị. Thực chất là không phải như vậy, Trung Quốc đang chơi theo cách riêng của họ. Và Nga trong một chừng mực nào đó ủng hộ cuộc chơi này. Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, họ chống lại việc thiết lập các liên minh chính trị, quân sự. Và Trung Quốc hóa ra là một người chơi độc lập, ông Maslov cho hay.
 
Đề cập đến vấn đề thông tin, tuyên truyền ở Trung Quốc, ông Maslov cho rằng, việc đưa thông tin ở Trung Quốc được cân nhắc rất kỹ. Nhưng bên cạnh thông tin còn có hệ thống tin đồn. Công chúng Trung Quốc có cái nhìn rất tích cực đối với Nga. Nhưng có một điều rất kỳ lạ. Theo lời ông Maslov, khi ông đến Trung Quốc gần đây, hầu hết những người bình thường nhất ở Trung Quốc như tài xế taxi hay nhân viên khách sạn đều hỏi ông này một câu tương tự: Có phải Ukraine tấn công Nga không? Đây là quan điểm của rất nhiều người Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia Nga-Trung Quốc đã tìm cách tra cứu thông tin và tuyệt nhiên không thấy báo chí đưa bất kỳ một thông tin nào như vậy. Trung Quốc nói chung cố gắng đưa càng ít thông tin về Ukraine càng tốt. Tuy nhiên, có hẳn một hệ thống tin đồn và mọi người có ý kiến riêng của họ. Có khá nhiều người viết blog ở Trung Quốc và nói chung hầu hết họ tuyệt đối ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine.
 
Khi được hỏi về việc báo chí phương Tây trong khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC đã đánh giá tiêu cực về hành động Tổng thống Putin khoác áo cho phu nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Maslov khẳng định, ông chắc chắn 100% rằng cả ông Tập Cận Bình và phu nhân của mình đều không thấy hành động của ông Putin có gì đáng nói. Đó đơn giản chỉ là một hành động thổi phồng, làm nghiêm trọng vấn đề của báo chí phương Tây bởi ông Putin vốn là thỏi nam châm của báo giới.
 
Theo ông Maslov, chính Tổng thống Mỹ Obama mới là người “lãnh đủ” tại hội nghị thượng đỉnh APEC. “Hình ảnh ông Obama ở Trung Quốc không mấy khi đẹp đẽ. Người Trung Quốc có một thái độ khác hoàn toàn về Mỹ so với Nga. Thực tế, không phóng đại một chút nào, người Trung Quốc thường chế giễu người Mỹ và Tổng thống của họ. Có rất nhiều giai thoại về ông Obama. Tranh biếm họa, đả kích ông Obama thường xuất hiện và đó là chuyện bình thường. Trong khi đó, không có tranh biếm họa về Tổng thống Nga Putin ở Trung Quốc. Hơn nữa, thái độ của người Trung Quốc với người dân Nga và cá nhân Tổng thống Putin rất tốt. Bất kỳ người bình thường Trung Quốc nào khi nghe nói rằng tôi đến từ Nga đều tỏ ra rất thiện cảm, thân thiện với tôi. Thậm chí họ còn nói: “Putin thật tuyệt”. Đó là hình ảnh Tổng thống Nga trong mắt của họ”, ông Maslov nói.
 
Mỹ chắc chắn là một đối tác có lợi rất nhiều không chỉ cho Trung Quốc với tư cách là một quốc gia mà đối với những người kinh doanh ở Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc vẫn tiếp tục thoải mái bày tỏ thái độ của họ với Mỹ và Tổng thống Mỹ.
 
Ông Maslov khẳng định, “về cơ bản, có sự kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc. Có thể nó không nghiêm trọng như chúng ta nghĩ nhưng nó tồn tại. Và thực sự kỳ lạ là người Trung Quốc tự do, thoải mái hơn chúng ta nghĩ. Nói cách khác, họ có thể bàn tán thoải mái về Tổng thống Obama, Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo khác ở Trung Quốc trên blog hoặc trong các cuộc hội thoại. Vì thế, ý kiến của người dân rất quan trọng ở Trung Quốc – điều mà không ai nghĩ thế. Người dân đã gây sức ép lên chính phủ Trung Quốc. Nhiều cải cách đã được thực hiện chính xác từ sức ép đó. Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực chống tham nhũng bởi điều đó quan trọng với người dân. Ý kiến của người dân đã cho thấy nỗ lực đó là cần thiết”.


Kiệt Linh - (theo Pravda)

Ý kiến bạn đọc