Đài Loan thêm hành động trắng trợn tại Trường Sa

06:32, 07/11/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (6/11), tại cuộc họp báo thường kỳ, Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam - bà Phạm Thu Hằng đã thông báo một số hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo nhà nước Việt Nam, đồng thời tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa.

Tại cuộc họp báo, bà Phạm Thu Hằng thông báo, nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương(APEC) lần thứ 22 và các hội nghị liên quan được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 9-11/11/2014.

Với chủ đề Định hướng tương lai thông quan hệ đối tác Châu Á – Thái Bình Dương, Hội nghị cấp cao APEC sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực; đẩy mạnh phát triển sáng tạo cải cách kinh tế và tăng trưởng; tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần này nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trong APEC cũng như tích cực tham gia và có những đóng góp thiết thực đối với các quan tâm chung của các nước APEC.

Ảnh minh họa
Bà Phạm Thu Hằng - Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: ĐSPL)

 
Theo dự kiến, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 lần này, các bên sẽ thông qua 15 văn kiện, trong đó có Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo cấp cao và Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng.

Cùng với đó, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị cấp cao liên quan từ ngày 12-13/11/2014. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị cấp cao liên quan sẽ tập trung trao đổi về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và giai đoạn sau năm 2015, kiểm điểm và đề ra các biện pháp tăng cường hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các khuôn khổ ASEAN+1 như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Liên hợp quốc; ASEAN+3 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Bà Phạm Thu Hằng cho biết, Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Hội nghị cấp cao liên quan nhằm đóng góp tích cực cho đoàn kết và thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng cho giai đoạn phát triển của Hiệp hội sau năm 2015 cũng như tham gia đóng góp xây dựng các vấn đề quan tâm chung của khu vực.

Sau khi đưa ra các thông báo quan trọng trên, Phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã trả lời các câu hỏi của báo giới.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của Đài Loan tại Ba Bình

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin ngày 5/11 vừa qua, Đài Loan tiếp tục tiến hành thị sát đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng tuyên bố: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam tại khu vực này là bất hợp pháp và vô giá trị. Chúng tôi kiên quyết phản đối”.

Như báo chí đưa tin trước đó, ngày 5/11, lãnh đạo Cơ quan phòng vệ Đài Loan - Nghiêm Minh đã tới đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để kiểm tra các công trình mà Đài Loan xây dựng trái phép trên đảo này. Đi cùng ông Nghiêm còn có Cục trưởng Cục cảnh sát biển và đại diện Viện Lập pháp Đài Loan. Đây là lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Nghiêm tới Ba Bình, hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm giữ trái phép.  Mục đích của chuyến đi này được cho là nhằm khảo sát tiến độ thi công các công trình mà Đài Loan đang xây dựng, khả năng của lực lượng đồn trú trên đảo. Ngoài ra, ông Nghiêm còn thăm đường băng, các trạm vệ tinh thông tin, trạm khí tượng của lực lượng quân sự Đài Loan.

Bên cạnh đó, liên quan đến nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông COC, bà Phạm Thu Hằng cũng cho biết, tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 và Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 cũng như các hội nghị cấp cao liên quan sắp diễn ra tại Bắc Kinh và Myanmar, Việt Nam sẽ cùng các nước có những đóng góp tích cực mang tính xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan.

Với phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam - Phùng Quang Thanh tại cuộc gặp gỡ phóng viên bên lề Quốc hội hồi tuần trước về việc bên cạnh Trung Quốc thì các quốc gia liên quan trong đó có Việt Nam cũng đang tiến hành các hoạt động xây dựng trên các đảo mà mình đang chiếm giữ, bà Phạm Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mọi hoạt động của Việt Nam tại hai quần đảo đều phù hợp với chủ quyền hợp pháp của Việt Nam, Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố Ứng xử các bên trên biển Đông (DOC)”.


Đan Khanh

Ý kiến bạn đọc