Phũ phàng với Nga, Tổng thống Pháp “hứng đòn”

09:30, 17/11/2014
|

(VnMedia) - Một trong những liên đoàn lớn nhất ở Pháp - Lực lương Công nhân mới đây đã lên tiếng kêu gọi Paris phải nhanh chóng hoàn tất hợp đồng bán siêu tàu chiến lớp Mistral và bàn giao hai chiếc tàu chiến loại này cho Nga nếu không sẽ có đến 2.500 nhân viên của xưởng đóng tàu có thể mất việc.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Hollande


Liên đoàn Lực lượng Công nhân Pháp đã bày tỏ “sự phẫn nộ và sốc” trước việc Paris tuyên bố hoãn bàn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho phía khách hàng Nga vì áp lực từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU), tờ Le Figaro đưa tin. Mỹ và EU đang áp đặt một loạt đòn trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các nước này đã gây sức ép mạnh mẽ buộc Paris phải tạm dừng chuyển giao tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
Quyết định của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã khiến 2.500 công nhân phải đối mặt với tình trạng có nguy cơ mất việc do số lao động này sẽ bị dư thừa nếu Pháp không tiếp tục đóng tàu chiến lớp Mistral cho Nga. Đó là một quyết định không thể chấp nhận được, đại diện của liên đoàn Lực lượng Công nhân đã nói như vậy với tờ Le Figaro của Pháp.
 
“Đáng ra mọi việc sẽ rất tuyệt nếu chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên được bàn giao cho Nga bởi như vậy chúng tôi sẽ có cơ hội đóng tiếp chiếc tàu chiến thứ hai”, một nhân viên ở xưởng đóng tàu Saint-Nazaire cho biết. Saint-Nazaire là nơi đang chịu trách nhiệm đóng 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
Lực lượng Công nhân là liên đoàn lớn thứ ba ở Pháp với hơn 300.000 thành viên.
 
Nga đã ký hợp đồng trị giá 1,6 tỉ USD để mua của Pháp hai chiếc tàu chiến lớp Mistral hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Nga sẽ được đón nhận chiếc tàu chiến đầu tiên mang tên Vladivostok vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, Paris đã bất ngờ ra tuyên bố tạm ngừng bàn giao chiếc tàu Vladivostok cho Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Sau một thời gian chờ đợi mà không có kết quả, một quan chức cấp cao của Nga hồi cuối tuần trước tuyên bố, Pháp có thời hạn đến cuối tháng này để bàn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên nếu không nước này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt vì vi phạm hợp đồng.
 
Phản ứng của Tổng thống Pháp
 
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Australia sau hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Pháp Hollande nói: "Tôi sẽ đưa ra quyết định mà không chịu bất kỳ sức ép nào dù nó đến từ đâu chăng nữa. Quyết định của tôi sẽ được đưa ra dựa trên hai tiêu chuẩn – lợi ích của nước Pháp và đánh giá của tôi về tình hình”.
 
"Cũng không có áp lực nào về thời gian”, ông Hollande cho biết, nói thêm rằng hiện tại hợp đồng chưa bị vi phạm và vì vậy không có chuyện nói đến vấn đề bồi thường.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/11 đã kêu gọi người đồng cấp Pháp Hollande “giảm thiểu nguy cơ” giữa hai nước sau nhiều tháng căng thẳng khi cả hai ông này đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia. Tuy nhiên, cả ông Hollande và ông Putin đều không đả động đến hợp đồng tàu chiến lớp Mistral.
 
"Vấn đề tàu chiến lớp Mistral không được đưa ra bởi bất kỳ đối tác nào trong G20 cũng như cả Tổng thống Putin trong các cuộc gặp gỡ bởi đó không phải là nơi để bàn về chuyện này”, Tổng thống Hollande cho hay.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine không nên ảnh hưởng đến quan hệ giữa Paris và Moscow, Tổng thống Hollande đã có phát biểu khá dịu giọng như vậy tại hội nghị G20 trong ngày hôm qua (16/11).
 
Với những phát biểu kiểu nước đôi như trên, Tổng thống Pháp cho thấy ông này đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết hợp đồng tàu chiến với Nga. Một mặt, ông Hollande đưa ra những phát biểu mạnh mẽ để thể hiện với các đồng minh phương Tây rằng ông vẫn đang tham gia tiến trình gây sức ép với Nga. Mặt khác, ông Hollande cũng có những phát biểu dịu nhẹ ám chỉ việc ông này sẽ không hủy bỏ hợp đồng với Nga, tránh làm Moscow cũng như những người dân Pháp có liên quan nổi giận.
 
Paris trên thực tế được cho là hoàn toàn không muốn hủy hợp đồng với Nga. Vì giá trị kinh tế to lớn của hợp đồng này, Pháp đang bị rơi vào tình thế lúng túng, bối rối. Nếu thỏa mãn mong muốn của các đồng minh, Pháp sẽ phải hứng chịu tổn thất cực kỳ lớn vì phá hợp đồng với Nga.
 
Không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga thanh toán trước cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 10 tỉ euro (13 tỉ USD) vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí Pháp. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế Pháp không mấy sáng sửa. Uy tín của Tổng thống Hollande đang xuống thấp và nếu ông tiếp tục khiến nền kinh tế của Pháp lao đao hơn nữa thì hậu quả mà ông này phải đối mặt sẽ khó mà có thể lường trước được.
 
Hiện tại, Tổng thống Pháp mới chỉ phải đối mặt với sự phải đối của vài ngàn người dân có liên quan trực tiếp đến hợp đồng tàu chiến với Nga. Nếu tình hình kinh tế Pháp tiếp tục đi xuống thì ông sẽ còn phải đối mặt với không chỉ vài ngàn người dân mà sẽ là hàng triệu người dân. Việc hủy bỏ hợp đồng tàu chiến với Nga được cho là sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Pháp trong bối cảnh tình hình khó khăn như hiện nay.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc