Nga đưa tên lửa mạnh nhất thế giới tới Crimea

11:26, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Nga ở Crimea vừa tiếp nhận các hệ thống tên lửa đất đối không S-300PMU mới để bảo vệ không phận của bán đảo này. Thông tin trên vừa được một nguồn tin quân sự từ Biển Đen thông báo với hãng tin RIA Novosti hôm qua (3/12).
 
“Với sự góp mặt của tổ hợp tên lửa S-300PMU, chúng ta có thể tự tin nói rằng lá chắn tên lửa được thiết lập trên bán đảo này sẽ bảo vệ an toàn cho Hạm đội Biển Đen khỏi các mối đe dọa từ trên không”, nguồn tin cho biết.

>> Nga tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen
>> Cận cảnh căn cứ không quân ở Crimea
>> Kiev "tức tối" vì Nga thản nhiên qua mặt
 
Nguồn tin cho biết, hệ thống S-300PMU đã tới Crimea từ tháng 11, tuy nhiên, số lượng và khu vực chúng được triển khai chưa được phép tiết lộ.
 
S-300PMU được triển khai tới Crimea giữa lúc NATO mở rộng tại Đông Âu và tăng cường sự hiện diện quân sự gần biên giới Nga trong bối cảnh quan hệ Nga và khối quân sự này trở nên căng thẳng do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

S-300PMU là một biến thể của hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại của Nga. S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương.  S-300 đến nay vẫn được đánh giá là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa mà nhiều nước thèm muốn có được để bảo vệ cho vùng trời lãnh thổ của họ.
 
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
 
Hệ thống S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. S-300 có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km. 
 
Tất cả các thành phần đài ra-đa và xe phóng đều được đặt trên xe vận tải bánh lốp hạng nặng, tính cơ động cao. Với khả năng đó, nó cho phép hệ thống đối phó có hiệu quả trước việc không quân đối phương phản đòn. Hệ thống S-300 có thể được triển khai chỉ trong vòng 5 phút một khi nó được vận hành bởi các binh lính có tay nghề, được đào tạo bài bản.
 
Là một phiên bản của S-300, hệ thống S-300PMU có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của không lực Mỹ và Israel với tốc độ cực đại cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo. Hệ thống tên lửa S-300PMU có tầm xa tối đa 200 km và sử dụng radar giám sát Big Bird.
 
Nga "dồn lực" tăng cường sức mạnh quân sự cho Crimea
 
Theo truyền thông quốc tế, thời gian gần đây, Nga đang tích cực tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân sự ở Crimea và Biển Đen bằng việc triển khai và trang bị các loại vũ khí hiện đại mới. Các động thái của Nga được tiến hành trước bối cảnh căng thẳng giữa nước này và phương Tây ngày càng gia tăng kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine, đặc biệt là trước kế hoạch áp sát của NATO và dự định tăng ngân sách quốc phòng của Ukraine.
 
Ngay sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, Bộ Quốc phòng nước này đã tuyên bố sẽ triển khai một mạng lưới căn cứ không quân và hải quân dày đặc cho Hạm đội Biển Đen trên bán đảo Crimea để tăng cường sức mạnh quân sự, bảo vệ các lợi ích của Nga tại khu vực cũng như để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Mỹ và NATO.
 
Cách đây 3 ngày, hôm 1/12, người phát ngôn của Hạm đội biển Đen cho biết, hạm đội này đang có kế hoạch tập trung huấn luyện các đơn vị mới, nâng cấp hoặc xây dựng mới các cơ sở vật chất cho Crimea. Theo đó, quân đội Nga sẽ tập trung vào việc tổ chức huấn luyện chiến đấu những đơn vị mới được thành lập, sửa sang hoặc xây dựng lại các cơ sở vật chất ở Crimea và dọc bờ biển Caucasus, đồng thời Hạm đội biển Đen cũng chuẩn bị nhận thêm các loại tàu chiến, tàu ngầm và tàu hỗ trợ cho hạm đội cùng với các loại máy bay cảnh báo sớm và săn ngầm.
 
Trước đó, ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Nga sẽ điều 10 chiến đấu cơ Su-27 SM và 4 chiếc Su-30 M2 tới một căn cứ không quân Belbek trên bán đảo Crimea, giúp tăng cường sức mạnh trên không của nước này ở khu vực Biển Đen. Tất cả các máy bay này đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ tư. Trong đó, 4 chiếc vừa mới được sản xuất.
 
Trước nữa, hồi tháng 10, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Nga Viktor Chirkov cũng tiết lộ, Hạm đội biển Đen ở Crimea sẽ nhận được một tàu hộ vệ hiện đại lớp Đô đốc Grigorovich và 2 tàu ngầm điện diesel thuộc lớp Varshavyanka mà NATO gọi là Kilo vào cuối năm 2014 này. Theo đó, Hạm đội Biển Đen sẽ sở hữu 6 tàu hộ vệ thế hệ mới và 6 tàu ngầm  vào năm 2018. Hồi đầu tháng 10, báo chí Nga cũng cho biết, Lực lượng Không gian nước này  sẽ hiện đại hóa và tái triển khai trạm rađa cũ ở Sevastopol, Crimea trong hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa của Nga. Theo dự kiến, trạm radar này sẽ được đưa vào vận hành đầy đủ và sẽ cung cấp dữ liệu cho quân đội Nga trong năm 2016.
 
Theo các chuyên gia quân sự, với việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Crimea và Biển Đen, Nga đang có tham vọng biến Crimea thành một pháo đài vững chắc để giúp Nga đối đầu với Mỹ và NATO. 


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc