Bất ngờ lời hứa của Trung Quốc trong tranh chấp biển

18:38, 18/11/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Tập Cận Bình hôm qua (17/11) đã lên tiếng cam kết rằng Trung Quốc sẽ luôn luôn sử dụng các biện pháp hoà bình để theo đuổi các mục đích của nước này, trong đó có tranh chấp hàng hải. Lời hứa đầy bất ngờ trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo về những nguy cơ xảy ra xung đột ở Châu Á.
 

Ảnh minh họa

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình


Phát biểu trước Quốc hội Australia, Chủ tịch Tập Cận Bình nói: "Trung Quốc vẫn không thay đổi trong quyết tâm theo đuổi sự phát triển hoà bình".
 
"Cả sự bất ổn hay chiến tranh đều không phục vụ gì cho lợi ích căn bản của nhân dân Trung Quốc. Chỉ có một xu hướng duy nhất trong thế giới ngày nay, đó là xu hướng hoà bình, phát triển và hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”, ông Tập Cận Bình đã nói như vậy trong bài phát biểu ở Australia.
 
Nhà lãnh đạo Trung Quốc thậm chí còn đưa ra dẫn chứng về lịch sử để chỉ ra rõ ràng rằng không ai được lợi gì từ các cuộc xung đột. "Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng các nước cố tình theo đuổi con đường phát triển bằng cách dùng vũ lực luôn luôn thất bại. Đó là điều lịch sử đã dạy chúng ta. Trung Quốc quyết tâm duy trì hoà bình. Hoà bình là điều quý giá và cần được bảo vệ", Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết thông qua một người phiên dịch.
 
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc cũng nói thêm rằng: "Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác cao độ trước những nhân tố có thể cướp đi nền hoà bình của chúng ta”.
 
Không chỉ cam kết theo đuổi con đường hoà bình, Chủ tịch Tập Cận Bình còn tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại, đàm phán. "Lập trường lâu nay của Trung Quốc là giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp với các nước có liên quan cũng như các vấn đề liên quan đến chủ quyền và lợi ích hàng hải thông qua tham vấn và đối thoại”, ông Tập Cận Bình cho hay.
 
"Trung Quốc đã giải quyết các vấn đề biên giới trên bộ với 12 trong số 14 nước láng giềng thông qua các cuộc tham vấn thân thiện. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc theo hướng này”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh. Ông này nhấn mạnh thêm rằng, “chính phủ Trung Quốc sàng tăng cường các cuộc đối thoại và hợp tác với những nước có liên quan để duy trì sự tự do hàng hải và an toàn trên các tuyến đường biển, đồng thời bảo đảm một đường biên giới biển thanh bình, yên tĩnh và có sự hợp tác”.
 
Những phát biểu trên được Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama hồi cuối tuần vừa rồi nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane rằng Bắc Kinh cần phải là một người chơi có trách nhiệm trên sân khấu thế giới.
 
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt và căng thẳng với các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông và với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.
 
Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã gây quan ngại sâu sắc trong khu vực vì những hành động quyết liệt và có phần hung hăng của nước này trong các cuộc tranh chấp biển đảo.
 
Lãnh đạo các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản hôm 16/11 vừa rồi đã lên tiếng kêu gọi giải quyết hoà bình các tranh chấp hàng hải trong khu vực. Trước đó một ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo rằng “những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở các quần đảo và bãi đá xa xôi có thể leo thang thành những cuộc đối đầu quân sự”.
 
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh mềm?
 
Những phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình ở Australia về hoà bình khiến người ta nhớ đến đề nghị bất ngờ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á hồi tuần trước. Theo đó, ông Lý Khắc Cường đã đề nghị ký hiệp ước thân thiện với các nước Đông Nam Á, đồng thời đề xuất cung cấp cho ASEAN khoản vay ưu đãi trị giá 20 tỉ USD.
 
Tất cả những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang dịu nhẹ hơn và đang tìm cách trấn an, ve vuốt các nước láng giềng xung quanh sau khi các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian qua diễn ra theo chiều hướng ngày một nóng bỏng, có nguy cơ leo thang thành những cuộc xung đột.
 
Trong bài phát biểu ở Australia, Chủ tịch Tập Cận Bình còn nói đến những cơ hội mà nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc có thể đem đến cho thế giới.  Ông này cam kết tiếp tục theo đuổi “chiến lược cùng có lợi” trong việc mở cửa và phát triển một nền kinh tế hiện đại.
 
"Với hơn 1,3 tỉ người dân, Trung Quốc là một thị trường chứa tiềm năng cực kỳ to lớn”, ông Tập Cận Bình đã nói như vậy.
 
Rõ ràng, Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dùng sức mạnh mềm là những lời hứa dịu nhẹ và lợi ích kinh tế để “ve vãn” các nước xung quanh.
 
Lời cam kết về hoà bình của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng đề nghị hấp dẫn của Thủ tướng Lý Khắc Cường đương nhiên là đáng được hoan nghênh nhưng nó chưa thể giúp người ta xoá bỏ những hoài nghi một khi Trung Quốc chưa chấm dứt hoàn toàn những bước đi cứng rắn và quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải như trong thời gian vừa qua.
 
Các nước trong khu vực vẫn chờ đợi Bắc Kinh chứng minh cam kết hoà bình của họ bằng những hành động thực sự chứ không phải thông qua lời nói. Cụ thể, cộng đồng quốc tế hy vọng Trung Quốc sẽ áp dụng một phương pháp tiếp cận bớt hung hăng và hiếu chiến hơn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở các vùng biển trong khu vực.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc