(VnMedia) - Ukraine đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong cái gọi là tiến trình “thanh lọc” bộ máy nhà nước nhằm loại bỏ những quan chức, công chức được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Yanukovych, những thành viên của Đảng Cộng sản hay bất kỳ ai sống trên những tài sản, thu nhập không thể giải thích. Người ta lo ngại, cuộc “thanh lọc” này, chính xác là cuộc “thanh trừng” này có thể làm tổn thương Ukraine nhiều hơn thay vì là giúp ích cho nước này.
![]() |
Thủ tướng Ukraine |
Trong thời gian qua, người ta đã chứng kiến tình hình đất nước Ukraine rối loạn và cùng với đó là thời kỳ cực kỳ tồi tệ cho giới chính khách Ukraine. Nhiều chính khách nước này đã phải đối diện với làn sóng “ném quan chức vào thùng rác” của những thành phần theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Bất kỳ quan chức nào bị nghi ngờ là tham nhũng hay ủng hộ Nga đều bị các thành viên của nhóm Cánh Hữu ném vào thùng rác. Thậm chí họ còn bị tra tấn, đánh đập.
Hiện tại, các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc nói trên sẽ có được điều họ đòi hỏi kể từ khi phong trào Maidan nổ ra hồi tháng 2 và lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych. Theo luật “thanh lọc” bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm qua (16/10), chính phủ Ukraine bắt đầu tiến hành rà soát, đánh giá và xem xét gần 1 triệu quan chức, công chức nước này. Như Thủ tướng Ukraine từng tuyên bố, đây là một cuộc kiểm tra lòng trung thành. “Án” loại bỏ, sa thải đang chờ những quan chức được bổ nhiệm từ thời chính quyền Tổng thống Yanukovych, các thành viên của Đảng Cộng sản Xô-viết và bất kỳ ai có thu nhập không thể giải thích.
Luật “thanh lọc” hay có thể hiểu trần trụi hơn là “thanh trừng” là “chìa khóa” trong cam kết của chính phủ thời hậu Maidan nhằm chống lại nạn tham nhũng và cải cách bộ máy chính quyền. Trong giai đoạn đầu tiên được thực hiện trong 10 ngày tới, các quan chức cấp cao của chính phủ Kiev sẽ bị kiểm tra. Tuy nhiên, Tổng thống Petro Poroshenko không phải trải qua cuộc “thanh lọc” này dù ông từng là Bộ trưởng Thương mại dưới thời ông Yanukovych. Ông Poroshenko được miễn trừ bởi ông này được người dân bầu làm Tổng thống. Tương tự như vậy, những ứng cử viên thành công trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 26/10 sắp tới cũng không phải chịu tiến trình “thanh lọc”.
Trong những tháng sắp tới, hầu như tất cả quan chức, công chức, bao gồm quân sự, cảnh sát và thẩm phán đều bị đưa vào diện “kiểm tra lòng trung thành”. Khoảng 1 triệu người, trong đó ước tính có 300.000 quan chức chính phủ, sẽ bị ảnh hưởng.
39 “nạn nhân” đầu tiên của luật “thanh lọc”
Theo thông báo mới nhất được Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đưa ra tại một cuộc họp nội các trong ngày hôm qua (16/10), chính phủ Kiev đã quyết định sa thải 39 quan chức cấp cao đầu tiên theo luật “thanh lọc” mới.
Thủ tướng Yatsenyuk cho hay, 19 trong số những “nạn nhân” đầu tiên nói trên tự nộp đơn xin từ chức trong khi 20 người còn lại bị sa thải theo luật mới của Ukraine.
Thanh lọc hay trả thù?
Cái gọi là luật “thanh lọc” của Ukraine được Quốc hội thông qua hôm 16/9 trong bối cảnh có rất nhiều tranh cãi. Luật này ban đầu đã bị bác bỏ và nó chỉ được thông qua sau khi bản thân Chủ tịch Quốc hội Ukraine phải đe dọa không cho các nghị sĩ ra khỏi tòa nhà Quốc hội nếu không thông qua được dự luật nói trên.
Không phải vô cớ mà luật “thanh lọc” vấp phải làn sóng phản đối gay gắt và dữ dội ở đất nước Ukraine.
Nhiều người phản đối bởi cái gọi là “luật thanh lọc hay tẩy uế” về bản chất là một cuộc “thanh trừng” giống như cuộc điều tra để khủng bố, đàn áp những người không theo lập trường chính trị với Kiev. Trưởng công tố Ukraine từng cảnh báo, dự luật “thanh lọc” có thể vi phạm hiến pháp và dẫn tới những hậu quả không thể lường trước.
Các đảng phái chính trị đối lập với chính quyền Tổng thống Poroshenko nói rằng, việc Kiev tìm cách sa thải những quan chức, công chức còn lại thời ông Yanukovych rõ ràng là một nỗ lực nhằm đàn áp phe đối lập chính trị.
Tính hợp pháp của luật thanh lọc của bị nghi ngờ bởi Hội đồng Châu Âu và giới lãnh đạo các doanh nghiệp ở Ukraine. Họ lo sợ, hành động của chính phủ Kiev sẽ làm mất đi nhiều quan chức có năng lực, gây ra làn sóng “chảy máu chất xám”. Không ít những lời cảnh báo đã được đưa ra về việc luật “thanh lọc” có thể làm phương hại đến tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ, ít nhất là trong thời gian trước mắt, khi loại bỏ một số lượng lớn những nhân viên, quan chức có kinh nghiệm trong thời kỳ Ukraine đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Những người khác còn đưa ra kịch bản đáng sợ hơn về việc, trong thời buổi môi trường chính trị đang vụn vỡ, xáo trộn và hỗn loạn của Ukraine như hiện nay, luật “thanh lọc” có thể bị các chính khách lợi dụng để trả thù riêng hay thậm chí là nhận tiền hối lộ, đút lót từ việc này.
"Luật đó được thông qua để xoa dịu công chúng, để bù đắp cho những thất bại quân sự mà chúng ta phải hứng chịu cũng như để giảm bớt nỗi thất vọng của người dân về việc cho đến nay cuộc cách mạng Maidan vẫn chưa đem lại bất kỳ lợi ích cụ thể nào cho người dân”, ông Vitaly Filipovsky – một phóng viên độc lập ở Zaporizhia, miền đông Ukraine, đã thẳng thắn vạch ra như vậy. Ông này cảnh báo, luật thanh lọc có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ, mâu thuẫn trong xã hội vốn đã đầy rạn nứt ở Ukraine bằng cách chĩa “mũi dùi tấn công” về phía “bất kỳ người nào mà họ cho là dường như ở bên kia chiến tuyến”.
Ý kiến bạn đọc