Mỹ hoảng hốt trước “giấc mơ” của Trung Quốc?

15:54, 10/11/2014
|

(VnMedia) - Tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình  đã nói đến viễn cảnh thực hiện “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” do Bắc Kinh chủ trì và dẫn dắt. Giấc mơ này của Trung Quốc có thể sẽ khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”.
 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


"Chúng ta phải có trách nhiệm tạo dựng và thực hiện một giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương cho toàn thể nhân dân trong khu vực”, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói như vậy tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
 
Với 21 thành viên, APEC đang chiếm tới 40% dân số của thế giới, cũng như gần một nửa thương mại và hơn một nửa GDP toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ thu hút sự tham gia của nguyên thủ các cường quốc hùng mạnh hàng đầu thế giới như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
 
Với tư cách là nước chủ nhà của hội nghị APEC năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là sẽ tận dụng cơ hội này để thúc đẩy kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP). Trong khi đó, siêu cường số 1 thế giới đang nỗ lực đẩy mạnh tham vọng thực hiện kế hoạch hiện thực hoá Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). APEC lần này được cho là sẽ có cuộc đấu tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đầy năng động.
 
TPP được xem là một yếu tố kinh tế trong chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương (hay còn gọi là chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á). TPP đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 quốc gia thành viên APEC trong đó có những nước lớn như Nhật Bản và Australia. Trung Quốc hiện tại bị “loại” ra khỏi TPP.
 
Tổng thống Obama ngày hôm qua (9/11) đã rời thủ đô Washington, lên đường đến thủ đô Bắc Kinh để tham dự hội nghị APEC – nơi ông này được cho là sẽ phải tìm cách củng cố, thắt chặt khối liên minh mà Washington đã tạo dựng suốt thời gian qua nhằm làm đối trọng cũng như kiềm chế Trung Quốc.
 
“Giấc mơ Trung Quốc”
 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp APEC rằng, “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” của Bắc Kinh được đưa ra dựa trên “số mệnh chung” của các nước trong khu vực liên quan đến hoà bình, sự phát triển và lợi ích chung.
 
Những phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình giống với những gì mà ông này thường xuyên nói về “giấc mộng Trung Hoa”. “Giấc mộng Trung Hoa” là cụm từ được giới chức Trung Quốc sử dụng rất nhiều trong thời gian gần đây với ý nghĩa rất rộng về sự trỗi dậy của nước này nhưng chi tiết cụ thể về giấc mộng này không được công bố.
 
Bắc Kinh - một thành viên thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - đang tìm cách dùng đòn bẩy là sự bùng nổ kinh tế kéo dài nhiều thập kỷ của nước này để làm gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của họ cả trong khu vực lẫn trên toàn cầu. Hiện tại, Trung Quốc đang vươn lên trở thành  nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước này cũng đang tìm một vị thế tương đương trên sân khấu chính trị thế giới. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
 
Giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương của Trung Quốc có vẻ không dễ thực hiện khi mà mối quan hệ của nước này với nhiều nước láng giềng xung quanh trong thời gian qua không mấy êm ả. Hơn nữa, trước mặt “giấc mơ Châu Á-Thái Bình Dương” còn có một ngáng trở rất lớn là hiệp định TPP mà Mỹ đang rất thành công trong việc thu hút các nước Châu Á-Thái Bình Dương tham gia. Tổng thống Mỹ Obama đang khát khao thông qua được hiệp định TPP vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của ông bởi nếu được, nó sẽ được xem là một di sản đáng chú ý nhất của ông này trên cương vị người lãnh đạo của siêu cường số 1 thế giới.
 
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là giới chức Mỹ không phải lo lắng về “giấc mơ Châu Á -Thái Bình Dương” của Trung Quốc.
 
Rõ ràng, sẽ có một cuộc đấu quyết liệt giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc nhằm tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cuộc đấu này sẽ diễn ra căng thẳng trên mọi mặt trận, từ kinh tế, chính trị đến ngoại giao.
 
Hiện tại, mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã không mấy êm đẹp vì một loạt vấn đề như tranh chấp thương mại, tranh cãi về các vấn đề nhân quyền, gián điệp mạng... Trung Quốc cũng đang đối đấu với nhiều nước trong khu vực vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực biên giới hay ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước láng giềng được dự báo sẽ không bớt căng thẳng khi mà Bắc Kinh tiếp tục giữa lập trường quyết liệt trong các cuộc tranh chấp cũng như trong các cuộc tranh cãi. Quan hệ giữa Trung Quốc với một cường quốc hàng đầu khác trong khu vực là Nhật Bản đang lao xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
 
Bất chấp viễn cảnh trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày hôm qua vẫn nói: "Trung Quốc muốn sống hài hoà với tất cả các nước láng giềng”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc