Anh lạnh lùng ra tối hậu thư với EU

18:32, 29/11/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua (28/10) đã tuyên bố sẽ khởi động chiến dịch vận động để đưa Anh rút ra khỏi Liên minh Châu Âu (EU) nếu liên minh này cố tình ngăn cản ông trong nỗ lực hạn chế khả năng tiếp cận của những người nhập cư EU vào hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh. Sau khi tung ra tối hậu thư lạnh lùng và cứng rắn như vậy, ông Cameron cũng dịu giọng nói rằng ông tin là mọi việc sẽ không đi xa đến mức như vậy.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Anh David Cameron


Trong bài phát biểu được cho là “thổi một sức sống mới” vào chiến dịch mà nhờ vào nó ông tái đắc cử hồi tháng 5 vừa rồi, Thủ tướng Cameron đã đặt ra một kế hoạch chi tiết về việc giới hạn khả năng tiếp cận của những lao động nhập cư EU vào hệ thống phúc lợi xã hội của Anh. Tuy nhiên, ông Cameron chưa đưa ra được đề xuất nào liên quan đến mức hạn ngạch về con số cũng như đề nghị London được quyền ngừng cho phép nguồn lao động nhập cư vào Anh nếu nước này cảng thấy có quá nhiều người đang tràn vào.

 

Các cố vấn của Thủ tướng Cameron đã đưa ra những ý tưởng nói trên trong những tháng gần đây nhưng các ý tưởng đó đã bị Thủ tướng Đức Angela Merkel thẳng thừng bác bỏ. Nữ chính khách quyền lực của nước Đức tuyên bố cứng rắn rằng, bà sẽ không cho phép để xảy ra chuyện bãi bỏ quy định cho phép lực lượng lao động di chuyển tự do ở các nước trong liên minh EU.

 

Thay vì đưa ra các đề xuất theo ý tưởng mà các cố vấn của mình gợi ý, Thủ tướng Cameron cho biết, ông muốn lao động nhập cư vào Anh cần phải làm việc ở nước này đủ 5 năm trước khi muốn được tiếp cận vào quỹ phúc lợi xã hội của Anh và những người nhập cư thất nghiệp của EU sẽ không được quyền hưởng bất kỳ lợi ích nào từ hệ thống phúc lợi xã hội của nước Anh.

 

Theo lời ông Cameron, kế hoạch của ông cần phải có sự thay đổi trong hiệp ước của EU – một bước đi mà giới lãnh đạo EU muốn tránh. Hiện vẫn chưa rõ là tại sao cần phải có sự thay đổi trong hiệp ước của EU. Bài phát biểu ngày hôm qua của Thủ tướng Anh nhận được phản ứng bình tĩnh từ các cường quốc trong EU bởi họ đã phần nào thấy như trút được gánh nặng sau khi Anh quyết định tạm hoãn kế hoạch sửa đổi lại điều khoản đi lại tự do của người lao động trong các nước EU.

 

Với kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cử tri Anh đang coi vấn đề nhập cư là mối quan ngại hàng đầu, Thủ tướng Cameron rõ ràng đang phải chịu sức ép mạnh mẽ từ trong nội bộ nước ông. Nhiều nghị sĩ theo đường lối bảo thủ ủng hộ Thủ tướng Anh quan ngại về viễn cảnh uy tín ngày càng tăng của Đảng Độc lập chống EU của Anh (UKIP) sẽ đe dọa đến các cơ hội tái đắc cử của họ.

 

Thủ tướng Cameron cam kết sẽ đàm phán lại về mối quan hệ giữa Anh với EU trước khi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên của Anh trong EU vào năm 2017. Trong khi nhấn mạnh niềm tin rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công, ông Cameron vẫn không quên đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn nhất về khả năng Anh sẵn sàng rời EU nếu thất bại trong cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Anh trong liên minh.

 

Ông Cameron hy vọng, bài phát biểu với những lời lẽ đầy cứng rắn, quyết liệt của ông sẽ phần nào làm thỏa mãn được những nghị sĩ theo đường lối cánh hữu cũng như thuyết phục những cử tri đang bất mãn, tức giận và chuyển sang ủng hộ Đảng UKIP.

 

Bài phát biểu của Thủ tướng Anh vẫn đạt được mục đích tạo sự cân bằng mỏng mang, theo đó ông vừa xoa dịu được nội bộ trong nước vừa cố gắng không làm xúc phạm đến các đồng minh trong EU.

 

EU trước thách thức từ nội bộ

 

Ở Brussels, một phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu phản ứng không mấy nhiệt thành trước bài phát biểu của Thủ tướng Anh. "Đó là những ý tưởng của người Anh. Đó là một phần của cuộc tranh luận. Những ý tưởng đó sẽ được đem ra thảo luận và nên được bàn thảo một cách bình tĩnh, cẩn thận, không gây ra kịch tính gì. Các nghị sĩ của mỗi nước cần phải chống lại việc lạm dụng hệ thống EU và luật pháp EU".

 

Tuy nhiên, cuộc tranh luận xung quanh các đề xuất và đòi hỏi của Anh chắc chắn không thể không gây ra mâu thuẫn trong nội bộ EU. Một phát ngôn viên của nữ Thủ tướng Merkel cho biết, Đức luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc đi lại tự do trong Liên minh Châu Âu.

 

Thủ tướng Cameron đã đặc biệt chú ý đến việc trấn an Ba Lan rằng, các biện pháp mà ông đề xuất sẽ không nhằm phân biệt đối xử với người Ba Lan. Trong năm 2013, Anh hiện đang là nhà của khoảng 726.000 người Ba Lan, tạo thành cộng đồng nước ngoài lớn nhất ở nước Anh.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan Marcin Wojciechowski cho hay: "Chúng tôi không có gì để phản đối việc thắt chặt hệ thống phúc lợi xã hội nhưng mọi thứ đều phải được thực hiện theo quy định của EU".

 

Tuy nhiên, ở Sofia , Bulgaria , một số người dân tỏ ra hoài nghi. "Đó là sự phân biệt đối xử. Thủ tướng Cameron đang cố chiều chuộng những người hoài nghi về Liên minh Châu Âu”, thầy giáo người Pháp Ivan Lyubenov chỉ trích.

 

Nếu được thực hiện, đề xuất của ông Cameron sẽ ảnh hưởng đến hơn 400.000 người nhập cư EU. Nhiều trong số này là những người làm việc trong các ngành có thu nhập thấp.

 

Chi trả trợ cấp xã hội cho con cái sống bên ngoài nước Anh của những người nhập cư cũng sẽ bị dừng lại trong khi những người nhập cư thất nghiệp sẽ bị trục xuất khỏi nước Anh nếu họ không thể tìm kiếm việc làm trong vòng 6 tháng.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc