Khi Putin bị thách thức chưa từng có

10:57, 18/11/2014
|

(VnMedia) - Vị lãnh đạo quyền lực nhất thế giới - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (17/11) đã phải đối mặt với sự thách thức chưa từng có từ nữ chính khách quyền lực hàng đầu thế giới - Thủ tướng Đức Angela Merkel.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin


Thủ tướng Merkel hôm qua đã tung ra những lời chỉ trích, lên án kịch liệt nhất nhằm vào Tổng thống Putin và nước Nga ở Sydney, sau hội nghị thượng đỉnh G20. Đây rõ ràng là điều bất thường khi mà lâu nay bà Merkel vẫn giữ một thái độ thận trọng trong quan hệ với ông Putin bởi Đức vốn có mối quan hệ sâu đậm, gắn bó với nước Nga. Nữ Thủ tướng Đức đã thẳng thừng nói rằng, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào nước này đã gây ra nguy cơ bùng nổ nhiều cuộc xung đột hơn ở Châu Âu.
 
"Ai có thể nghĩ rằng, 25 năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, sau sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh và sau khi sự chia rẽ thế giới thành các khối chấm dứt, một thứ gì như vậy lại có thể xảy ra ở giữa Châu Âu?", bà Merkel phát biểu. "Những cách nghĩ cũ về khu vực ảnh hưởng - thứ bất chấp luật pháp quốc tế, là điều không thể được chấp nhận”, nữ Thủ tướng Đức gay gắt nói thêm.
 
Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo rằng, những cuộc xung đột khu vực giống như ở miền đông Ukraine “có thể lan rộng nhanh chóng thành những ngọn lửa lớn”, gây đảo lộn toàn bộ trật tự hoà bình ở Châu Âu. "Nó không chỉ ở Ukraine, ở Moldova hay ở Gruzia, nếu tiếp tục như vậy, người ta sẽ phải đặt câu hỏi về Serbia, về những nước ở khu vực tây Balkan", bà Merkel cho biết.
 
Thủ tướng Merkel cho rằng, Nga có thể tìm cách gây bất ổn trên những khu vực rộng lớn khắp Đông Âu nếu nước này không bị thách thức ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ vẫn đặt trên bàn những biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Nga “nếu đó là điều cần thiết”.
 
Những phát biểu mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất từ trước đến nay được Thủ tướng Merkel đưa ra nhằm vào Tổng thống Nga Putin trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa lên tiếng tuyên bố Kiev đã chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh tổng lực” ở miền đông Ukraine.
 
Kiev và các chính phủ phương Tây luôn cáo buộc Nga can thiệp và kích động tình hình bạo lực đẫm máu ở miền đông Ukraine. Những cuộc giao tranh, đụng độ giữa quân đội Kiev và lực lượng ly khai kéo dài 6 tháng qua ở miền đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.000 người.
 
Moscow kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc trên, đồng thời tố ngược lại rằng, chính phương Tây và Mỹ mới là những lực lượng đứng đằng sau giật dây, gây ra cuộc khủng hoảng khiến toàn bộ nước láng giềng của Nga rơi vào tình trạng rối loạn, bất ổn kéo dài.
 
Hồi đầu tháng 9, hy vọng đã loé lên khi Kiev và lực lượng ly khai đạt được một thoả thuận ngừng bắn. Tình trạng bạo lực đã giảm đi rõ rệt dù vẫn xảy ra những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, giao tranh bắt đầu rộ trở lại kể từ sau khi hai thành trì chính của lực lượng ly khai là Donetsk và Luhansk tổ chức các cuộc bầu cử riêng của họ vào ngày 2/11 vừa rồi. Cũng kể từ thời điểm này, người ta liên tục chứng kiến các hoạt động điều động, di chuyển vũ khí, quân sự ở miền đông Ukraine.
 
Cả Kiev và lực lượng ly khai đều được cho là đang rầm rập chuẩn bị lực lượng cho một cuộc chiến tranh toàn diện. Chưa lúc nào, tình hình miền đông Ukraine đáng lo ngại như thời điểm này. Giới chuyên gia đều nhận định, một cuộc chiến toàn diện có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào ở miền đông Ukraine trong thời điểm hiện tại.
 
Trong khi đó, trước sức ép mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, Nga vẫn kiên quyết giữ lập trường cứng rắn của mình trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ngày hôm qua, Tổng thống Putin đã lên tiếng khẳng định, ông sẽ không cho phép Kiev giải quyết cuộc khủng hoảng ở nước này bằng biện pháp bạo lực. Ông chủ điện của Kremlin cũng cảnh báo Kiev không được tìm cách tiêu diệt các lực lượng chính trị đối lập ở miền đông Ukraine.
 
Theo Nhà lãnh đạo Nga, vẫn có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không làm chia rẽ nước này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc