Chiến đấu cơ Nga dàn trận trên bầu trời Châu Âu

10:19, 04/11/2014
|

(VnMedia) - Việc Nga tăng cường các chuyến bay quân sự ở không phận của Châu Âu là nhằm để thể hiện với phương Tây rằng họ là “một cường quốc”, chỉ huy quân đồng minh của NATO hôm qua (3/11) đã đưa ra nhận định như vậy.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Mặc dù Nga từ một năm nay đã đẩy mạnh hoạt động của các máy bay quân sự trên bầu trời Châu Âu nhưng tuần trước đánh dấu sự kiện lần đầu tiên Moscow triển khai một đội hình chiến đấu cơ lớn như vậy ở không phận của phương Tây, Tướng Philip Breedlove cho các phóng viên biết.
 
"Theo ý kiến của tôi, thông qua hành động đó, họ đang muốn phát đi thông điệp cho chúng ta rằng họ là một cường quốc”, ông Breedlove nói.
 
Moscow  muốn thể hiện rằng, họ có thể gây ảnh hưởng đến những tính toán của liên minh NATO, vị Tướng NATO  cho biết thêm.
 
Tuần trước, các nước thành viên NATO đã “phát sốt” trước việc Nga dàn một đội hình chiến đấu cơ cực lớn trên bầu trời Châu Âu trong 2 ngày 28 và 19/10. NATO cho biết, họ đã phải ra lệnh cho máy bay chiến đấu của mình đi chặn ít nhất 26 chiếc máy bay quân sự của Nga chỉ trong vòng 2 ngày.
 
Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho hay, Nga đã dàn những chiếc chiến đấu cơ, máy bay ném bom tầm xa và máy bay chở nhiên liệu ra khắp bầu trời khu vực Baltic, Biển Bắc và Đại Tây Dương. Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày trước khi miền đông Ukraine tổ chức các cuộc bầu cử.
 
Trong quá khứ, việc máy bay NATO được cử đi chặn và hộ tống máy bay Nga ra khỏi không phận Châu Âu là việc diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, các chuyến bay của Nga thường chỉ là những nhóm nhỏ với một hoặc hai chiếc máy bay.
 
"Những gì mà các bạn chứng kiến hồi tuần trước là một đội hình máy bay lớn hơn rất nhiều và phức tạp hơn nhiều. Đội hình chiến đấu cơ này tiến hành một tuyến đường bay theo tôi là có phần khiêu khích hơn”, vị Tướng Mỹ chỉ huy quân đội NATO đã phân tích như vậy.
 
Hành động của Nga đã khiến liên minh quân sự phương Tây đặc biệt “quan ngại” và nó chẳng giúp gì cho việc đảm bảo sự ổn định cho khu vực, ông Breedlove chỉ trích. Ông này còn tố cáo rằng, lực lượng hải quân Nga đã có những bước đi khiêu khích tương tự trong năm qua ở Biển Đen, Biển Bắc và thậm chí ở Thái Bình Dương.
 
Quan hệ giữa Nga và NATO đang bước vào thời kỳ căng thẳng cao độ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nguyên nhân xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. NATO thường xuyên có những hành động phô trương sức mạnh gần biên giới Nga. Moscow đã bày tỏ quan ngại trước những hành động gây sức ép của phương Tây lên Nga đồng thời cũng tung ra các hành động “khoe” sức mạnh để đáp trả.
 
Moscow cáo buộc NATO đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine làm “cái cớ” để “thúc đẩy, tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh này đến sát các khu vực biên giới của Nga”.
 
NATO nhăm nhe ý định tăng cường binh lính đến Đông Âu
 
Không rõ những lời cáo buộc của Moscow đúng đến đâu những rõ ràng, NATO đang nhăm nhe tính chuyện tăng cường triển khai binh lính và vũ khí đến khu vực Đông Âu vốn được coi là sân sau của Nga. Hành động này của NATO được xem là một sự bội ước trắng trợn đối với nước Nga bởi liên minh quân sự phương Tây từng cam kết sẽ không tìm cách tiến về hướng đông.
 
Dựa trên lý do lo ngại về Nga, Tướng Breedlove tuyên bố, ông này ủng hộ việc tăng số lượng binh lính Mỹ triển khai ở Đông Âu cùng việc áp dụng các biện pháp quân sự khác nhằm trấn an những đối tác của NATO ở sườn phía đông.
 
"Vì áp lực mà chúng tôi cảm nhận thấy ở Đông Âu đang tăng lên ngay lúc này và bởi vì các biện pháp mà chúng ta đang áp dụng ở Baltics, Ba Lan và Rumani, chúng tôi yêu cầu thêm sự hiện diện quân sự trên cơ sở luân phiên”, Tướng NATO đã nói như vậy.
 
Hiện NATO đã tăng viện ở mức khiêm tốn cho các đơn vị không quân ở Châu Âu như máy bay vận tải quân sự C-130 và các phi cơ chiến đấu F-16. Ông Breedlove cho biết, ông đang hội ý với các tướng lĩnh quân sự hàng đầu nước Mỹ về khả năng tăng cường thêm binh lính và vũ khí quân sự đến những căn cứ chính của NATO ở Châu Âu “nhằm cung cấp cho chúng ta khả năng phản ứng, đối phó nhanh trong trường hợp cần thiết trong tương lai".
 
Khoảng 750 binh lính Mỹ hiện đang có mặt ở Ba Lan và khu vực Baltics.
 
NATO đang muốn thông qua việc đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Đông Âu để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của họ dành cho chính quyền Kiev cũng như để trấn an các đồng minh trong khu vực.
 
Với những phát biểu hết sức mạnh mồm, cùng những hành động như phô trương sức mạnh quân sự, NATO đã khiến Kiev tin rằng họ đang có một sự ủng hộ vững chắc từ liên minh quân sự số 1 thế giới. Chính vì thế, Kiev đã đặt không ít kỳ vọng vào NATO.
 
Tuy nhiên, qua thực tế đã chỉ ra trong suốt thời gian qua, sự giúp đỡ của Mỹ và NATO dành cho Kiev chỉ ở mức giới hạn. Điều đó được thể hiện qua việc Mỹ và NATO đã thẳng thừng từ chối lời khẩn cầu của Tổng thống Poroshenko về việc cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev. Bản thân Tổng thống Obama và giới chức chính trị hàng đầu Châu Âu cũng từng nhiều lần khẳng định, sẽ không có chuyện họ can thiệp quân sự vào Ukraine. Mỹ và NATO chỉ cam kết đảm bảo an ninh cho các nước thành viên NATO theo quy định trong Điều khoản 5 của Hiệp ước NATO.
 
Như vậy, sẽ khó có chuyện NATO sẵn sàng tham gia một cuộc chiến tranh với Nga để bảo vệ Ukraine.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc