Hungary ngả về Nga, Mỹ tức tối ra mặt

16:01, 04/12/2014
|

(VnMedia) - Quan hệ Mỹ và Hungary đang rơi vào một cuộc khủng hoảng mà người ta tin rằng nó được châm ngòi từ việc Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang có chiều hướng ngả về phía nước Nga.
 
>> Nội bộ EU chia rẽ vì sợ "vía" Nga?
>> Hungary bất ngờ ra đòn phũ phàng với Ukraine
>> EU vỡ trận trước vũ khí lợi hại của Nga

Bộ Ngoại giao Hungary hôm qua (3/12) đã tức giận triệu tập Đại diện Mỹ đến để phản đối sau khi Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain dám gọi Thủ tướng Viktor Orban là "một nhà độc tài phát xít mới".
 
Mỹ gần đây đang tăng cường “chĩa mùi dùi” chỉ trích nhằm vào chính quyền của Thủ tướng Hungary Orban, cáo buộc chính phủ của ông này đang ngày càng tỏ ra thân thiết với Nga khi mà cuộc đối đầu Đông-Tây đang gia tăng căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Ngoại trưởng Hungary đã triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ Andre Goodfriend đến để bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước những phát biểu mà ông McCain đưa ra tại Thượng viện Mỹ trong cuộc tranh luận chính trị về việc bổ nhiệm nhà sản xuất phim của Hollywood Colleen Bell làm Đại sứ Mỹ tại Budapest.
 

Ảnh minh họa

Phát biểu "gây bão" của Thượng nghị sĩ McCain đang châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Mỹ và Hungary. 


Ông McCain – một Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hoà, hôm 2/12 đã nói với Thượng viện rằng: “Tôi không phản đối những vị trí chính trị vừa được bổ nhiệm ... Tôi hiểu trò chơi đang diễn ra như thế nào, nhưng Hungary... đang trên bờ vực của việc trao chủ quyền cho một nhà độc tài theo chủ nghĩa phát xít mới, đi đêm với Tổng thống Vladimir Putin và chúng ta đang chuẩn bị gửi nhà sản xuất phim 'The Bold and The Beautiful' (Dũng sĩ và Người đẹp) đến làm Đại sứ”.
 
Ông Bell đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào nhiệm vụ mới và ông này sẽ đảm nhiệm chức vụ Đại sứ ở Hungary.
 
"Chính phủ Hungary phản đối những phát biểu mà Thượng nghị sĩ John McCain đưa ra liên quan đến Thủ tướng Hungary và về mối quan hệ giữa Nga và Hungary", Thư ký Bộ Ngoại giao Hungary Levente Magyar cho hãng tin MTI biết.
 
Nhấn mạnh rằng, Đảng Fidesz của ông Orban đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương, quốc hội và Châu Âu, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho hay: "Các công dân Hungary đã thể hiện rất rõ quan điểm, lập trường của họ và tất cả mọi người phải tôn trọng điều đó".
 
Ông Szijjarto cho biết thêm rằng, Đại sứ quán Hungary ở thủ đô Washington sẽ liên lạc với văn phòng của Thượng nghị sĩ McCain để chất vấn về những phát biểu cũng như hiểu biết của ông này.
 
Văn phòng của ông McCain ở Washington tái khẳng định, Thượng nghị sĩ này đã ám chí đến ông Orban khi dùng từ “nhà độc tài phát xít mới”.
 
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Marie Harf khẳng định, Washington không đồng ý với những phát biểu gây tranh cãi của Thượng nghị sĩ McCain về vấn đề bổ nhiệm ông Bell làm Đại sứ Mỹ tại Hungary.
 
"Tôi cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng tôi (Bộ Ngoại giao Mỹ) không nhất trí với một số quan điểm mà Thượng nghị sĩ McCain đưa ra", bà Harf hôm qua (3/12) cho biết, bình luận thêm rằng, ngôn ngữ của ông McCain về tình hình Hungary “nhiều màu sắc hơn” và ông này nổi tiếng về điều đó.
 
Mỹ đang tức tối với Hungary
 
Phát biểu của ông McCain phần nào nói lên quan hệ giữa Mỹ và Hungary hiện nay dù Bộ Ngoại giao Mỹ cố tìm cách tách bạch giữa những phát biểu “phi ngoại giao” của ông McCain với quan điểm chính thức của Washington.
 
Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu gần đây tỏ ra bực bội, tức tối ra mặt với việc Thủ tướng Hungary Orban có xu hướng ngả dần về phía Nga – nước đang bị phương Tây gây sức ép mạnh mẽ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Phương Tây cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Orban đang thể hiện một sự “coi thường” đối với các giá trị của họ khi ngày một trượt dần vào quỹ đạo của điện Kremlin.
 
Khi mà Mỹ và Châu Âu đang tìm cách cô lập Moscow bằng mọi giá và đang tính đến chuyện tung thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga với lý do tình hình ở Ukraine không có gì thay đổi, thì Thủ tướng Orban đang khiến phương Tây lo ngại khi ông này đang thiết lập một mối quan hệ ngày càng gắn bó với Nga.
 
Thủ tướng Orban, 51 tuổi, từng chỉ trích EU “đã tự bắn vào chân mình” khi áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Và trong những bước đi thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình, trái hoàn toàn với mong muốn của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), Thủ tướng Orban đã ký một thỏa thuận để Moscow xây nhà máy điện hạt nhân cho họ. Ông này cũng ngừng cung cấp khí đốt cho Ukraine và ủng hộ mạnh mẽ cho dự án Dòng chảy Phía Nam (South Stream) của Nga bất chấp sự phản đối kịch liệt của EU.
 
Trong một dấu hiệu thể hiện sự tức giận với Hungary, Mỹ mới đây đã đưa 6 người có mối quan hệ với chính phủ Hungary vào danh sách cấm đến Mỹ, cáo buộc họ tham nhũng.
 
Đại biện lâm thời của Mỹ Andre Goodfriend cũng từng tham dự một trong những cuộc biểu tình của phe đối lập ở Hungary và ông này đã bị phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs chỉ trích. Ông Goodfriend bị cáo buộc tìm cách can thiệp, gây ảnh hưởng vào công việc nội bộ của Hungary.
 
Ông Orban, 51 tuổi, đã được bầu làm Thủ tướng Hungary trong cuộc bầu cử năm 2010 với 2/3 số phiếu ủng hộ. Ông này lại tái đắc cử nhiệm kỳ hai với số phiếu áp đảo vào tháng 4 vừa rồi.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc