(VnMedia) - Nga có khả năng phải mất đến 140 tỉ USD mỗi năm vì giá dầu đang bị hạ thấp cũng như vì những đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, Moscow vẫn ngạo nghễ tuyên bố, các biện pháp trừng phạt là không thể tránh khỏi trên con đường khôi phục lại sức mạnh và quyền lực của nước Nga.
![]() |
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin |
Những tổn thất đau đớn
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov mới đây hồi đầu tuần cho biết, Nga có khả năng mất tới 140 tỉ USD mỗi năm vì giá dầu bị hạ thấp cũng như các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương đang áp đặt lên họ. Ông Siluanov đã nói về tổn thất đau đớn này khi nhấn mạnh đến nguy cơ cuộc khủng hoảng Ukraine bị kéo dài dai dẳng trong bế tắc.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Tài chính Siluanov, nền kinh tế Nga có thể mất ít nhất 40 tỉ USD vì những biện pháp trừng phạt địa chính trị của phương Tây và mất thêm 90-100 tỉ USD vì giá dầu sụt giảm. “Chuyện gì đang xảy ra với nền kinh tế? Chúng ta đánh mất ít nhất 40 tỉ USD mỗi năm vì các biện pháp trừng phạt mang tính chính trị và ít nhất 90 đến 100 tỉ USD mỗi năm vì giá dầu sụt giảm tới 30%”, ông Siluanov đã nói như vậy.
Giá dầu đang sụt giảm nghiêm trọng trong những tháng gần đây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar Tass gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, giá dầu giảm vì nhiều lý do. Nguyên nhân đầu tiên theo ông Putin là do nguồn cung đang tăng lên do Ả-rập Xê-út, Libya và Iraq đang tăng sản lượng sản xuất dầu mỏ. Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo đang bán dầu thô với giá rẻ một cách bất hợp pháp với chỉ 30 USD/thùng. Điều này góp phần đẩy giá dầu xuống thấp hơn. Cùng với đó, nguồn tiêu thụ dầu mỏ cũng sụt giảm do sự trì trệ của nền kinh tế.
Phương Tây dưới sự dẫn dắt cũng như gây sức ép của Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt lên Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Ban đầu các biện pháp trừng phạt chỉ dừng lại ở mức độ phong tỏa tài sản và cấm đi lại với một số quan chức Nga. Tuy nhiên, phương Tây đã lấn tới thêm nữa bằng việc tung ra những đòn trừng phạt gây tác động lớn hơn, gây đau đớn lớn hơn khi nhằm thẳng vào những ngành then chốt trong nền kinh tế Nga như năng lượng, ngân hàng và quốc phòng.
Nga đã đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu một năm đối với các mặt hàng lương thực, nông sản từ Liên minh Châu Âu (EU) cũng như các nước Mỹ, Australia, Canada và Na-uy.
Cho đến thời điểm này, các đòn trừng phạt của cả Nga và EU đang khiến cả hai đều bị “ngấm đòn”, đều đã bị tổn thương nặng nề. Không chỉ các công ty của Nga bị ảnh hưởng mà các công ty của EU cũng hứng chịu tác động tiêu cực không kém.
Nga tiếp tục ngạo nghễ thách thức Mỹ và EU
Giới chức Nga thẳng thắn thừa nhận, họ thực sự đang ngấm đòn đau từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy vậy, trong suốt thời gian qua, Moscow luôn giữ một lập trường cứng rắn, quyết liệt không chịu lùi bước. Thậm chí, Nga còn tỏ thái độ thách thức đầy ngạo nghễ trước phương Tây.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã viết trên trang Twitter rằng, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine là không tránh khỏi và là giai đoạn có thể dự đoán được trên con đường khôi phục lại sức mạnh, quyền lực của nước Nga.
“Chúng ta cần phải trải qua giai đoạn đó để nổi lên một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, Phó Thủ tướng Rogozin nhấn mạnh.
Trước đó, hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng lên tiếng miêu tả những đòn trừng phạt của phương Tây là “cực kỳ ngu ngốc” đồng thời tuyên bố đầy thách thức rằng những đòn đó sẽ chẳng thể khuất phục được nước Nga.
Trong bài phát biểu trước các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, Tổng thống Putin đã nói rằng, ông cảm thấy bình thản trước những biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên nước ông vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine mặc dù những “đòn đánh” đó đã phá vỡ các nguyên tắc căn bản của nền kinh tế toàn cầu. Ông chủ điện Kremlin rắn rỏi tuyên bố, Nga đã chuẩn bị đầy đủ để vượt qua “cơn bão” hiện nay. Tổng thống Putin đã yêu cầu đội ngũ cố vấn kinh tế của mình vạch ra kế hoạch để nước Nga vượt qua các đòn trừng phạt của phương Tây trong vòng một thập kỷ, một nguồn tin đã tiết lộ như vậy.
Trước đó nữa, hồi tháng 8, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là một trong những người giàu nhất nước Nga – ông Gennady Timchenko đã lên tiếng khẳng định, giới doanh nhân hàng đầu của Nga sẽ không vì sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà gây áp lực với ông chủ điện Kremlin để ông thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Thách thức hơn, vị tỉ phú này còn tuyên bố, các đòn trừng phạt của phương Tây chỉ khiến họ thêm ủng hộ cho các chính sách của Tổng thống Putin.
Nga và phương Tây đang lao một cuộc chiến thương mại “sứt đầu mẻ trán” vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nga và phương Tây vốn có mối quan hệ gắn kết, phụ thuộc vào nhau. Nga là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu và các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Việc EU “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc chính các doanh nghiệp của các nước thành viên EU nói riêng và nền kinh tế của khu vực nói chung phải hứng chịu những hậu quả không khác gì các đối tác Nga của họ.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc