Vì sao IS là nhóm khủng bố giàu nhất thế giới?

11:02, 24/10/2014
|

(VnMedia) - Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang nhanh chóng trở thành một trong những nhóm khủng bố giàu nhất thế giới khi kiếm được hàng chục triệu USD mỗi tháng từ hoạt động bán dầu mỏ bất hợp pháp trên thị trường đen, từ hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc và tống tiền.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng khét tiếng thế giới kiếm được 1 triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu thô từ những giếng dầu mà chúng chiếm được khi nhóm khủng bố này tràn vào khắp các khu vực giữa Iraq và Syria hồi đầu năm, ông David Cohen- Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách hoạt động tình báo tài chính và khủng bố, cho biết.
 
Bởi vì nhóm Nhà nước Hồi giáo, được biết đến dưới cái tên IS hoặc ISIL, đang “tích tụ được tài sản và sự giàu có ở tốc độ chưa từng có” từ những nguồn khác nhau, vượt xa hơn bất kỳ nhóm khủng bố nào khác trên thế giới, nên IS là một thách thức đặc biệt đáng sợ đối với Mỹ trong việc tìm cách bóp nghẹt nguồn tài chính đang ồ ạt đổ vào nhóm này.
 
"Chúng ta không có viên đạn bạc, không có vũ khí bí mật để có thể làm rỗng ngân khố của ISIL chỉ trong vòng một đêm. Đó sẽ là một cuộc chiến lâu dài và chúng ta đang ở giai đoạn đầu tiên”, ông Cohen thừa nhận đồng thời vạch ra cái mà ông gọi là nỗ lực 3 hướng.
 
IS hiện tại đang được xem là “tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới và tinh vi nhất về vấn đề tài chính”, ông Marwan Muasher – Phó Chủ tịch thuộc Quỹ Carnegie vì Hoà bình Quốc tế, nhận định.
 
Không giống như Al-Qaeda, IS không dựa vào các nguồn tiền từ những tài trợ giàu có, thường ở các nước vùng Vịnh, hay từ các nước tài trợ.
 
IS có thể là “tổ chức khủng bố được cấp tài chính tốt nhất mà chúng ta đang phải đối mặt và nguồn tiền chúng có được rất dồi dào và phong phú”, ông Cohen cảnh báo.
 
Riêng hoạt động bán dầu mỏ từ những giếng dầu mà IS chiếm được đã cho phép chúng có được khoảng 50.000 thùng dầu mỗi ngày. Chúng sẽ bán những thùng dầu đó cho những người trung gian với mức giá giảm đáng kể so với giá thị trường.
 
Ngoài ra, IS còn có được nguồn tài chính từ các hoạt động bắt cóc đổi lấy tiền chuộc, ăn cắp, tống tiền và cả nhận tài trợ từ những thành phần ủng hộ. Tiền chuộc không phải là khoản thu nhập thường xuyên của IS nhưng mỗi khoản thường rất lớn. Theo ông Cohen, IS đã nhận được ít nhất 20 triệu USD tiền chuộc trong năm nay, đặc biệt là thông qua việc bắt cóc phóng viên và con tin Châu Âu.
 
IS cũng có được nguồn tài chính từ các doanh nghiệp địa phương trong thành phố và thị trấn thông qua các hoạt động tống tiền tinh vi, trộm cắp, cướp bóc đồ cổ và bán phụ nữ, thiếu nữ làm nô lệ tình dục.
 
Mỹ đang tăng cường chiến dịch không kích để ngăn chặn năng lực của các chiến binh IS trong việc có được dầu mỏ bán ra thị trường đen. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd cũng cam kết ngăn chặn hoạt động mua bán dầu mỏ bất hợp pháp trên lãnh thổ của họ.
 
Thứ trưởng Cohen thề rằng, Mỹ sẽ đánh mạnh vào những người đang tham gia vào các hoạt động giao dịch dầu mỏ bất hợp pháp với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Ông Cohen tuyên bố, các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng và nó sẽ không chỉ là vấn đề phong toả các giao dịch trên ngân hàng của Mỹ.
 
"Chúng tôi cũng có thể khiến chúng phải chật vật, khó khăn trong việc tìm kiếm một ngân hàng ở bất kỳ nơi đâu", ông Cohen cho biết.
 
Washington cũng đang nỗ lực hợp tác với các đồng minh để áp dụng một lập trường cứng rắn với IS, từ chối trả các khoản tiền chuộc để phóng thích những nạn nhân bị bắt cóc.
 
Hiện tại, Mỹ đang tập trung nỗ lực vào các nước vùng Vịnh. Những nước ở khu vực này trong quá khứ thường đối mặt với chỉ trích vì việc cho phép các nhóm khủng bố thực hiện các giao dịch tài chính ở nước họ.
 
Đẩy mạnh chiến dịch không kích, Mỹ tiêu diệt 500 chiến binh
 
Chiến dịch không kích IS ở Syria được cho là đã giúp tiêu diệt hơn 500 chiến binh trong vòng một tháng qua đồng thời giúp lực lượng người Kurd củng cố sức mạnh ở chiến trường bị bao vây – thành phố biên giới Kobane.
 
Kobane đã trở thành chiến trường có tính quyết định cho cả nhóm Nhà nước Hồi giáo IS và đối thủ của chúng. Giới chức Mỹ cho rằng, lực lượng chiến binh bảo vệ thành phố Kobane đang ngày càng trở nên mạnh hơn và có khả năng chống chịu các cuộc tấn công của IS hơn.
 
Lực lượng người Kurd đã chống chọi, cố thủ ở thành phố Kobane trong suốt hơn một tháng qua và đang được tiếp thêm sinh lực bởi cam kết tăng viện của người Kurd ở Iraq cũng như việc Mỹ thả vũ khí xuống cho họ.
 
Một quan chức quốc phòng ở Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ giấu tên cho biết, “tôi cho rằng, lực lượng người Kurd có thể tiếp tục cố thủ, cầm cự được ở Kobane”. Trước đó, giới chức Mỹ từng thừa nhận, Kobane có thể thất thủ bất kỳ lúc nào dù chiến dịch không kích của họ đã gây tổn thất nặng nề cho IS và đã chặn được bước tiến của IS.
 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, khoảng 200 người Kurd ở Iraq sẽ được phép đi qua biên giới để vào Syria, gia nhập vào cuộc chiến chống lại IS ở Kobane. IS đang có 1.000 chiến binh ở đây.
 
Mỹ và các đồng minh Ả-rập cũng tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch không kích chống IS ở Syria.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc