Nga lạnh lùng quay lưng, Châu Âu níu kéo

16:58, 05/12/2014
|

(VnMedia) - Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố huỷ bỏ dự án khổng lồ mang tên Dòng chảy Phía Nam vì sức ép của Liên minh Châu Âu (EU). Nhiều nước EU bắt đầu tìm cách níu kéo.
 
>> EU bắt tay Nga, lạnh lùng bỏ rơi Ukraine
>> EU bất ngờ làm lành với Nga?
>> Tổng thống Putin bị ép đến đường cùng?

Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hôm qua (4/12) đã nói rằng, dự án Dòng chảy Phía Nam vẫn có thể được thực hiện. Phát biểu trên được ông Juncker đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng Bulgari Boyko Borisov – người được cho là đang lo lắng sau khi Tổng thống Putin tuyên bố huỷ bỏ dự án này.
 
Ông Borisov cũng chia sẻ quan điểm với Chủ tịch EU. “Chúng tôi ủng hộ Dự án Dòng chảy Phía Nam. Chúng tôi muốn dự án Dòng chảy Phía Nam được xây dựng phù hợp với luật pháp và quy định của EU”, Thủ tướng Bulgari đã nói như vậy.
 
Theo lời ông Borisov, Bộ trưởng Năng lượng các nước Châu Âu đang tham gia Dự án Dòng chảy Phía Nam sẽ có cuộc họp ở Brussels, Bỉ vào ngày 9/12 tới.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


“Công tác chuẩn bị không được dừng lại. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Năng lượng của các nước tham gia dự án Dòng chảy Phía Nam sẽ gặp nhau vào ngày 9/12.  Cuộc họp này sẽ diễn ra và tôi hy vọng nó sẽ giúp giải quyết các vấn đề, trong đó có Gói Năng lượng Thứ Ba”,  Thủ tướng Bulgari Borisov cho hay.
 
Thẳng thừng hơn, cựu Tổng thống Bulgari Georgi Parvanov cho rằng, quyết định của Moscow trong việc đình chỉ dự án Dòng chảy Phía Nam sẽ gây ra hậu quả nặng nề cho Bulgaria.
 
Không chỉ Bulgari, Serbia cũng nhanh chóng lên tiếng phản đối việc Nga dừng dự án Dòng chảy Phía Nam. Thủ tướng Serbia – ông Alexandar Vucic hôm qua đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình RTS rằng, dự án Dòng chảy phía Nam là vô cùng cần thiết cho an ninh năng lượng của Serbia.
 
Quyết định huỷ bỏ dự án là một tin tức tồi tệ đối với Serbia. Nó đe doạ an ninh năng lượng của đất nước, ông Vucic nói thêm.
 
Thủ tướng Vucic đã trấn an người dân Serbia không nên lo lắng về mùa đông này và mùa đông năm sau đồng thời bảo đảm sẽ tìm kiếm được một giải pháp thích hợp. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nếu dự án Dòng chảy Phía Nam được xây dựng. Serbia luôn ủng hộ dự án và không ai đổ lỗi cho Serbia về quyết định của Nga.
 
Trong khi Châu Âu có vẻ như đang níu kéo dự án Dòng chảy Phía Nam thì Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định chắc nịch rằng, việc dừng dự án Dòng chảy Phía Nam là quyết định cuối cùng của Moscow. Dự án đó đã chết.
 
Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống đường ống Dòng chảy Phía Nam sẽ đi qua Bulgaria, Serbia, Hungary, Slovenia, Áo, Italia ở một nhánh và Croatia, Macedonia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ ở nhánh thứ hai. Nga đã bắt tay xúc tiến dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phía Nam đi qua Biển Đen từ năm 2012. Hệ thống đường ống dẫn này sẽ cho phép Nga cung cấp khí đốt cho Châu Âu mà không đi qua hệ thống đường ống trung chuyển trên lãnh thổ Ukraine. Như vậy, Moscow sẽ không còn phụ thuộc vào nước láng giềng Ukraine và sẽ không có chuyện xảy ra những cuộc chiến khí đốt gây ảnh hưởng đến các khách hàng Châu Âu của Nga.
 
Dự án Dòng chảy Phía Nam thực ra là có lợi cho nhiều nước Châu Âu. Dự án này ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt ổn định cho nhiều nước Châu Âu còn giúp các nước ở dọc tuyến đường ống dẫn khí có được những khoản tiền phí trung chuyển lớn và công ăn việc làm cho người dân ở những nước đó.
 
Tuy nhiên, dự án trên đã trở thành nạn nhân của sự phản đối từ Ủy ban Châu Âu và sự phản đối này càng trở nên mạnh mẽ hơn khi dự án có trị giá đến 40 tỉ USD này bỗng chốc bị chính trị hoá vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Ủy ban Châu Âu đã gây sức ép buộc Bulgaria phải ngừng phần xây dựng đường ống khí đốt trong dự án Dòng chảy Phía Nam trên lãnh thổ của nước này. Hôm 1/12, Tổng thống Putin đã bất ngờ thông báo hủy bỏ dự án Dòng chảy Phía Nam. Ông giải thích, dự án đang ở giai đoạn mà “việc xây dựng hệ thống đường ống ở Biển Đen phải được bắt đầu”, nhưng Nga vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn từ phía Bulgaria. Đầu tư hàng trăm triệu USD vào dự án đường ống dẫn khí đốt mà hệ thống đó phải dừng lại khi đến Bulgaria “là một điều rất vô lý. Tôi hy vọng tất cả mọi người đều hiểu điều đó”, Tổng thống Nga nói thêm.
 
Theo phương án thay thế mà Moscow đưa ra, hệ thống đường ống dẫn khí đốt mới sẽ đi qua Thổ Nhĩ Kỳ theo thoả thuận mà Tổng thống hai nước đạt được gần đây. Hệ thống này sẽ bao gồm một trung tâm đặc biệt ở biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ cho các khách hàng ở nam Châu Âu.
 
Các công ty Châu Âu sẽ mất khoảng 2,5 tỉ euro nếu dự án Dòng chảy Phía Nam thực sự bị đóng băng. Trong khi đó, Bulgari được cho là sẽ mất khoảng 400 triệu euro tiền phí trung chuyển khí đốt cho Nga mỗi năm. Bulgaria cũng mất khoảng 5.000 việc làm vì dự án Dòng chảy phía Nam bị ngừng và các công ty của Bularia cũng mất khoảng 500 triệu euro vì mất hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí đốt cũng như các trạm máy nén.


Vân Linh

Ý kiến bạn đọc