Trung Quốc lại xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam

06:46, 10/10/2014
|

(VnMedia) - Ngày 7/10, mạng Tin tức Hải Nam đưa tin, Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000 mét cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 
 

Ảnh minh họa

 Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Ảnh: ĐV)


Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước hành động trắng trợn nêu trên của phía Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua (9/10) nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng và phức tạp, không có lợi cho việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
 
“Hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không để tái diễn những hành động sai trái tương tự, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông”.
 
Việc Trung Quốc ngang nhiên mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng có chiều dài 2.000 mét cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam diễn ra chỉ vài tháng sau khi Trung Quốc vừa gây sóng gió đặc biệt nghiêm trọng ở Biển Đông bằng việc kéo một giàn khoan khổng lồ vào hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Hôm 2/5, Trung Quốc bắt đầu đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Đây là vị trí nằm sâu trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc còn cho triển khai một lực lượng hùng hậu để bảo vệ giàn khoan của họ gồm cả tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu săn ngầm, tàu đổ bộ và nhiều máy bay chiến đấu. Các tàu của Trung Quốc hung hăng cố ý đâm va, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều lần, khiến nhiều người bị thương và gây hư hỏng cho các tàu thuyền Việt Nam. Đặc biệt, ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã chủ động bám đuổi, đâm va cho đến khi lật úp tàu cá ĐNa-90152-TS của Việt Nam đang hoạt động bình thường trong vùng biển của Việt Nam. Thậm chí các lực lượng Trung Quốc còn có hành động ngăn cản các tàu của Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá ĐNa-90152-TS.
 
Hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế. Dư luận thế giới đã lên án gay gắt cách hành xử của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đồng thời khen ngợi và đánh giá cao cách ứng xử của Việt Nam.
 
Trung Quốc chỉ rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam sau 75 ngày hoành hành với nhiều hành động hung hăng, hiếu chiến, gây bất bình đối với cộng đồng quốc tế.
 
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa
 
Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Ít nhất từ thế kỷ 17, các triều đại nhà Nguyễn đã tổ chức các hoạt động khai thác sản vật trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức đo đạc hải trình và bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền của quốc gia khác qua lại tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Các hoạt động này đều đã được ghi nhận trong các văn bản chính thức do các triều đình Việt Nam ban hành là các Châu bản hiện đang được lưu giữ tại Việt Nam.
 
Trong tài liệu lưu hành tại Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra các bằng chứng cho thấy quần đảo Hoàng Sa không được giao cho Trung Quốc tại các Hội nghị quốc tế trước và sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, như: Hội nghị Cairo (11/1943), Hội nghị Potsdam (7/1945), Hội nghị hòa bình San Francisco (8/1951), Hội nghị Geneva (1954). Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Việc Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa không thể tạo nên chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.
 
Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa và sử dụng vũ lực nên không thiết lập được chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa
 
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12 tháng 5 năm 1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Việt Nam cũng chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc