Tổng thống Nga - Ukraine “đối mặt” ở ASEM

07:09, 12/10/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang chờ đợi một cuộc đàm phán đầy khó khăn nhưng thành công với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Hợp tác Á-Âu ở Italia sắp tới, hãng thông tấn chính thức của Ukraine - UNIAN hôm qua (11/10) đưa tin.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Poroshenko


"Trong 6 ngày ở Milan, tôi sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin cùng với lãnh đạo của các nước Châu Âu khác. Tôi không mong là những cuộc đàm phán sẽ diễn ra dễ dàng”, ông Poroshenko phát biểu ở Kharkiv. Tuy nhiên, ông này thể hiện sự tin tưởng rằng, “chúng tôi sẽ có thể hoàn thiện được một phần quan trọng trong kế hoạch hòa bình – bản ghi nhớ Minsk và hiệp định Minsk".
 
Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (Asia - Europe Meeting – gọi tắt là ASEM) được thành lập năm 1996 theo sáng kiến của Singapore và Pháp cùng với sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN. Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn" và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.
 
Qua 5 lần mở rộng , ASEM không ngừng lớn mạnh, tăng hơn gấp đôi số lượng thành viên (từ 26 lên 53 thành viên), trong đó có 4 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, 12 nước G20, 4 nước BRICS, chiếm khoảng 63% dân số thế giới, 57% GDP và 68% thương mại toàn cầu. ASEM tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nước. Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đang vận động để gia nhập diễn đàn ASEM.
 
Cơ chế hoạt động của ASEM gồm Hội nghị Cấp cao (đến nay đã trải qua 9 kỳ Hội nghị), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (hiện đã có 11 kỳ Hội nghị),  10 kênh Hội nghị Bộ trưởng khác (Tài chính, Lao động việc làm, Văn hóa, Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, An ninh Năng lượng, Giao thông vận tải, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công nghệ thông tin và truyền thông) điều phối hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành, Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc gồm bốn điều phối viên, trong đó 1 thành viên ASEAN, 1 thành viên Nhóm Đông Bắc Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương) và 2 châu Âu (EEAS là điều phối viên thường xuyên và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU). Đến nay, ASEM chưa thể chế hoá và không có Ban Thư ký thường trực.
 
ASEM – cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng
 
Kể từ sau Hội nghị cấp cao ASEM 9 tại Lào năm 2012, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; giảm phát và thất nghiệp cao kéo dài tại khu vực đồng euro; tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi giảm tốc. Hợp tác liên kết kinh tế và hình thành các hiệp định thương mại tự do (FTAs) thế hệ mới được nhiều nước thúc đẩy. Các điểm nóng khu vực căng thẳng hơn, nổi bật là tình hình Ukraine, Iraq, Syria, Trung Đông, Biển Đông, biển Hoa Đông… Các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, khủng bố, an ninh nguồn nước – lương thực – năng lượng, tranh chấp lãnh thổ… phức tạp hơn. 
 
Trước tình hình đó, ASEM tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, được các thành viên coi trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
 
Hội nghị Cấp cao ASEM 10 diễn ra tại Milan, Italia, sắp tới vào ngày 16 -17/10 có chủ đề “Đối tác trách nhiệm vì tăng trưởng và an ninh bền vững”. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 4 nội dung chính: (i) Các vấn đề kinh tế - tài chính và kết nối Á – Âu; (ii) Các vấn đề toàn cầu; (iii) Các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; (iv) Định hướng tương lai ASEM.

Việt Nam – thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEM
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEM 10. Thủ tướng là một trong ba Lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại Phiên toàn thể về các vấn đề toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong ba Lãnh đạo cấp cao châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á – Âu trong khuôn khổ Diễn đoàn doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 14.
 
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với Nguyên thủ, Lãnh đạo các đối tác quan trọng của ta trong ASEM… Dịp ASEM 10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên ASEM.
 
Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, phát huy được vai trò và vị thế tại Diễn đàn, nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5 (2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực kinh tế (2001), công nghệ - thông tin (2006), ngoại giao (2009), giáo dục (2009), lao động (2012).
 
Việt Nam cũng đề xuất hướng giải quyết cho 2 lần mở rộng ASEM (ASEM 5, 2004 và FMM 9, 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (2004).
 
Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác về ứng phó thiên tai và “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” về quản lý nguồn nước, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mê Công – Đa-nuýp.
 
Việt Nam cũng là một trong những thành viên chủ động đề xuất, tham gia nhiều sáng kiến nhất (chủ trì 20 sáng kiến và đồng tác giả 24 sáng kiến), trong các lĩnh vực an ninh lương thực, an ninh năng lượng, quản lý nguồn nước, biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, kinh tế, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, khoa học-công nghệ, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, văn hoá, y tế, giao thông vận tải, giao lưu thanh niên… Đáng chú ý, các sáng kiến do Thủ tướng Việt Nam đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEM 9 (Lào, 2012) về “Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông – Cách tiếp cận tăng trưởng xanh” (Cần Thơ, 3/2013) trong khuôn khổ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” và “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu” (Hà Nội, 11/2013) được các thành viên ASEM tham gia đồng sáng kiến nhiều nhất, triển khai tích cực và nhất trí thúc đẩy trở thành các hoạt động định kỳ trong ASEM.
 
Đồng thời, Việt Nam đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên 2 nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á – Âu giai đoạn 2008 - 2012). Hiện nay, Việt Nam đang phát huy vai trò tích cực trong 3 Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai và đào tạo nghề.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc