Kiev thảm bại trong lòng dân miền đông Ukraine

18:46, 03/12/2014
|

(VnMedia) - Cách đây một năm, bà Luda Nesterenko không nghĩ quá nhiều đến quốc tịch của mình. Với một người mẹ Ukraine và một người cha Nga, bà Nesterenko giống như quá nhiều người ở khu vực từng thuộc Liên Xô này có dòng máu pha trộn giữa hai nền văn hóa Xla-vơ. Đó là hai nền văn hóa vốn quen thuộc đến mức mà bà Nesterenko hầu như không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chúng.

 

Ảnh minh họa

Người dân miền đông Ukraine đang phải sống nhờ vào hàng cứu trợ nhân đạo của Nga


Nhưng đó là những gì của quá khứ, trước khi những người biểu tình đổ về các đường phố của thủ đô Kiev của Ukraine từ hồi tháng 11 năm ngoái để chống lại một Tổng thống thân Nga mà bản thân Nesterenko cũng không đặc biệt thích nhưng sẵn sàng chấp nhận vì quyền lợi của sự ổn định. Đó cũng là những gì diễn ra trước khi các cuộc biểu tình rầm rộ kết thúc bằng vụ lật đổ Tổng thống và Nga sáp nhập Crimea cũng như trước khi cuộc chiến tương tàn, đẫm máu giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng ly khai ập đến quê hương của bà.

 

Trong một ngày gần đây, bà Nesterenko, 47 tuổi, đã không cầm được nước mắt khi đứng bên cạnh một cái hố do quả đạn pháo gây ra. Quả đạn này đã xé nát mái của ngôi nhà của bà nằm ở góc nối giữa hai con đường Komsomolsk và Transport. Trong vụ thứ hai tương tự vào giữa tháng 8, một vụ bắn phá đã biến ngôi nhà – tài sản mà bà dành dụm gần một đời đã trong phút chốc trở thành đống tro tàn.

 

"Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này? Chính phủ nào?" bà Nesterenko vừa hỏi vừa chỉ vào đống đổ nát còn lại ở ngôi nhà mà bà và hai đứa con tuổi thiếu niên từng sống. "Chúng tôi là những người đơn giản và chăm chỉ làm việc ở đây. Chúng tôi chưa bao giờ chiến đấu với bất kỳ ai, nhưng đột nhiên chúng tôi trở thành kẻ thù và nó giống như là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ muốn giết sạch chúng tôi”.

 

Trong khi Kiev chỉ nói về việc đánh bại lực lượng ly khai và thống nhất đất nước, thì nhiều người dân ở miền đông Ukraine cho biết, chính phủ trung ương có rất ít cơ hội để giành được sự ủng hộ của họ. Đối với những người dân Ukraine đang sinh sống ở miền đông nam như bà Nesterenko, sự giao tiếp mà họ nhận được từ Kiev chỉ đến dưới hình thức bom đạn, và những người dân vô tội chỉ ở lại để nhặt nhạnh những gì mà chiến tranh để lại.

 

Sự bất bình, phẫn nộ và oán thán của người dân miền đông Ukraine với Kiev càng trở nên trầm trọng khi Tổng thống Poroshenko gần đây thông báo, ông này sẽ cắt đứt hoàn toàn các nguồn chi trả ngân sách cũng như các dịch vụ ngân hàng, cơ quan nhà nước cho các khu vực lãnh thổ ở miền đông nam Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai.

 

Liên Hợp Quốc ước tính, hơn 1 triệu người dân Ukraine đã rời các khu vực xung đột ở miền đông. Tuy nhiên, hơn 3 triệu người vẫn còn đang sống ở hai khu vực Donetsk và Luhansk. Một số người cho biết, họ ở lại nhà của mình ở những nơi này bởi họ ủng hộ lực lượng ly khai. Nhiều người khác cho biết, họ vẫn ở lại miền đông bởi họ quá ốm yếu hoặc nghèo để ra đi, hoặc không thể để những người già là họ hàng của họ ở lại.

 

Hiện nay, ở các thành phố trên khắp khu vực miền đông Ukraine , người dân đều có chung cảm giác rằng Kiev sẽ không giúp đỡ các công dân Ukraine – những người đang ở lại bởi không có nơi nào khác để đi. "Theo hộ chiếu, tôi vẫn là công dân Ukraine nhưng Kiev dường như hoàn toàn quên mất chúng tôi”, bà Nesterenko cho hay.

 

Ảnh hưởng của việc phong tỏa tài chính đối với các khu vực miền đông có thể sẽ rất thảm khốc. Những nhân viên công chức như giáo viên, bác sĩ và những người nghỉ hưu đã không nhận được lương của họ trong suốt 5 tháng qua. Hiện giờ, với các chi nhánh ngân hàng địa phương bị cắt đứt khỏi hệ thống ngân hàng trung ương ở Kiev, sẽ không có cách nào để người dân ở miền đông nam Ukraine có thể rút tiền từ bất kỳ tài khoản nào mà họ có.

 

Không tiền để mua lương thực và các mặt hàng thiết yếu, căn bản khác, hàng ngàn người dân ở miền đông Ukraine đang sống phụ thuộc vào nguồn hàng viện trợ từ Nga. Tuần trước, lãnh đạo lực lượng ly khai thông báo họ sẽ thiết lập một quỹ lương hưu cũng như các dịch vụ bưu điện và hệ thống ngân hàng riêng của khu vực. Tuy nhiên, giới lãnh đạo lực lượng ly kahi cũng ám chỉ, họ sẽ tái quốc hữu hóa các mỏ than cũng như các ngành công nghiệp nặng trong khu vực để tạo việc làm và thiết lập ngân khố quốc gia.

 

Trong gần như hầu hết các thành phố và thị trấn, những người về hưu đang phải xếp hàng trong giá rét để chờ đợi được phân phát những túi đựng đầy mỳ ống, sữa hộp và thuốc men. Một số trong những hàng cứu trợ này được cung cấp bởi tổ chức nhân đạo do một nhà tài phiệt địa phương cung cấp.

 

"Những người ở Kiev chịu trách nhiệm về chuyện này nên bị xếp thành hàng, dựa vào tường và bị bắn”, ông Petr Panko phẫn nộ cho biết. Nhà của ông Panko ở Ilovaisk có chi chít những lỗ hổng do đạn gây ra trong khi nhà hàng xóm của ông đã bị phá hủy hoàn toàn.

 

Trong khi đó, một người dân khác là Oleg Plahotin cho biết, đạn pháo cũng đã rơi trúng xuống nơi ở của ông này từ hôm 16/8. Ngôi nhà gạch đơn giản được xây dựng từ năm 1968, và ông Plahotin đã mua nó cách đây 2 năm từ một cặp vợ chồng già. Gần đây, Plahotin đã hoàn thành việc sửa sang, cải tạo ngôi nhà ở trên mảnh đất rộng khoảng 400 mét vuông này để cho vợ và cô con gái 12 tuổi ở. "Đó là một ngôi nhà tuyệt vời... và bây giờ thì nó như này”, ông Plahotin cho biết khi dọn dẹp đống đổ nát còn lại từ ngôi nhà của mình. Plahotin cho biết, ông có kế hoạch xây lại ngôi nhà của gia đình.

 

Ilovaisk là một thị trấn có khoảng 15.000 dân và từng là một trung tâm đường sắt yên bình. Nhưng vào tháng 8 vừa rồi, Ilovaisk đã trở thành một trong những chiến trường đẫm máu nhất. Người dân ở Ilovaisk xem lực lượng ly khai là hy vọng duy nhất để bảo vệ họ trước chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc của Ukraine mà họ tin là đang tìm cách xóa sổ những khu vực nói tiếng Nga ở nước này.

 

Plahotin cũng giống như bà Nesterenko từng chẳng bao giờ để tâm đến quốc tịch của mình trước khi cuộc xung đột nổ ra. Các anh chị em của Plahotin sống ở thành phố miền trung Vinnytsia – nơi Tổng thống Poroshenko lớn lên. Hiện nay, quan hệ giữa những người họ hàng ngày một căng thẳng qua các cuộc trò chuyện điện thoại hiếm hoi.

 

"Họ nghĩ mọi người ở đây là kẻ thù và những người ở đây cũng nghĩ về những người ở phía tây như vậy", ông Plahotin, 40 tuổi, cho biết. "Họ sống gần hơn với Kiev và họ ủng hộ phía đó. Tôi không nghĩ là có khả năng để thống nhất, đoàn kết Ukraine lại".


Kiệt Linh - (theo LATimes)

Ý kiến bạn đọc