Nga nhận cảnh báo chưa từng có từ "bạn thân"

10:43, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Đức sẽ chống lại Nga nếu các nước Balkan bị xâm lược. Đây được xem là lời cảnh báo cứng rắn nhất mà Đức nhằm vào người bạn thân thiết Nga. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa hai người bạn gắn bó hàng đầu ở Châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự nghiêm trọng.
 
>> "Nữ tướng" quyền lực thay đổi chiến thuật với Moscow
>> Đức, Mỹ bắt tay khiến Nga phải trả giá?
>> Đức bị Nga vô hiệu hoá?

Từ bạn bè thân thiết....
 
Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý.
 
Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều người dân Đức có tình cảm rất tốt đẹp với nước Nga và người dân Nga. Nước Đức hiện giờ vẫn còn lưu giữ rất nhiều dấu ấn, kỷ niệm về các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng Đức (bên trái) và Tổng thống Nga


Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.
 
Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin rất có thiện cảm với nước Đức. Khi còn là một điệp viên của Ủy ban An ninh Quốc gia Xô Viết vào cuối thập niên 1980, ông Putin từng làm việc ở thành phố Dresden, Đông Đức. Vì thế, nước Đức gắn bó rất nhiều với ông. Tổng thống Nga nói tiếng Đức rất thành thạo. Moscow luôn xem Đức là một người bạn thấu hiểu, quan tâm đến lợi ích của nước Nga, là đồng minh lớn và là một đối tác quan trọng hàng đầu về kinh tế, thương mại.
 
Cũng như vậy,  nước Đức cũng dành tình cảm to lớn cho nước Nga và cũng phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ kinh tế với Nga. Giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 76 tỉ euro năm 2013. Ngoài ra, có khoảng 6.000 công ty Đức và hơn 300.000 công việc ở Đức đang phụ thuộc vào các đối tác Nga với tổng đầu tư lên tới 20 tỉ euro. Đức hiện tại cũng là nhà xuất khẩu sang Nga lớn nhất trong Liên minh Châu Âu (EU). Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của Đức như Volkswagen, BMW, MAN...  đều đang có chi nhánh tại Nga và có kế hoạch đầu tư lớn vào thị trường Nga. Chưa hết, Đức còn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga với khoảng 35% khí đốt cung cấp cho người Đức là từ Nga.
 
Với những lý do ở trên, không mấy ai có thể tin được rằng, có một lúc nào đó, quan hệ giữa hai người bạn thân Nga và Đức lại sứt mẻ đến mức nghiêm trọng như hiện nay. Tất cả xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
.... đến cuộc đối đầu không khoan nhượng
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây cực kỳ nóng bỏng và không khoan nhượng. Đức thừa hiểu một thực tế rằng, nếu họ “ra tay” quyết liệt với người bạn thân lâu nay là Nga thì họ không những chẳng được lợi gì mà còn phải chịu hậu quả nặng nề nhất. Vì thế, trong giai đoạn ban đầu của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đức vẫn tìm cách né tránh việc áp dụng chính sách cứng rắn với Nga.
 
Tuy nhiên, trước sức ép từ đồng minh phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Đức cuối cùng cũng đã phải ủng hộ cho chính sách trừng phạt, gây áp lực đối với Nga. Kết quả là cả Nga và Liên minh Châu Âu đều bị tổn thương nặng nề và đương nhiên, Đức và Nga là hai nước chịu ảnh hưởng lớn nhất.
 
Điều đáng chú ý là càng gần về đây, giới lãnh đạo Đức càng tỏ ra cứng rắn hơn, lạnh lùng hơn với Nga. Cao trào là tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia hồi tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tung ra những lời chỉ trích, lên án và cả những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất, sắc lạnh nhất từ trước đến nay nhằm vào Nga. Bà Merkel tuyên bố, bà không muốn chứng kiến việc nước Nga đưa ra các quyết định ở những quốc gia khác của khu vực Đông Âu. Bà này nhấn mạnh, Đức sẽ đáp trả nếu điều đó xảy ra. Nhà lãnh đạo của nước Đức không ngần ngại cáo buộc Nga gây bất ổn cho “trật tự” ở Châu Âu.
 
Vậy vì sao Đức lại thay đổi một cách chóng mặt khi có cách hành xử quyết liệt chưa từng có như vậy với một nước từng là “bạn thân” của họ. Rõ ràng, nếu nhìn từ bên ngoài, người ta đang thấy một điều, nước Đức đang sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia để đặt lợi ích của Châu Âu lên hàng đầu. Để giải thích cho diễn biến có vẻ như “không bình thường này” của Đức, người ta tin rằng, giới lãnh đạo ở Berlin đang coi họ là lực lượng dẫn dắt, lãnh đạo Châu Âu và vì thế họ tự đặt cho mình trách nhiệm phải bảo vệ Châu Âu trước cái gọi là “mối đe doạ” từ Nga.
 
Mặc dù cứng rắn là vậy, Berlin vẫn tìm cách né một cuộc đối đầu trực tiếp với Moscow. Rõ ràng, chính quyền của bà Merkel đang phải thực thi một chính sách cân bằng cực kỳ khéo léo để sao cho vừa không làm những đồng minh Châu Âu mất niềm tin mà cũng không khiến người dân trong nước nổi giận vì phá vỡ mối quan hệ gắn bó với Nga, gây tổn thất cho họ. Hiện tại, một bộ phận lớn người dân Đức vẫn ủng hộ cho nước Nga của Tổng thống Putin. Vì thế, nữ Thủ tướng Merkel vẫn phải rất thận trọng trong hành động của mình để tránh bị tổn thất vì sự phản đối của người dân Đức.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc