Lộ bí mật đen tối của Mỹ và Ba Lan

10:52, 11/12/2014
|

(VnMedia) - Cựu Tổng thống Ba Lan hôm qua (10/12) đã lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận rằng nước ông đã chứa một nhà tù bí mật của CIA. Đây là nơi diễn ra những vụ tra tấn tù nhân tàn bạo và dã man theo thông tin được cung cấp trong một bản báo cáo của Thượng viện Mỹ.
 

Ảnh minh họa

  Ảnh minh hoạ


Cựu Tổng thống Ba Lan Aleksander Kwasniewski cho biết, khi còn đương chức, ông đã gây áp lực để buộc Mỹ phải chấm dứt các hành động thẩm vấn, tra tấn tàn bạo, dã man của CIA ở nhà tù bí mật trên đất Ba Lan năm 2003. "Tôi đã nói với Tổng thống Mỹ George W Bush khi đó rằng, sự hợp tác này cần phải chấm dứt và nó thực sự đã chấm dứt”, ông Kwasniewski cho báo chí địa phương biết.
 
Tiết lộ trên được cựu Tổng thống Ba Lan đưa ra đúng một ngày sau khi Thượng viện Mỹ đưa ra một bản báo cáo gây chấn động, trong đó tiết lộ rằng CIA đã sử dụng nhiều biện pháp tra tấn dã man để thẩm vấn các tù nhân sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
 
Ông Kwasniewski - người giữ vai trò là Tổng thống Ba Lan trong giai đoạn từ năm 1995 đến 2005, cho hay, ông đã nêu ra những quan ngại của Ba Lan về các hoạt động của CIA ở nước ông trong cuộc gặp mặt đối mặt trực tiếp với Tổng thống Bush ở Nhà Trắng năm 2003.
 
Theo lời ông Kwasniewski, Tổng thống Bush khi đó đã khăng khăng cho rằng, các phương pháp thẩm vấn của cơ quan tình báo CIA Mỹ đem lại “những lợi ích quan trọng trong các vấn đề an ninh”. "Người Mỹ đã thực hiện các hành động đó một cách bí mật và điều đó làm chúng tôi lo ngại. Giới chức Ba Lan đã phải hành động để chấm dứt việc đó và nó đã dừng dưới áp lực của Ba Lan”, cựu Tổng thống Kwasniewski cho biết.
 
Cũng theo ông Kwasniewski, Ba Lan đã đồng ý “tăng cường hợp tác tình báo” với Mỹ trong khuôn khổ NATO sau loạt vụ tấn công ngày 11/9, nhưng khẳng định ông này không biết gì về việc CIA tiến hành các hoạt động tra tấn trong các nhà tù hay cơ sở bí mật của họ.
 
Ba Lan đã cho phép CIA giam giữ những nghi phạm bị tình nghi là khủng bố trên đất của nước này với điều kiện họ được “đối xử như tù nhân”, ông Kwasniewski cho hay đồng thời thêm rằng Mỹ chưa bao giờ ký vào biên bản ghi nhớ có bao gồm quy định trên.
 
Những ai vi phạm luật quốc tế về cấm tra tấn cần phải bị truy tố, Tổng thống Ba Lan không ngần ngại tuyên bố.
 
Toà án Nhân quyền Châu Âu hồi tháng 7 đã lên án Ba Lan về tội đồng loã với Mỹ khi để xảy ra các vụ tra tấn một người Palestine và một người Ả-rập Xê-út trên lãnh thổ của họ. Hai người này sau đó được chuyển đến nhà tù khét tiếng ở Vịnh Guantanamo của Mỹ.
 
Toà án Nhân quyền Châu Âu cho rằng, Ba Lan có sự hợp tác trong chương trình tra tấn tù nhân bẩn thỉu của CIA.
 
Trong báo cáo công bố ngày 9/12, Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ cáo buộc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) đã thường xuyên lừa đối Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ về chương trình thẩm vấn “tăng cường” các nghi can al-Qaeda kéo dài từ năm 2002 tới năm 2006. Theo đó, các biện pháp thẩm vấn mà CIA tiến hành trên thực tế là tàn bạo hơn nhiều so với những gì CIA thừa nhận trước đó. Trong số 119 trường hợp bị thẩm vấn có ít nhất 26 người bị giam giữ trái phép và đã có một số trường hợp tử vong.
 
CIA có cơ sở giam giữ bí mật tại nhiều nước, trong đó có những nước được nêu tên trong bản báo cáo là Afghanistan, Ba Lan, Lithuania, Rumani và Thái Lan.
 
Các công tố viên Ba Lan đã tiến hành điều tra về nhà tù bí mật của CIA trên lãnh thổ của họ từ năm 2008. Các công tố viên này tuyên bố sẽ đề nghị được tiếp cận bản báo cáo đáng xấu hổ của Mỹ. Những người đồng cấp Lithuania cũng tuyên bố như vậy.
 
"Nếu thông tin được xác minh là chính xác, Lithuania sẽ phải chịu trách nhiệm", Tổng thống Dalia Grybauskaite đã nói như vậy về cáo buộc nước ông có chứa một nhà tù bí mật của CIA. Tuy nhiên, ông Valdas Adamkus - Tổng thống Lithuania vào thời điểm đó, đã bác bỏ việc ông biết bất kỳ điều gì về những cơ sở bí mật như vậy của CIA.

Trung Quốc “sửa lưng” Mỹ
 
Sau khi bản báo cáo của Mỹ về các biện pháp tra tấn và thẩm vấn tàn bạo đối với các đối tượng tình nghi khủng bố được công bố, chính phủ Mỹ đã phải tăng cường an ninh tại các cơ sở ngoại giao của họ ở nước ngoài để tránh những hành động biểu tình phản đối, trả thù hay các vụ tấn công khủng bố.
 
Bản báo cáo của Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
 
Trung Quốc ngày hôm qua đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi Mỹ “chấn chỉnh, sửa chữa lại hành động của họ”.
 
"Trung Quốc kiên quyết phản đối hành động tra tấn”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói như vậy tại một cuộc họp báo thường kỳ.
 
"Chúng tôi tin rằng, phía Mỹ nên tự suy ngẫm lại chính mình, sửa chữa lại lỗi lầm và thành thực tôn trọng cũng như tuân thủ nghiêm túc các quy định được đưa ra trong các công ước quốc tế”, ông Hồng Lỗi kêu gọi.
 
Trung Quốc và Mỹ thường xuyên tranh cãi, đối đầu nhau về vấn đề nhân quyền, trong đó Washington thường xuyên chỉ trích lên án Bắc Kinh về các hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc.
 
Về phía phản ứng của các đồng minh phương Tây của Mỹ, Đức cho rằng chương trình tra tấn của CIA là "sự vi phạm trắng trợn các giá trị tự do và dân chủ", là hành động “không thể chấp nhận được và là một sai lầm nghiêm trọng" không thể được tái diễn.
 
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Catherine Ray cho rằng: "Báo cáo này làm dấy lên các câu hỏi quan trọng về hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Mỹ".


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc