Đòi "đánh" Nga, Ukraine bị từ chối phũ phàng

15:59, 18/11/2014
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo ở Kiev muốn các đồng minh phương Tây “nói chung một tiếng nói” quyết liệt và sẵn sàng gửi đi “một thông điệp rõ ràng” về việc sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, Kiev lại một lần nữa phải thất vọng bởi EU không muốn “ra đòn” thêm với Nga.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin


Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin hôm qua đã phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn rằng, Liên minh Châu Âu (EU) phải nói chung một tiếng nói với Nga về vấn đề Ukraine và phải sẵn sàng phát đi “một thông điệp rõ ràng” về việc sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga nếu thấy cần thiết.
 
"Bây giờ là thời điểm cần phải có một thông điệp rõ ràng với Moscow rằng nếu còn tiếp tục gây bất ổn hơn nữa ở Ukraine thì nước này sẽ phải đối mặt với những bước đi thêm nữa từ EU”, ông Klimkin đã nói như vậy khi ông này đến thăm Brussels và có cuộc hội đàm với người phụ trách chính sách đối ngoại mới của EU – bà Federica Mogherini.
 
"Chúng ta cần phải có một thông điệp rất rõ ràng, trong đó xác định những bước đi thêm nữa mà EU sẵn sàng thực hiện và sẽ tung ra nếu tình hình trên thực địa xấu đi”, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh. Ông này còn nói thêm rằng, bất kỳ đòn trừng phạt nào thêm nữa nên là “một gói biện pháp mạnh mẽ”, dựa vào những đòn kinh tế đã được thống nhất trong những tháng gần đây nhằm vào các lĩnh vực năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga.
 
Ngay sau khi Ngoại trưởng Ukraine Klimkin đưa ra những phát biểu và lời kêu gọi như trên, ngoại trưởng các nước Liên minh Châu Âu đã thống nhất với nhau về việc đưa thêm vào danh sách trừng phạt của họ các nhân vật của lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Tuy nhiên, EU tránh đưa thêm bất kỳ quan chức Nga nào vào danh sách đen của họ cũng như tuyên bố không có ý định tung thêm các đòn trừng phạt mới về kinh tế nhằm vào Moscow. Đây rõ ràng là câu trả lời phũ phàng, khiến Kiev phải một lần nữa vỡ mộng về các đồng minh phương Tây.
 
Liên minh Châu Âu từ lâu đã bị chia rẽ, mâu thuẫn sâu sắc về việc họ có thể đi bao xa trong con đường áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi những thành viên hiếu chiến hơn như Anh, Ba Lan và các nước Baltic sùng sục đòi tung thêm “đòn đánh” mới với Nga thì các nước như Đức và một số quốc gia Đông Âu khác lại phản đối điều này. Những nước không muốn trừng phạt thêm Nga là những nước phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ thương mại với Nga cũng như nguồn khí đốt từ Nga. Bản thân nhiều nước Châu Âu giờ đây đã thực sự “ngấm đòn” từ chính những biện pháp trừng phạt mà họ đang áp đặt lên Nga. Đó là lý do khiến họ rất ngại tiếp tục theo đuổi con đường trừng phạt mà Moscow đã từng cảnh báo là sẽ gây tổn thương cho cả hai.
 
Cường quốc có ảnh hưởng nhất EU từ chối trừng phạt thêm Nga
 
Vào thời điểm này, EU khó lòng có thể thông qua một gói biện pháp trừng phạt thêm nữa nhằm vào Nga khi mà điều này không nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên, trong đó có nước có ảnh hưởng lớn hàng đầu như Đức.
 
Mặc dù Thủ tướng Đức Angela Merkel gần đây tỏ ra cứng rắn với Nga hơn bằng những chỉ trích kịch liệt và gay gắt. Tuy vậy, giới chức Đức không ủng hộ việc tăng cường các đòn trừng phạt nhằm vào Nga.
 
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel hôm 16/11 đã bày tỏ quan điểm của ông rằng, ông không tin là những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa nhằm vào Nga sẽ giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Ông Gabriel – Phó Thủ tướng Đức và cũng là Lãnh đạo của Đảng Dân chủ Xã hội trung hữu đang chia sẻ quyền lực với đảng của Thủ tướng Merkel, đã phát biểu trên mạng lưới truyền hình ARD của Đức rằng, ông không tin các biện pháp trừng phạt sẽ làm lay chuyển lập trường của Nga và của Tổng thống Vladimir Putin.
 
Thủ tướng Merkel và Phó Thủ tướng Gabriel cùng với 2 đảng của họ đang chiếm đa số áp đảo trong Quốc hội. Cho đến hiện tại, hai nhà lãnh đạo này vẫn có chung quan điểm với nhau về các biện pháp trừng phạt mặc dù ngành công nghiệp Đức phản đối điều đó. Không rõ những phát biểu mạnh mẽ hơn của Thủ tướng Merkel tại hội nghị G20 ở Brisbane có phải là dấu hiệu về sự thay đổi quan điểm của bà này hay không.
 
Ông Gabriel – người có thể là ứng cử viên của đảng SPD thách thức bà Merkel trong cuộc bầu cử vào năm 2017, cũng lên án việc NATO “có những hành động phô trương sức mạnh nhằm doạ dẫm” ở khu vực biên giới với Nga, nói rằng cần phải có một giải pháp chính trị để giải quyết mọi việc.
 
"Tôi không thể hiểu làm thế nào điều đó có thể giúp chúng ta tiến lên về mặt kinh tế”, ông Gabriel nói khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, “điều đó chỉ là tình hình thêm khó khăn".
 
Ông Gabriel nhấn mạnh, ông ủng hộ tiến trình theo đuổi đối thoại với Tổng thống Putin mà Thủ tướng Đức Merkel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đang thực hiện.
 
Nói về các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng nhắc lại lời cảnh báo rằng, con đường mà phương Tây đang theo đuổi sẽ gây phản tác dụng. Ông chủ điện Kremlin thừa nhận, các đòn trừng phạt của EU đang gây tổn thất cho nền kinh tế Nga nhưng ông cũng khẳng định, “sớm hay muộn, những biện pháp đó cũng sẽ tác động lên các bạn nhiều như lên chúng tôi”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc