(VnMedia) - Giới phân tích chính trị tin rằng, chính quyền Kiev rồi cuối cùng cũng phải lùi bước nhượng bộ trước Nga. Tuy nhiên, bằng cách thúc đẩy một chương trình nghị sự cứng rắn với Tổng thống Vladimir Putin, Mỹ và Châu Âu chỉ làm tình hình ở Ukraine thêm tồi tệ.
![]() |
Tổng thống Poroshenko |
Phó Tổng thống Joe Biden hồi tuần trước đã đến thủ đô Kiev trong chuyến thăm thứ ba của ông này đến đất nước Ukraine trong vòng vỏn vẹn có 7 tháng. Vị quan chức cấp cao của Mỹ đến Kiev mang theo một món quà thực chất chỉ mang tính biểu tượng: đó là những mặt hàng không gây sát thương cho chính phủ Ukraine bao gồm áo chống đạn, mũ sắt, kính nhìn ban đêm và radar chống súng cối. 3 chiếc đầu tiên trong số 20 hệ thống radar chống súng cối mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine đã được đưa đến thủ đô Kiev trong một máy bay chở hàng đi theo sau máy bay chở Phó Tổng thống Mỹ đúng ngày ông này đến Ukraine. Sau thông tin về việc xe tăng Nga đang tập trung ở biên giới với Ukrane, cùng với việc thỏa thuận ngừng bắn Minsk gần như đổ vỡ hoàn toàn và gần 1.000 người thiệt mạng trong hai tháng rưỡi qua ở miền đông Ukraine, việc ông Biden mang theo hàng viện trợ cùng những phát biểu cứng rắn nhằm vào ông Putin ở Kiev được cho là rất phù hợp với tình hình. Tuy nhiên, giới chuyên gia và các nhà phân tích hy vọng rằng, tất cả mọi điều trên chỉ là để ông Biden che giấu trước công chúng còn trên thực tế ông này sẽ phải làm rõ một điểm quan trọng hơn nhiều đối với Tổng thống Petro Poroshenko. Đó là Ukraine cần phải thỏa thuận với Nga nếu muốn sống sót vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Một giải pháp chính trị là điều quan trọng hơn cả cho Ukraine trong giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, cần hơn và quan trọng hơn rất nhiều sự ủng hộ của phương Tây – kể cả đó là sự ủng hộ quan trọng hơn cả viện trợ vũ khí gây sát thương mà Thượng nghị sĩ John McCain đang kêu gọi chính quyền Tổng thống Barack Obama cấp cho Kiev ngoài những thứ mà ông Biden mang đến trong chuyến thăm vừa rồi. Và trong khi Thỏa thuận Hợp tác EU-Ukraine có thể vô cùng quan trọng cho việc tiến hành con đường cải cách cho tương lai Ukraine thì việc thiếu một thỏa thuận với Nga là điều không thể với Kiev. Hiệp ước hợp tác Ukraine-EU phải được đàm phán dựa trên giả định rằng mối quan hệ kinh tế với Nga không bị gián đoạn, ngăn cản. Bù đắp cho Ukraine những sự thiếu hụt vì cắt đứt quan hệ với Nga là một điều mà EU chưa bao giờ tính đến và cũng không muốn tính đến.
Nền kinh tế Ukraine phụ thuộc rất lớn vào Nga, trên một loạt lĩnh vực và đó là di sản từ vị trí then chốt của Nga trong chuỗi sản xuất thời Xô-viết. Sự phụ thuộc được nhắc đến nhiều nhất tất nhiên là nguồn năng lượng mang tính sống còn đối với ngành công nghiệp Ukraine cũng như nguồn nhiên liệu quan trọng để sưởi ấm cho mỗi gia đình người Ukraine. Riêng trong năm 2013, Ukraine đã nhập khẩu đến 27 tỉ mét khối khí đốt từ Nga và phải trả gần 11 tỉ USD cho nguồn nhập khẩu năng lượng này. Và chắc chắn Kiev sẽ chẳng thể tìm ra nguồn thay thế khả thi nào ngoài khí đốt từ Nga trong thời gian ngắn hạn và trung hạn sắp tới để phục vụ cho nhu cầu sưởi ấm trong suốt mùa đông sắp tới và cho ngành công nghiệp sản xuất. Thậm chí nếu tất cả mọi đường ống đều phát huy hết công suất thì nguồn dự trữ cung cấp từ Châu Âu cũng chỉ có thể cung cấp gần 12 tỉ mét khối khí đốt cho Ukraine, đáp ứng chưa đủ một nửa nhu cầu cho Ukraine. Và mối quan hệ khí đốt với Moscow cũng là nguồn tài chính ổn định cho chính quyền Kiev. Ngân khố của Ukraine nhận khoảng từ 3 tỉ đến 3,1 tỉ USD tiền phí trung chuyển khí đốt từ tập đoàn Gazprom của Nga trong năm 2013 – đây là nguồn tiền vô cùng quan trọng trong bối cảnh Ukraine đang phải hứng chịu sự thâm hụt ngân sách cũng như nợ quốc gia trầm trọng.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc của Ukraine vào Nga chắc chắn không chỉ giới hạn ở vấn đề nhập khẩu khí đốt: 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu của Ukraine năm 2013 là đếnth ị trường Nga (tương đương với mức xuất sang thị trường của Liên minh Châu Âu). Xuất khẩu của Ukraine sang Nga chắc chắn sẽ thấp đi năm 2014, và sang EU sẽ tăng lên do quyết định được Brussels đưa ra hồi tháng 5 về việc hạ thấp các rào cản cho những mặt hàng đến từ Ukraine. Tuy nhiên, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Ukraine đang hai thị trường Nga và EU là rất khác nhau. Châu Âu hầu hết nhập khẩu quặng kim loại, quặng sắt, lúa mì và nông sản. Ngược lại, Nga nhập khẩu máy móc, dịch vụ vận tải và các sản phẩm công nghiệp từ Ukraine. Đây là các mặt hàng và dịch vụ có giá trị gia tăng, không chỉ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Ukraine mà đem lại cho họ cả thu nhập cao hơn.
Ngoài ra, hàng triệu người Ukraine đang làm việc ở Nga và đã chuyển tiền về quê hương để hỗ trợ cho gia đình của họ. Năm 2013, Ngân hàng Quốc gia Ukraine tính toán khoản tiền mà người Ukraine làm việc ở Nga gửi về nhà cho gia đình là vào khoảng 2,62 tỉ USD nhưng đây mới chỉ là con số được thống kê qua các giao dịch ngân hàng chính thức. Giới chức Ukraine tin rằng, số tiền được chuyển về Ukraine từ Nga qua con đường không chính thức cũng tương đương bằng mức chuyển qua ngân hàng. Nói cách khác, khoản tiền từ Nga gửi về Ukraine chiếm đến khoảng 3% GDP năm 2013.
Chưa hết, với việc hai khu vực Donetsk và Luhansk quyết liệt ngả về phía Nga, Kiev đối mặt với thêm tổn thất nặng nề về kinh tế. Trước khi cuộc xung đột xảy ra, hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk chiếm khoảng 15% dân số Ukraine, 16% GDP, 25% sản lượng công nghiệp và 27% xuất khẩu của cả nước. Như vậy, một Ukraine không có vùng Donbas sẽ khiến nền kinh tế của nước này thêm bất ổn, chao đảo. Cách duy nhất cho Ukraine là phải giành lại quyền kiểm soát Donbas thông qua một thỏa thuận với Nga.
Như vậy, chỉ tính riêng quan điểm từ lĩnh vực kinh tế, một thỏa thuận chính trị lâu dài giữa Moscow và Kiev là vô cùng cần thiết cho sự tồn tại của Ukraine.
Vân Linh -
(theo Foreign Policy)
Ý kiến bạn đọc