Không thể "vượt mặt" NATO, Pháp phũ phàng với Nga?

18:17, 26/11/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (25/11), Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa đưa ra tuyên bố hoãn vô thời hạn việc bàn giao chiếc đầu tiên trong số 2 tàu chiến đổ bộ trực thăng lớp Mistral mà Nga đặt mua của Pháp.   Thông tin trên vừa được hãng tin Sputnik của Nga đưa ra hôm nay (25/11).
 
Tổng thống Pháp cho rằng, tình hình chiến sự hiện tại ở Ukraine không cho phép Pháp bàn giao tàu Mistral cho Nga.
 

Ảnh minh họa
Tàu chiến Mistral

Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ: “Tổng thống Pháp cho rằng tình hình tại miền Đông Ukraine vẫn không cho phép thực hiện việc chuyển giao chiếc tàu trực thăng đầu tiên cho Nga. Ông ấy cho rằng, việc hoãn bàn giao tàu chiến này là điều cần thiết trong tình hình hiện tại”.
 
Trong khi đó, phản ứng trước tuyên bố trên của ông Hollande, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov tuyên bố, Moscow sẽ tuân chủ chặt chẽ theo các điều khoản của hợp đồng tàu chiến Mistral đã ký với Pháp và sẽ kiện Paris nếu tàu không được bàn giao.
 
"Nga sẽ hành động tuân thủ theo hợp đồng. Nếu họ không bàn giao nó cho chúng tôi, chúng tôi sẽ kiện họ và yêu cầu trả tiền phạt. Hành động của Nga tuân thủ chặt chẽ theo hợp đồng đã ký kết", Thứ trưởng Borisov nói.
 
Tuy vậy, phía Pháp khẳng định rằng, NATO không hề có tác động gì tới quyết định trên của Pháp mà đó là quyết định độc lập của nước này dựa vào tình hình thực tế cũng như những lợi ích của nước Pháp.
 
Tổng thống Pháp Hollande từng nói rằng: "Tôi sẽ đưa ra quyết định mà không chịu bất kỳ sức ép nào dù nó đến từ đâu chăng nữa. Quyết định của tôi sẽ được đưa ra dựa trên hai tiêu chuẩn – lợi ích của nước Pháp và đánh giá của tôi về tình hình”. 
       
Nga và Pháp đã ký hợp đồng cung cấp 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral vào tháng 6/2011 với tổng giá trị  hợp đồng lên tới 1,2 tỷ euro (1,6 tỷ USD). Con tàu đầu tiên mang tên Vladivostok được hạ thủy vào tháng 10/2013. Trong tháng 9/2014, con tàu đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm trên biển với sự tham gia của các thủy thủ Nga. Theo kế hoạch, chiếc tàu đầu tiên mang tên Vladivostok dự kiến sẽ được bàn giao cho Nga vào cuối năm 2014. Chiếc tàu thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao trong năm 2015. Tuy nhiên, thương vụ này liên tục gặp trắc trở kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do cáo buộc nước này can dự vào cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine.

Điều này khiến nước Pháp nói chung và Tổng thống Hollande nói riêng đang rơi vào tình thế “dở khóc dở cười” trong hợp đồng bán tàu chiến Mistral cho Nga. 

Việc hủy bỏ hợp đồng tàu chiến với Nga được cho là sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Pháp trong bối cảnh tình hình khó khăn như hiện nay.
 
Nếu hủy hợp đồng, không chỉ phải trả lại khoản tiền đặt cọc lớn của hợp đồng mà Nga đã thanh toán  cho Pháp, Paris còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ lên tới hơn 1,1 tỉ USD vì không tuân thủ hợp đồng với Nga. Đây được xem là một thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí nước này.
 
Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn lao động đang trực tiếp tham gia vào dự án đóng tàu lớp Mistral trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp và sự tăng trưởng của nền kinh tế Pháp không mấy sáng sủa. Uy tín của Tổng thống Hollande đang xuống thấp và nếu ông tiếp tục khiến nền kinh tế của Pháp lao đao hơn nữa thì hậu quả mà ông này phải đối mặt sẽ khó mà có thể lường trước được.
 
Hiện tại, Tổng thống Pháp mới chỉ phải đối mặt với sự phản đối của vài ngàn người dân có liên quan trực tiếp đến hợp đồng tàu chiến với Nga. Nếu tình hình kinh tế Pháp tiếp tục đi xuống thì ông sẽ còn phải đối mặt với không chỉ vài ngàn người dân mà sẽ là hàng triệu người dân nước này. 
 
Trong khi đó, nếu Pháp quyết định bàn giao hai chiếc tàu chiến độ bộ có khả năng triển khai 16 trực thăng, 4 tàu con, 13 xe tăng, 450 binh lính và 1 bệnh viện này cho Nga, thì Pháp sẽ phải đối mặt với “cơn thịnh nộ” của Ba Lan và các quốc gia Baltic cũng như Mỹ và NATO.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc