MiG-31 uy lực của Nga khiến đối thủ "thót tim"

07:37, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Hai chiếc chiến đấu cơ đã bay sượt qua nhau ở khoảng cách gần đến mức suýt đâm nhau khi một chiếc MiG-31 của Nga vượt qua một chiếc F-16 của Na-uy và cắt ngang qua đầu, buộc phi công của NATO phải bẻ lái đột ngột.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Chiếc máy bay của Nga đã bay qua chiếc F-16 của Na-uy trong phạm vi chỉ khoảng 20 mét, khiến phi công của Na-uy phải thốt lên, “Cái quái gì vậy!” trước khi nhanh như tên bắn bẻ lái sang hướng khác.
 
Vụ việc trên xảy ra ở phía bắc Na-uy trên vùng lãnh hải quốc tế nhưng ngày giờ xảy ra vụ việc này không được công bố.
 
“Chúng tôi không biết liệu đó có phải là một tính toán sai lầm hay là viên phi công của Nga cố tình đặt anh ta vào đường bay của chiếc F-16 của chúng tôi,” phát ngôn viên Lực lượng Vũ trang Na-uy - ông Brynjar Stordal cho biết, nói thêm rằng “hành vi của phi công Nga là hoàn toàn không bình thường”.
 
Lực lượng Không quân Na-uy đã phải phái máy bay quân sự của Nga cất cánh khẩn cấp 43 lần trong năm nay và 42 lần trong năm ngoái. Con số này luôn được giữ ở mức như vậy trong vòng 5 năm qua.
 
Khi các chiến đấu cơ NATO chặn máy bay ném bom hay các máy bay khác của Nga hoặc ngược lại, các phi công thường lịch sự và giữ khoảng cách.
 
Vụ việc gần đây nhất khiến hai máy bay chiến đấu suýt đâm nhau là từ hồi năm 2012, khi một chiếc MiG-31 của Nga cất cánh đi chặn và tiếp cận “một cách gần đến khó chịu” với một chiếc máy bay do thám Orion của Na-uy ở trên Biển Barents.
 
Mikoyan MiG-31 là loại máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển cho Không lực Nga. MiG-31 được mệnh danh là huyền thoại đánh chặn của Không lực Nga.
 
Đây là một mẫu máy bay đánh chặn cao cấp do Phòng thiết kế Mikoyan thiết kết và chế tạo. Nó được triển khai và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên chiến trường của Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã. Máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga. Nó được thiết kế và triển khai nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược, và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.
 
Loại tiêm kích này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như hệ thống điện tử, dữ liệu kỹ thuật số, ra-đa đa năng với hệ thống kiểm soát vũ khí cực mạnh.

MiG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại ra-đa mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.
 
MiG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó vẫn là con át chủ bài của Không lực Nga.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc