Đức bị Nga vô hiệu hoá?

17:22, 12/11/2014
|

(VnMedia) - Chỉ vài ngày sau khi khiến mọi người bất ngờ vì một phát biểu đầy phũ phàng về Nga, nữ Thủ tướng quyền lực của nước Đức Angela Merkel đã cho thấy một lập trường dịu nhẹ khác thường bất chấp sức ép từ Mỹ.
 

Ảnh minh họa

  Thủ tướng Đức Angela Merkel


Thủ tướng Đức Merkel hôm qua (11/11) đã tuyên bố rằng, Liên minh Châu Âu (EU) không có kế hoạch tung ra những đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga vì đợt leo thang bạo lực mới ở Ukraine.
 
Theo lời bà Merkel, các nước thành viên EU đang cân nhắc đưa thêm các thành viên của lực lượng ly khai miền đông Ukraine vào danh sách chịu các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp dụng với Nga hiện tại.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức khẳng định chắc chắn tại cuộc họp báo ở thủ đô Berlin rằng, “ngoài điều đó ra, EU không có ý định tung thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào vào thời điểm này”.
 
Bà Merkel cho biết sau cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đang ở thăm Đức rằng, với việc mùa đông đang ngày một đến gần, “mục tiêu lớn nhất” là tìm cách đạt được “một lệnh ngừng bắn thực sự”.
 
5 binh lính Ukraine đã thiệt mạng và 9 người khác bị thương ở chiến trường miền đông trong vòng 24 giờ qua, phát ngôn viên quân sự của Ukraine – ông Vladyslav Seleznyov hôm qua cho biết trong thời điểm lệnh ngừng bắn được áp dụng ở khu vực này từ hồi đầu tháng 9 đang lung lay hơn bao giờ hết và sắp có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.
 
Trước đó, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) – bà Federica Mogherini đã cho biết tại thủ đô Berlin rằng, ngoại trưởng các nước EU sẽ sớm có cuộc họp ở Brussels để bàn về việc có tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hay không nhưng vấn đề trọng tâm vẫn là làm cách nào để giúp đỡ Ukraine trong thời điểm khó khăn hiện tại.
 
Phát biểu của Thủ tướng Đức về việc EU không có ý định tung ra  thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga được đưa ra chỉ một tuần sau khi bà này phũ phàng tuyên bố rằng, chưa có cách nào để Châu Âu có thể nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Sở dĩ nói tuyên bố của bà Merkel có phần phũ phàng là vì lâu nay mối quan hệ giữa Nga với Đức được xem là tốt đẹp nhất, gắn bó nhất ở Châu Âu.
 
Đức được cho là một trong những nước có nhiều người phản đối việc trừng phạt Nga nhất. Chính quyền của bà Merkel ban đầu cũng đã tìm mọi cách để tránh việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga bởi Berlin không muốn đánh mất đi mối quan hệ văn hoá, ngoại giao lâu đời, bền chặt cũng như những hợp tác kinh tế, thương mại to lớn với nước Nga.
 
Nhưng cuối cùng, dưới sức ép của các nước EU khác và Mỹ, Đức đã phải ủng hộ việc tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Nga – đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Đức cũng như của cả Liên minh Châu Âu.
 
Việc Đức tuyên bố không áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Nga được xem là một tín hiệu tích cực.
 
Phản ứng của Nga trước phát biểu của Thủ tướng Đức
 
Chủ tịch Thượng viện Nga – bà Valentina Matviyenko hôm nay (12/11) đã phát biểu rằng, tuyên bố của Thủ tướng Đức về việc EU không có kế hoạch áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga là “một tín hiệu tích cực”.
 
Theo bà Matviyenko, “đã đến lúc phải chấm dứt và tránh cách tiếp cận đối đầu. Đã đến lúc phải ngừng ngay những nỗ lực nhằm cô lập nước Nga. Đó là hành động vô nghĩa và chẳng đem lại hiệu quả cũng như tác động gì ngoài việc làm trầm trọng thêm các mối quan hệ căng thẳng”.
 
Thay vào đó, cả Nga và EU nên tập trung các nỗ lực vào cuộc chiến chống lại những mối đe doạ và thách thức nghiêm trọng đang ngày một tăng lên trong thế giới hiện đại, nữ Chủ tịch Thượng viện Nga nhấn mạnh.
 
“Không nước nào có thể một mình đối mặt với những mối đe doạ, thách thức đó. Những nỗ lực hợp tác là giá trị được đánh giá cao hơn việc chỉ trích, chọc ngoáy, đe doạ hay trừng phạt lẫn nhau”, bà Matviyenko cho biết.
 
Chủ tịch Thượng viện Nga Matviyenko bày tỏ hy vọng, những biện pháp trừng phạt đang được áp đặt lên Nga sẽ nhanh chóng được dỡ bỏ và Nga, EU sẽ ngồi loại đối thoại với nhau trên cơ sở tính đến các lợi ích chung của nhau.
 
Nhận xét về phát biểu của Thủ tướng Merkel, bà Matviyenko cũng nói thêm rằng phương Tây hiện giờ đã hiểu được “các biện pháp trừng phạt chỉ phản tác dụng và không thể làm thay đổi lập trường nguyên tắc của Nga cũng như chính sách đối ngoại độc lập của Nga”.
 
Theo bà Matviyenko, các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga không có liên quan gì đến các sự kiện ở Ukraine hay xung quanh Ukraine. “Đó là một cuộc khủng hoảng trong nội bộ Ukraine và nó phải được giải quyết bởi chính Ukraine, không có sự can thiệp của các thế lực bên ngoài”.
 
EU dự kiến sẽ nhóm họp vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Nga cũng như cách thức hỗ trợ cho Ukraine. Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn về tình hình Ukraine trong ngày hôm nay (12/11), một phát ngôn viên của phái đoàn Australia tại Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết. Cuộc họp này diễn ra mở với sự tham gia của 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hợp Quốc – ông Yuri Sergeyev.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc