(VnMedia) - Nội bộ chính phủ Pháp có vẻ như đang "lục đục" vì hợp đồng cung cấp tàu chiến Mistral cho Nga khi Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính nước này bác bỏ khả năng bàn giao ngay tàu chiến cho Nga vì điều kiện chưa được đáp ứng, trong khi Bộ Quốc phòng lại khăng khẳng muốn giao tàu bằng được.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls hôm 6/11 cho biết, Pháp chưa thể bàn giao 2 tàu chiến lớp Mistral cho Nga vì các điều kiện do Pháp đặt ra chưa được đáp ứng.
“Đến hôm nay, các điều kiện bàn giao tàu chiến cho Nga của chúng tôi vẫn chưa được đáp ứng”, Thủ tướng Valls nói với báo giới tại thủ đô của Serbia khi ông có chuyến công du tới đây.
Cùng quan điểm với Thủ tướng Valls, trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp – ông Michel Sapin cũng cho rằng, nước này chưa thể bàn giao tàu chiến cho Nga vì các điều kiện chưa được đáp ứng.
![]() |
Tàu chiến Mistral |
Trong khi đó, trái ngược với quan điểm của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, Bộ Quốc phòng nước này lại muốn thực hiện bằng được tất cả các nghĩa vụ trong hợp đồng với Nga về việc chuyển giao tàu Mistral. Thông tin trên được tiết lộ hôm thứ Sáu tuần trước (30/10) từ phái đoàn Pháp đang tham gia triển lãm Euronaval 2014.
"Quan điểm của Chính phủ và Bộ Quốc phòng Pháp đang có sự khác biệt trong việc thực hiện hợp đồng chuyển giao tàu Mistral cho Hải quân Nga. Bộ Quốc phòng Pháp khẳng định rằng hợp đồng cần phải được thực hiện", nguồn tin cho biết.
Có thể thấy quan điểm trên của Bộ Quốc phòng Pháp là dễ hiểu bởi chỉ khi hoàn thành hợp đồng với Nga thì họ mới có được nguồn thu từ công nghiệp quốc phòng và không bị mất uy tín trên thị trường vũ khí quốc tế.
Trước đó, nhà máy đóng tàu STX của Pháp cho biết, bốn tàu đổ bộ con đã được hoàn đóng và được đặt trong khoang tàu Vladivostok (chiếc Mistral đầu tiên). STX cho biết cả 4 tàu đổ bộ này sẽ được bàn giao cho Nga cùng với tàu Mistral. Điều này đồng nghĩa với việc các thủ tục về kỹ thuật đã hoàn thành và chỉ chờ chính phủ “bật đèn xanh” là tàu sẽ được bàn giao cho phía Nga.
Bởi vậy, trong lúc chính phủ Pháp chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng hợp đồng tàu Mistral trong tháng 11 như đã hứa thì Bộ quốc phòng Pháp đã mời người Nga sang xem tàu. Theo đó, Bộ Quốc phòng Pháp đã mời đại diện của Rosoboronexport - tập đoàn vũ khí của Nga sang Saint-Nazaire vào 14/11 để thị sát con tàu.
Pháp rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan
Pháp đang ở thế tiến thoái lưỡng nan trong việc thực thi hợp đồng cung cấp tàu chiến đổ bộ lớp Mistral cho Nga: một là phá vỡ hợp đồng và mất hàng tỷ USD bồi thường cho Moscow, hai là “phản bội” NATO để hoàn tất hợp đồng với Nga.
Nếu Pháp quyết định bàn giao hai chiếc tàu chiến độ bộ có khả năng triển khai 16 trực thăng, 4 tàu con, 13 xe tăng, 450 binh lính và 1 bệnh viện này cho Nga, thì Pháp sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” của Ba Lan và các quốc gia Baltic cũng như Mỹ và NATO. Trong khi đó, nếu Pháp hủy hợp đồng trên, nước này sẽ phải chịu tổn thất nặng nề khi phải nộp phạt cho Nga 1,1 tỷ euro vì hủy hợp đồng.
Nga và Pháp đã ký hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào tháng 6/2011 với tổng giá trị hợp đồng lên tới 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD). Con tàu đầu tiên mang tên Vladivostok được hạ thủy vào tháng 10/2013. Trong tháng 9/2014, con tàu đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên biển với sự tham gia của các thủy thủ Nga.
Trước đó, hồi đầu tháng 9 vừa qua, trước việc Mỹ thúc giục Pháp hủy hợp đồng vũ khí với Nga như là một cách để trừng phạt Nga về vấn đề Ukraine, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố sẽ xem xét việc tạm đình chỉ chuyển giao tàu Mistral cho Nga.
Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố đó được đưa ra, một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Pháp đã trấn an Nga khi cho biết phát ngôn của ông Hollande chỉ phản ảnh quan điểm cá nhân nhất thời, chứ không phải quan điểm chính thức. "Từ góc độ pháp lý, không có gì thay đổi cả; việc giao tàu vẫn là ngày 1/11. Phát ngôn của ông Hollande là vấn đề về lập trường chính trị của tổng thống", Bộ Ngoại giao cho biết.
Tuy vậy, đã qua ngày 1/11 mà chính phủ Pháp vẫn chưa thể đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào về "vận mệnh" của tàu Mistral, tất cả các phát ngôn xung quanh hợp đồng vũ khí trên đều chỉ dừng lại ở quan điểm cá nhân.
Theo thông tin mới nhất mà hãng tin Russia Today của Nga đưa ra ngày 6/11, một quan chức giấu tên của Ủy ban hợp tác đối ngoại quân sự Nga tuyên bố, tàu sân bay Mistral mà Pháp đóng cho Nga sẽ tiếp tục bị trì hoãn thêm 3 tháng nữa mới được bàn giao.
Ông nói, “Pháp quyết định trì hoãn thêm 3 tháng nữa mới chịu bàn giao tàu sân bay cho Nga”, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh “Mistral mà Pháp đang đóng cho Nga không thể chuyển giao cho nước thứ 3, bởi một phần ba số linh kiện lắp ráp trên tàu là của Nga sản xuất”.
Nga đã nhiều lần cảnh báo nếu Pháp không tôn trọng hợp đồng thì Paris sẽ phải trả tiền cọc cho Nga đồng thời chịu khoản phạt rất lớn vì phá ngang hợp đồng. Ngoài ra, tàu Mistral đã đóng xong cũng phải phá bỏ để trả Nga phần đuôi do Nga đóng và Nga cho biết họ đủ khả năng để tự đóng tàu này. Nhưng thiệt hại nặng nhất cho Pháp vẫn là uy tín trong nền công nghiệp quốc phòng. Các chuyên gia trong nước đã cảnh báo điện Elysee sẽ phải trả giá đắt nếu không tôn hợp đồng vũ khí với Nga. Các bạn hàng vũ khí sẽ quay lưng với Pháp.
Ý kiến bạn đọc