(VnMedia) - Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 22) đang diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ hết sức đặc biệt giữa nguyên thủ các cường quốc hàng đầu thế giới.
Sở dĩ nói các cuộc gặp trên đặc biệt là bởi nó diễn ra trong không khí khá ngượng ngùng trong bối cảnh các cường quốc đang trải qua mối quan hệ khá căng thẳng nếu không nói là đối đầu quyết liệt.
Cái bắt tay ngượng ngùng giữa Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc
Một trong những hình ảnh thu hút sự chú ý lớn của dư luận hiện giờ là cái bắt tay “lạnh lẽo” và có phần ngượng ngùng giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày hôm qua (11/11).
![]() |
Cái bắt tay ngượng ngùng của hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản |
Kể từ khi hai Nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản nhậm chức, đây mới là lần đầu tiên họ gặp nhau trong một cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt. Điều này đủ thấy quan hệ giữa hai nước láng giềng Trung-Nhật không hề êm ấm.
Và thực vậy, trong suốt thời gian khoảng 2 năm qua, người ta chứng kiến hai cường quốc hàng đầu Châu Á đối đầu với nhau quyết liệt chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tất cả đều xuất phát từ một cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở biển Hoa Đông. Cả Bắc Kinh và Toyko đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Tokyo đang kiểm soát quần đảo này và Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở đây. Cả hai nước đều thể hiện một lập trường vô cùng cứng rắn, quyết liệt và nhất quyết không chịu lùi bước. Đó là lý do khiến mối quan hệ Trung-Nhật mỗi lúc một leo thang nghiêm trọng hơn, có thời điểm nó đã nằm sát bờ vực của một cuộc xung đột quân sự đáng sợ.
Khi mà quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới xấu đến mức như vậy thì việc lãnh đạo giữa hai nước này không có mối quan hệ tốt đẹp cũng là điều dễ hiểu. Giới chức Trung Quốc đã vài lần thẳng thừng từ chối lời đề nghị gặp gỡ của phía Nhật Bản.
Cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe vì thế thu hút sự quan tâm lớn của dư luận thế giới. Người ta đã hy vọng, đây sẽ là bước đi đầu tiên nhằm làm ấm lên mối quan hệ hết sức băng giá và lạnh lẽo giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Truyền thông thế giới ghi lại hình ảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nét mặt khá nghiêm nghị đứng chờ phái đoàn Nhật Bản tại Đại lễ đường Nhân Dân. Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xuất hiện, cả hai lãnh đạo nhanh chóng tiến lại gần bắt tay thật chặt nhưng trên gương mặt ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe vẫn không giấu nổi vẻ căng thẳng và có phần ngượng nghịu.
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật diễn ra chưa đầy 30 phút và trong suốt thời gian ngắn ngủi đó người ta chẳng thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về một sự ấm lên, thậm chí chỉ là một vài những trao đổi tán gẫu mang tính ngoại giao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Abe. Điều này cho thấy, cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã diễn ra khó khăn đúng như mối quan hệ hiện nay giữa hai nước.
Nội dung cuộc hội đàm Trung-Nhật cũng là cả một vấn đề khi Thủ tướng Abe nói đến tương lai mới cho quan hệ hai nước thì Chủ tịch Tập Cận Bình lại chỉ nhăm nhăm nhắc ông Abe về các vấn đề nhạy cảm thời quá khứ chiến tranh của Nhật Bản trong mối liên hệ với chính sách quốc phòng hiện nay của Tokyo.
Thiếu hơi ấm, thiếu sự nhiệt tình, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung, Nhật cho thấy, mối quan hệ giữa nước này chưa thể hết băng giá trong thời gian trước mắt.
Tổng thống Putin và Obama gặp nhau giữa “cơn bão” Ukraine
Cũng trong ngày hôm qua, bên lề hội nghị APEC đã diễn ra cuộc gặp chớp nhoáng giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới đang đối đầu nhau chan chát vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
![]() |
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama |
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ “chỉ có cuộc gặp ngắn ngủi, vì thế, họ không có đủ thời gian để nói về các vấn đề”.
Thư ký báo chí của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho biết, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ cuối cùng đã nói chuyện với nhau ở đằng sau hậu trường, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC. Tuy nhiên, ông Peskov thừa nhận, cuộc gặp này diễn ra không hơn gì một cuộc gặp để chào nhau.
Thực tế trên phản ánh rõ mối quan hệ đang ngày một xấu đi nghiêm trọng giữa Nga và Mỹ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây liên tục đổi lỗi cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và kích động bạo lực ở miền đông Ukraine. Mỹ là nước đi đầu trong chiến dịch trừng phạt Nga. Tổng thống Putin hồi tháng trước đã thẳng thừng tố cáo người đồng cấp Obama có thái độ thù địch với nước Nga.
Cuộc chạm mặt bối rối giữa Thủ tướng Australia và Tổng thống Nga
Mặc dù không có cuộc gặp đối thoại trực tiếp nhưng cuộc chạm trán giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là diễn ra khá bối rối, khó xử đối với ông Abbott.
![]() |
Cuộc gặp gỡ giữa các nguyên thủ |
Sở dĩ ông Abbott bị rơi vào tình trạng trên là vì gần đây ông đã gây bão trên báo chí thế giới khi tuyên bố sẵn sàng “đối đầu trực diện” với Tổng thống Nga Putin nếu thấy cần thiết để có được câu trả lời rõ ràng về vụ rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Australia rõ ràng đã thể hiện một thái độ “rút lui” trước những lời tuyên bố đầy mạnh mẽ mà ông đưa ra trước đó. Và kết quả là ông này đã có một cuộc chạm trán không mấy dễ chịu với Tổng thống Nga Putin. Trước đó, ông chủ điện Kremlin đã từ chối gặp Thủ tướng Australia. Hai nhà lãnh đạo này chỉ gặp nhau khi họ được xếp đứng gần nhau trong buổi “chụp ảnh gia đình” truyền thống” của APEC. Trong cuộc chạm trán đó, người ta thấy hình ảnh Thủ tướng Abbott có vẻ lúng túng trong khi Tổng thống Putin phớt lờ Nhà lãnh đạo Australia, nói chuyện vui vẻ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ý kiến bạn đọc