Võ sĩ đai đen Putin bị thách đấu

06:44, 12/11/2014
|

(VnMedia) - Mặc dù bị “thách đấu” nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là một võ sĩ đai đen đã dễ dàng “hạ gục” đối thủ ngay cả khi trận đấu còn chưa bắt đầu.

 

Ảnh minh họa

  Tổng thống Nga Putin (bên phải) và Thủ tướng Australia Abbott


Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (11/11) đã có cuộc gặp trực diện mặt đối mặt với Thủ tướng Australia Tony Abbott - người đã thề sẽ thách đấu với ông chủ điện Kremlin ngay tại hội nghị APEC ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

 

Trước cuộc gặp ngày hôm qua, Nhà lãnh đạo Australia đã hùng hồn tuyên bố rằng ông này sẵn sàng “thách đấu” với Tổng thống Nga Putin để làm rõ về vụ máy bay MH17 rơi ở miền đông Ukraine. Thảm họa máy bay nói trên đã cướp đi sinh mạng của 298 người, trong đó có 38 công dân Australia .

 

Nhiều người đã chờ đợi màn đối đầu quyết liệt của Thủ tướng Abbott với Tổng thống Putin, người vừa được bầu chọn là Nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới tại hội nghị APEC đang diễn ra ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Australia rõ ràng đã thể hiện một thái độ “rút lui” trước những lời tuyên bố đầy mạnh mẽ mà ông đưa ra trước đó.

 

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Putin và Abbott ngày hôm qua ở hội nghị thượng đỉnh APEC, điện Kremlin cho biết, “hai bên đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc đẩy nhanh tốc độ điều tra nguyên nhân gây ra thảm họa” rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.

 

"Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, ngay từ đầu, Nga đã kiên quyết yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng, hiệu quả và công bằng", điện Kremlin nhấn mạnh.

 

Văn phòng của Thủ tướng Australia Abbott nhấn mạnh, những bằng chứng cho rằng một tên lửa do Nga cung cấp đã thổi bay chiếc máy bay MH17 ra khỏi bầu trời ở miền đông Ukraine từ một bệ phóng và bệ phóng này sau đó được đưa trở lại lãnh thổ Nga là “một vấn đề rất nghiêm trọng”.

 

Cả hai nhà lãnh đạo Nga và Australia đều nhất trí rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện cuộc điều tra quốc tế đối với vụ MH17 và cần phải thu thập tất cả mọi thông tin liên quan đến vụ việc này, văn phòng ông Abbott cho hay.

 

Mặc dù Thủ tướng Australia được cho là đã dùng những lời lẽ hết sức mạnh mẽ, “đao to búa lớn” trước cuộc gặp nhưng phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho rằng, ông Abbott đã không thực hiện lời đe dọa “thách đấu” mà ông này từng hùng hồn đưa ra cách đây chỉ vài ngày.

 

"Dường như ông ấy chẳng có ý định thử làm việc đó”, ông Peskov đã nói như vậy với hãng tin RIA Novosti.

 

Sau vụ MH17, giới chức Australia từng tức giận với Tổng thống Nga Putin đến mức đòi “cấm cửa” không cho ông này đến Austrlia để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane. Tuy nhiên, Thủ tướng Abbott muốn G20 tập trung vào vấn đề khôi phục kinh tế nên đã tìm kiếm một cuộc gặp với Tổng thống Putin ở Bắc Kinh, thay vì ở Brisbane để tránh việc vụ MH17 trở thành vật cản tại hội nghị G20 sắp tới. Bản thân nhiều nước khác trong G20 cũng phản đối quyết liệt ý kiến của một số chính khách về việc không mời nguyên thủ của nước Nga đến dự hội nghị của nhóm này.

 

"Có ý kiến về việc đó, cụ thể là ở Australia . Họ muốn biến G20 thành một nơi để bêu xấu nước Nga vì cáo buộc xâm lược Ukraine . Điều này sẽ không xảy ra bởi một nửa các thành viên của nhóm G20 không thích thú với ý tưởng đó”, ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Ngoại giao và Quốc phòng có mối liên hệ với điện Kremlin, cho hay.

 

Tổng thống Putin một ngày 3 lần “chạm trán” với người đồng cấp Obama

 

Ngoài cuộc gặp với đối thủ thách đấu - Thủ tướng Australia Tony Abbott, Tổng thống Nga Vladimir Putin riêng trong ngày hôm qua (11/11) còn có 3 cuộc “chạm trán” với Tổng thống Mỹ Barack Obama vì một loạt vấn đề, trong đó có cả chủ đề nóng nhất là Ukraine. Các cuộc gặp diễn ra khi mà Nhà Trắng tiếp tục cảnh báo chính phủ Nga về việc “bị cô lập”.

 

Theo thông tin từ Nhà Trắng cung cấp, Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin đã có 3 lần gặp gỡ trực tiếp với nhau bên lề diễn đàn Hội nghị thượng đỉnh APEC ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là sự kiện diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia do Thủ tướng Abbott chủ trì vào cuối tuần này.

 

"Các cuộc hội đàm giữa họ liên quan đến vấn đề Iran , Syria Ukraine ”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - bà Bernadette Meehan cho các phóng viên biết. Cả Mỹ và Nga đều tham gia vào các cuộc đàm phán P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran . Tuy nhiên, trong vấn đề Syria, Moscow được coi là một đồng minh của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và Nga đã ủng hộ Syria trong suốt thời gian xảy ra cuộc nổi dậy từ hồi tháng 3 năm 2011 đến giờ.

 

Mặc dù vậy, bất đồng lớn nhất hiện nay giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vẫn là về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine của Nga.

 

Phương Tây do Mỹ dẫn đầu luôn đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và vì thế các nước này đã tung một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Hồi giữa tháng 10 vừa rồi, Tổng thống Putin đã thẳng thừng cáo buộc người đồng cấp Putin có thái độ thù địch với nước Nga trong khi ông Obama lên án cái gọi là “sự xâm lược của Nga vào Châu Âu " trong bài phát biểu gần đây trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

 

Ngày hôm qua, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã đưa ra lời cảnh báo ở thủ đô Bắc Kinh rằng, “chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc về các hoạt động của Nga. Nếu họ còn tiếp tục như vậy... họ sẽ phải đối mặt với sự cô lập”.

 

Trước đó nữa, hôm 10/11, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cũng lên tiếng cảnh báo Nga về việc sẽ phải trả giá thêm nữa nếu tiếp tục “vi phạm thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine ”.

 

Tuy nhiên, những đòn trừng phạt, những lời đe dọa hay cảnh báo của phương Tây chẳng khiến Nhà lãnh đạo Nga nao núng mà còn khiến ông thêm cứng rắn.

 

“Tôi nghi ngờ việc sẽ có bất kỳ sự thay đổi căn bản nào trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Cuộc đối đầu đó có nguồn gốc sâu xa là sự bất đồng sâu sắc về tương lai của trật tự quốc tế ở khu vực Đông Âu và cả hai bên nhất định không chịu thỏa hiệp với nhau”, ông Hugh White - giáo sư nghiên cứu chiến lược ở trường Đại học Quốc gia Australia, đã nhận định như vậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc