Pháp bị "ép trong ép ngoài" vì Nga

17:36, 19/11/2014
|

(VnMedia) - Các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu đang tìm mọi cách để thuyết phục Pháp ngừng bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga. Đó là thông tin vừa được Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan – ông Tomasz Siemoniak đưa ra hôm qua (18/11). Ông cho biết, vấn đề này đã được thảo luận bên lề hội nghị ở Brussels.
 
“Sức ép đối với Pháp đang rất lớn. Tôi tin rằng Pháp sẽ đưa ra quyết định có trách nhiệm và khôn ngoan, với tư cách là một thành viên NATO”, ông Tomasz nói.

Ảnh minh họa
Tàu chiến lớp Mistral

Ông cũng tuyên bố rằng, Ba Lan phản đối việc Pháp bán các thiết bị quân sự công nghệ cao cho Nga.
 
Trong một diễn biến liên quan, theo kết quả một cuộc trưng cầu dân ý qua mạng ở Pháp về việc nước này bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga, 58% số người tham gia ủng hộ việc Paris hoàn tất hợp đồng bàn giao 2 tàu chiến trực thăng đổ bộ Mistral cho Moscow.
  
Theo trang web Le Figaro của Pháp, có khoảng hơn 76.000 người dân Pháp tham gia cuộc trưng cầu dân ý qua trang web của họ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, hôm 17/11, báo Ouest-France của Pháp dẫn lời một nguồn tin quốc phòng cho biết, chính quyền Pháp vừa đưa ra quyết định không cho phép các thủy thủ người Nga được lên tàu chiến trực thăng đổ bộ lớp Mistral đầu tiên mang tên Vladivostok mà họ đóng cho hải quân Nga.
 
Theo báo Ouest-France, quyết định trên được chính quyền Pháp đưa ra, nhưng Bộ Quốc phòng nước này lại cho là không biết gì về việc đó.Tờ Ouest-France cũng cho biết thêm rằng, không có biện pháp an ninh đặc biệt nào được áp dụng tại khu vực tàu đang neo đậu.
 
Ouest-France cho biết, đây là những thủy thủ của Nga đang được huấn luyện kỹ năng vận hành con tàu ở Pháp. Được biết, có tổng cộng 550 thủy thủ Nga, trong đó có 400 người là thủy thủ tương lai của tàu sân bay chở trực thăng Vladivostok và 150 là thủy thủ của chiếc tàu huấn luyện Smolny của Nga, đã đến thành phố cảng Saint-Nazaire của Pháp từ tháng 6 để chuẩn bị cho khoá huấn luyện.

Tuy nhiên, đến hôm qua (18/11), hãng tin Interfax đã đưa ra thông tin đính chính, cho rằng các thủy thủ Nga trong không hề bị cấm mà vẫn được phép lên con tàu này ở cảng Saint-Nazaire, miền Tây nước Pháp, để chờ chuyển giao cho Hải quân Nga.
 
Interfax dẫn một nguồn tin quân sự Pháp cho biết: "Hôm nay, vài chục thủy thủ qua đêm trên tàu huấn luyện Smolny đã bắt đầu lên tàu Vladivostok".
 
Ngoài ra, một số phóng viên Pháp đến hiện trường cũng chứng kiến điều này sau khi có tin nói rằng các thủy thủ Nga trong thành phần thủy thủ đoàn tàu Vladivostok không được phép lên tàu đổ bộ chở trực thăng trên.

Nga và Pháp đã ký hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào tháng 6/2011 với tổng giá trị  hợp đồng lên tới 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD). Con tàu đầu tiên mang tên Vladivostok được hạ thủy vào tháng 10/2013. Trong tháng 9/2014, con tàu đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên biển với sự tham gia của các thủy thủ Nga. Theo kế hoạch, chiếc tàu đầu tiên mang tên Vladivostok dự kiến sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối năm 2014. Chiếc tàu thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao trong năm 2015. Tuy nhiên, thương vụ này liên tục gặp trắc trở kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do cáo buộc nước này can dự vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Điều này khiến Pháp đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc thực thi hợp đồng cung cấp tàu chiến đổ bộ lớp Mistral cho Nga: một là phá vỡ hợp đồng và  mất hàng tỷ USD bồi thường cho Moscow, hai là “phản bội” NATO để hoàn tất hợp đồng với Nga.
 
Nếu Pháp quyết định bàn giao hai chiếc tàu chiến độ bộ có khả năng triển khai 16 trực thăng, 4 tàu con, 13 xe tăng, 450 binh lính và 1 bệnh viện này cho Nga, thì Pháp sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” của Ba Lan và các quốc gia Baltic cũng như Mỹ và NATO. Trong khi đó, nếu Pháp hủy hợp đồng trên, nước này sẽ phải chịu tổn thất nặng nề khi phải nộp phạt cho Nga 1,1 tỷ euro vì hủy hợp đồng.

Nga đã nhiều lần cảnh báo nếu Pháp không tôn trọng hợp đồng thì Paris sẽ phải trả tiền đặt cọc cho Nga đồng thời chịu khoản phạt rất lớn vì phá ngang hợp đồng. Ngoài ra, tàu Mistral đã đóng xong cũng phải phá bỏ để trả Nga phần đuôi do Nga đóng và Moscow cho biết họ đủ khả năng để tự đóng loại tàu giống Mistral. Nhưng thiệt hại nặng nhất cho Pháp vẫn là uy tín trong nền công nghiệp quốc phòng. Các chuyên gia trong nước đã cảnh báo điện Elysee sẽ phải trả giá đắt nếu không tôn hợp đồng vũ khí với Nga. Các bạn hàng vũ khí sẽ quay lưng với Pháp.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc