Đòn khiêu khích “độc” của Putin khiến Mỹ sốc

12:38, 12/12/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã tung ra “một đòn khiêu khích” cực độc nhằm vào phương Tây trong chuyến thăm đến Ấn Độ đang diễn ra của ông này.
 

Ảnh minh họa

  Người dân Nga ăn mừng sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 đầu năm.


Sự kiện ông Putin đến Ấn Độ nhằm thắt chặt thêm nữa mối quan hệ hợp tác với một trong những cường quốc hàng đầu Châu Á vốn đã được phương Tây theo dõi với một thái độ không mấy thoải mái và thậm chí là rất lo ngại.
 
Chuyến thăm của Tổng thống Nga càng khiến phương Tây tức tối hơn nữa khi ông này đưa theo lãnh đạo của bán đảo Crimea trong đoàn đi của mình.
 
Lãnh đạo của bán đảo Crimea – một cựu quan chức của Ukraine, đã đặt chân đến đất nước Ấn Độ trong ngày hôm qua (11/12) với tư cách là một thành viên trong đoàn đại biểu của Nga do Tổng thống Putin dẫn đầu. Thông tin này đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của Mỹ.
 
Ấn Độ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga nhưng việc ông Sergey Aksyonov đến New Delhi có thể làm hỏng không khí trước thềm sự kiện Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 1 tới.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki cho hay, Washington cảm thấy “lo lắng” trước thông tin Lãnh đạo bán đảo Crimea Aksyonov có thể đang tham gia vào chuyến đi của ông Putin đến Ấn Độ. Mỹ tuyên bố sẽ tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc này.
 
"Chúng tôi được biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nói rằng, họ không biết gì về chuyến thăm của ông Aksyonov hay sự tham gia của ông này trong phái đoàn của Nga... Chúng tôi sẽ làm rõ về thông tin đó”, bà Psaki cho biết thêm.
 
Ông Aksyonov đã đến khách sạn sang trọng Oberoi ở thủ đô New Delhi cùng với các nhà ngoại giao Nga và họ đã được đón chào nhiệt thành bởi ông Gul Kripalani – một nhà kinh doanh hải sản ở Mumbai. Ông này đang rất muốn đẩy mạnh quan hệ làm ăn với các đối tác ở Nga.
 
Phát biểu với các phóng viên sau khi ký biên bản ghi nhớ về việc tăng cường hợp tác kinh doanh, ông Aksyonov cho biết, chuyến thăm của ông đến Ấn Độ là “công việc cá nhân” và ông không tham gia vào bất kỳ sự kiện chính thức nào.
 
Tuy nhiên, trong một status khác, Lãnh đạo của bán đảo Crimea cho hay, ông đến Ấn Độ với tư cách là “một thành viên của phái đoàn Nga do Tổng thống Vladimir Putin dẫn đầu”.
 
Ông Aksyonov, 42 tuổi, đã được bầu làm người lãnh đạo Crimea sau khi bán đảo này được sáp nhập vào Nga.
 
Rõ ràng chuyến thăm của ông Aksyonov đã nhận được sự ủng hộ toàn diện về ngoại giao của Nga với việc Tổng Lãnh sự quán Nga tại Mumbai và cố vấn của Đại sứ Nga tại Ấn Độ Alexander Kadakin đều có mặt và ăn trưa với ông này cùng các doanh nhân.
 
“Cú sốc” Crimea
 
Tin tức về sự kiện Lãnh đạo Crimea đến Ấn Độ bị rò rỉ ra bên ngoài từ hôm 10/12 khi Đại sứ quán Nga tại Ấn Độ mới các phóng viên đến tham dự một buổi lễ ký kết nhưng sau đó lại hoãn lại vào buổi tối.
 
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, ông không biết gì về thông tin chuyến thăm của một nhà lãnh đạo Crimea đến nước ông. Tuy nhiên, một số người tin rằng, không thể có chuyện một sự kiện như thế xảy ra mà không có sự nhất trí của New Delhi.
 
Thủ tướng Modi khi phát biểu tại một cuộc họp báo chung sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Putin đã nhấn mạnh đến mối quan hệ an ninh sâu sắc giữa Ấn Độ và Nga. Moscow từ lâu đã duy trì một mối quan hệ truyền thống gắn bó, hữu nghị với New Delhi. Nga đã là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ trong nhiều thập kỷ cho đến khi Mỹ vượt lên chiếm vị trí hàng đầu gần đây.
 
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
 
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối.
 
Theo kết quả thăm dò tại thời điểm Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, hơn 90% người dân Nga đã ủng hộ việc “đón” bán đảo xinh đẹp này trở về vòng tay của họ.
 
Trong khi đó, các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu lên án gay gắt vụ sáp nhập của Nga đồng thời sôi sục tìm cách trả đũa Moscow. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Vụ sáp nhập nhanh gọn bán đảo Crimea được xem là một chiến thắng của Tổng thống Putin và là một thất bại của phương Tây. Trong suốt thời gian qua, phương Tây được cho là đã tạm quên đi “nỗi đau” đó thì mọi việc lại “dấy” lên khi Lãnh đạo của bán đảo Crimea được tháp tùng Tổng thống Putin đến Ấn Độ. Phương Tây hiểu rằng, sự kiện này rõ ràng là một sự ủng hộ ngầm của New Delhi dành cho vụ sáp nhập của Nga. 


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc