Những bước đi ngoại giao bất thường của ông Tập Cận Bình

11:39, 20/11/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây liên tục có những bước đi ngoại giao bất ngờ và có phần bất thường. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí với các mục tiêu môi trường với phía Mỹ, tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Nhật Bản và cam kết mối quan hệ hữu nghị với Tổng thống Nga Vladimir Putin bất chấp việc ông này đang bị phương Tây cô lập, dồn ép.
 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe


Hai năm kể từ khi chính thức trở thành Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đi từ việc thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” tiến thẳng lên “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương" với Trung Quốc nằm ở trọng tâm.
 
Việc mở rộng giấc mơ nói trên thể hiện cái cách mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm kiếm một vai trò ngoại giao lớn hơn trên chính trường quốc tế, phù hợp với sức mạnh kinh tế của họ giống như cách mà các cường quốc khác như Mỹ nổi lên trước đây.
 
Tuy nhiên, khi Trung Quốc muốn tiến sâu hơn vào chính trường quốc tế, giới phân tích tin rằng, Bắc Kinh sẽ phải có những bước đi cân bằng phức tạp hơn rất nhiều để đáp ứng với các trách nhiệm quốc tế cũng như các mục tiêu trong nước.
 
Ông Jia Qingguo – giáo sư về quan hệ quốc tế ở trường Đại học Peking, cho hay, Bắc Kinh vẫn đang tìm cách xác định rõ đâu là lợi ích của họ và tìm kiếm một sự cân bằng thích hợp giữa các lợi ích đó. "Với tư cách là một nước đang phát triển, chúng tôi muốn có quyền để phát triển trong vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cùng lúc, với tư cách là một nước phát triển, chúng tôi muốn cắt giảm khí thải để giảm vấn đề PM 2.5", ông Jia cho biết, ám chỉ đến những hạt nhỏ đang trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc.
 
"Trung Quốc phải gánh vác những trách nhiệm nhất định. Nước này nhận thấy rằng họ ngày càng khó khăn hơn trong việc phát triển tự do”, ông Jia nói đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Mỹ phớt lờ các trách nhiệm toàn cầu thì hệ thống thế giới sẽ “sụp đổ”.
 
Những hội nghị thượng đỉnh liên tiếp
 
Báo chí nhà nước Trung Quốc đang khen ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình của họ nhưng các cuộc tiếp xúc liên tiếp của ông này với nguyên thủ của nhiều quốc gia khác tại một loạt hội nghị thượng đỉnh liên tiếp trong những tuần gần đây đã cho thấy một câu chuyện nhiều sắc thái hơn về những thách thức mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
 
Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông.
 
Cuộc gặp đầy ngượng ngùng, xa cách của ông Tập Cận Bình gần đây với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tuần trước đã diễn ra sau những thoả thuận, tính toán hết sức chi tiết, tỉ mỉ của cả hai bên. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều tuyên bố mình thành công trong cuộc gặp trên dù nó được đánh dấu bởi sự lạnh nhạt không thể che giấu qua cái bắt tay giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe.
 
Ở cuộc gặp khác, bất chấp việc Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo về thoả thuận cắt giảm khí thải đáng chú ý mà ông này đạt được ở thủ đô Bắc Kinh, cả Bắc Kinh và Washington đều không ngại ngần thể hiện quan điểm đối lập căn bản về rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề nhân quyền và an ninh khu vực.
 
Cả Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama đều có mặt ở thủ đô Bắc Kinh trong tháng này để tham dự cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo APEC – hội nghị đầu tiên trong 3 hội nghị khu vực và toàn cầu liên tiếp mà đỉnh cao là hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane, Australia.
 
Tuy nhiên, tiềm năng của Trung Quốc trong việc trở thành một nhà trung gian ngoại giao bị hạn chế bởi lịch sử và các ưu tiên trong nước.
 
Ông Kim Han-Kwon – một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách ở thủ đô Seoul nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đi theo chính sách “chủ nghĩa dân tộc yêu nước” từ cuối Chiến tranh Lạnh và lấy đó làm chất keo kết dính, đoàn kết trong nước. Kết quả là họ bị thúc đẩy phải “thể hiện một hình ảnh Trung Quốc cứng rắn hơn, mạnh mẽ hơn để bảo vệ các lợi ích quốc gia riêng của Trung Quốc”.
 
Trước khi ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Tony Abbott thông báo về thoả thuận cắt giảm các rào cản thương mại,Tổng thống Obama từng cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột ở Châu Á khi Trung Quốc tiếp tục dấn bước trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
 
Lãnh đạo 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Australia cam kết sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác an ninh vốn đã mạnh mẽ của họ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc rõ ràng là “mục tiêu” của liên minh này.
 
Ông Kerry Brown – giáo sư về chính trị Trung Quốc ở trường Đại học Sydney, nhận định, Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn đối mặt “với những thách thức từ thế giới bên ngoài” bởi điều đó có thể làm Trung Quốc “xao lãng” khỏi các mục tiêu thay đổi bên trong đất nước như chuyển nền kinh tế của họ sang bước phát triển ổn định hơn, vững chắc hơn. “Vấn đề hiện tại là liệu phần còn lại của thế giới có để họ làm điều đó mà không đưa ra những đòi hỏi thêm nữa với nước này hay không”, ông Brown cho hay.
 
Đó là diễn biến không thể tránh khỏi. Ở cấp toàn cầu, Mỹ và Trung Quốc cả hai đều cạnh tranh với nhau và hợp tác với nhau trong nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu và phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, trong khuôn khổ “nền chính trị quốc tế khu vực ở Đông Bắc Á, sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc