Trung Quốc ngang ngược đến mức nào ở Trường Sa?

18:30, 22/11/2014
|

(VnMedia) - Một ấn phẩm quốc phòng hàng đầu thế giới hôm qua (21/11) đã đưa ra một thông tin gây sốc, theo đó những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đảo nhân tạo trên bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam với quy mô đủ lớn đến mức có thể trở thành đường băng ngoài khơi đầu tiên ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa

  Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam


Hoạt động xây dựng trái phép trên của Trung Quốc đang gây ra quan ngại sâu sắc về việc nước này có thể biến bãi Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành một căn cứ quân sự. Diễn biến này sẽ khiến Biển Đông lại thêm nóng bỏng, sục sôi.
 
Tạp chí IHS Jane's cho biết, những hình ảnh vệ tinh mà họ có được cho thấy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam dài ít nhất 3.000 mét và rộng từ 200 đến 300 mét. Theo tạp chí HIS Jane’s, đây là “một hòn đảo nhân tạo đủ lớn để có thể xây dựng một đường băng và thềm đế máy bay".
 
Trung Quốc còn tiến hành xây dựng một cảng ở phía đông của bãi Chữ Thập và công trình này “dường như đủ lớn để tiếp nhận các tàu chở dầu và tàu chiến đấu nổi", tạp chí IHS Jane's cho biết thêm.
 
Khi được hỏi về thông tin trên tại một diễn đàn quốc phòng vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, ông Jin Zhirui – một đại tá thuộc bộ chỉ huy không quân Trung Quốc, đã từ chối xác nhận nhưng nói rằng Trung Quốc cần xây dựng các cơ sở ở Biển Đông vì các lý do chiến lược.
 
Trung Quốc đã tiến hành việc xây dựng đảo nhân tạo trên bãi Chữ Thập của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ và kiên quyết của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế. Mỹ trước đó đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động mang tính khiêu khích ở Biển Đông – một trong những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Với việc Trung Quốc tiếp tục lấn tới một cách ngang ngược và phi pháp trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông bất chấp mọi sự phản đối và mọi lời kêu gọi, cộng đồng quốc tế đang hết sức quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng dẫn đến xung đột dù các nước có tranh chấp đang nỗ lực tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
 
Trước việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/11 đã lên tiếng phản đối gay gắt.
 
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; làm phá vỡ nguyên trạng, gây căng thẳng, phức tạp tình hình, không có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trưởng Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.
 
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.”
 
Trong 3 tháng liên tiếp 9, 10 và 11, Trung Quốc đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngày 7/10, mạng Tin tức Hải Nam đưa tin, Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000 mét cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
 
Trước đó nữa, ngày 11/9, tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam - Lê Hải Bình cũng đã có phản ứng mạnh mẽ trước việc Trung Quốc đang xây dựng một số công trình trái phép trên đảo Gạc Ma và Trường Sa. “Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”, ông Lê Hải Bình cứng rắn tuyên bố.
 
Việc Trung Quốc ngang nhiên, trắng trợn đẩy mạnh hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc vừa gây sóng gió đặc biệt nghiêm trọng ở Biển Đông bằng việc kéo một giàn khoan khổng lồ vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế.
 
Đánh giá về tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của các bên liên quan, nhiều học giả có uy tín của quốc tế tham dự hội thảo về Biển Đông hồi đầu tuần cho rằng sự gia tăng về số lượng và cường độ hoạt động của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây. Nhiều học giả cảnh báo, việc Trung Quốc mở rộng bồi đắp quy mô lớn các bãi đá ở Trường Sa sẽ làm “thay đổi cuộc chơi”, làm gia tăng yêu sách, gia tăng cạnh tranh nước lớn và nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Biển Đông.
 
Theo các học giả, sự gia tăng căng thẳng gần đây tại Biển Đông không chỉ có khả năng tác động tiêu cực tới việc bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên biển tại khu vực mà còn đe dọa an ninh các tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Về vấn đề này, có học giả cảnh báo nghịch lý, trong khi cộng đồng khu vực rất nỗ lực tránh để xảy ra xung đột, một số nước lại đang tạo ra các căng thẳng ở mức độ thấp vì tin rằng chừng nào chưa có đối đầu trực diện thì tình hình vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm vì Biển Đông còn thiếu vắng một Bộ Quy tắc ứng xử hoặc một Điều ước quản lý va chạm, xung đột trên biển có tính ràng buộc pháp lý.
 
Trước đó, hôm 12/11, phát biểu tại Phiên thảo luận toàn thể, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. 
 
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc