(VnMedia) - Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Nay Pyi Taw, Myanmar, ngày hôm qua (13/11) đã chứng kiến việc các nước, trong đó có nhiều nước lớn, đồng loạt bày tỏ quan điểm về Biển Đông.
![]() |
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17 |
Tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar ở Thủ đô Nay Pyi Taw, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã tham dự Hội nghị Cấp cao với các Đối tác Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và các các bài phát biểu quan trọng tại các Hội nghị này.
Tại các Hội nghị nói trên, Lãnh đạo các nước dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Các Nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh rằng, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không là lợi ích và mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực, vì thế cần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 17, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các nước có liên quan đặc biệt cần phải thực hiện Điều 5 của DOC về kiềm chế, không có hành động làm phức tạp thêm, gia tăng căng thẳng, hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Sự hợp tác và phát triển thịnh vượng chỉ diễn ra thuận lợi trong môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực trên cơ sở bảo đảm và củng cố được lòng tin chiến lược giữa các quốc gia, bao gồm cả lòng tin chiến lược trong bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực.
![]() |
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 2 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong tham vấn vừa qua giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có việc cam kết sẽ đề ra các biện pháp cụ thể và cơ chế nhằm bảo đảm tuân thủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố; cũng như về việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC), thống nhất xây dựng và triển khai ngay các biện pháp “thu hoạch sớm”, như lập đường dây nóng giữa hai bên nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, ngăn ngừa sự cố, căng thẳng; đẩy mạnh thương lượng nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nội dung Biển Đông trong Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN-25
Trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 25 được đưa ra tại lễ bế mạc hội nghị tối ngày hôm qua (13/11), các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, đảm bảo an toàn, an ninh, hàng hải và tự do trên biển và hàng không trên Biển Đông.
Tuyên bố viết: “Chúng tôi khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc như được nêu trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và các Tuyên bố liên quan của ASEAN được thông qua tại dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Chúng tôi hoan nghênh kết quả tích cực trong tham vấn về thực hiện DOC và nhất trí phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) trên cơ sở đồng thuận. Theo đó, chúng tôi nhất trí thúc đẩy tham vấn với Trung Quốc về các biện pháp và cơ chế nhằm bảo đảm và tăng cường hơn nữa việc triển khai đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố DOC và sớm đạt được COC. Trong phương diện này, chúng tôi đề nghị triển khai thêm các biện pháp “thu hoạch sớm” nhằm thúc đẩy và tăng cường lòng tin ở khu vực.
Chúng tôi tiếp tục quan ngại về tình hình trên Biển Đông. Chúng tôi tái khẳng định các cam kết chung về bảo đảm giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế và không được có các hoạt động gây phức tạp thêm tình hình, hay mở rộng gia tăng căng thẳng trong khu vực. Chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết chung của các nước thành viên ASEAN đối với hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và lòng tin chung trong khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết tạo dựng các điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.
Trước đó, trong khuôn khổ cuộc gặp chính thức giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và trong khuôn khổ các diễn đàn ASEAN liên quan, đóng góp tích cực và xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực, nhất là không làm thay đổi nguyên trạng tại biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh và đánh giá cao lập trường rõ ràng của Hoa Kỳ; đề nghị Hoa Kỳ và các nước tiếp tục đóng góp một cách hiệu quả vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, yêu cầu các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm ký kết COC.
Tại Lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 và các Cấp cao giữa ASEAN với Đối tác tối ngày hôm qua, nước Chủ tịch ASEAN năm 2014, Myanmar, đã chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN 2015 cho Malaysia. Phát biểu tiếp nhận vai trò nước Chủ tịch ASEAN 2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp cùng các nước ASEAN thúc đẩy các mục tiêu, trọng tâm và ưu tiên của ASEAN trong năm 2015, nhất là chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN ra đời vào ngày 31/12/2015.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc