(VnMedia) - Hồi đầu tuần trước, các chiến đấu cơ của Mỹ chính thức dội bom, khai hỏa chiến dịch không kích tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Theo đó, Syria đã trở thành quốc gia mới nhất và là quốc gia thứ 7 phải hứng chịu các đợt dội bom của Mỹ dưới thời của Tổng thống Barack Obama. Với việc này, Obama đã gia nhập "Câu lạc bộ các Tổng thống hiếu chiến" của Mỹ.
Mỹ và NATO đã khai hỏa chiến dịch đánh bom nhằm vào miền bắc của Syria hôm 23/9 để đối phó với IS - tổ chức khủng bố được cho là mối đe dọa mới nhất đối với an ninh Mỹ cũng như toàn cầu, chỉ sau al-Qaeda. Chiến dịch này đã cướp đi sinh mạng của gần 200 người, tuy nhiên con số này được dự đoán là còn gia tăng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama
Afghanistan (2001 đến nay)
Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào tòa tháp đôi của Mỹ ở New York, Afghanistan đã trở thành quốc gia đầu tiên bị Mỹ đánh bom trong thế kỷ 21 để đáp trả việc Taliban từ chối trao nộp trùm khủng bố al-Qaeda – Osama Bin Laden – kẻ chủ mưu vụ tấn công khủng bố kinh hoàng này.
Bắt đầu với các thành phố lớn nhất của Afghanistan - Kabul, Kandahar và Jalalabad, Mỹ và các đồng Mỹ đã tham gia vào một cuộc chiến kéo dài, vốn chứng kiến hàng chục nghìn thương vong.
Obama chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ khi ông lên nắm quyền năm 2009, và giống như người tiền nhiệm, ông đã ra lệnh các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu phiến quân ở nước này.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh đã rút phần lớn binh sĩ, bắt đầu từ tháng 6/2011 và kết thúc vào cuối năm 2014, khi Mỹ muốn chuyển giao quyền kiểm soát an ninh tại Afghanistan cho các lực lượng địa phương nhưng các cuộc không kích vẫn đang diễn ra.
Theo các con số thống kê, Mỹ đã phải chi hơn 100 triệu USD viện trợ cho Afghanistan kể từ năm 2011 để huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh địa phương cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng. 2.200 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại Afghanistan kể từ năm 2001, trong khi khoảng 20.000 binh sĩ khác đã bị thương.
Yemen (từ 2002 đến nay)
Cái chết của 17 nhân viên hải quân Mỹ vào tháng 10/2000 khi tàu khu trục USS Cole bị al-Qaeda tấn công tại cảng Aden đã đưa Yemen vào tầm ngắm của Washington. Vào tháng 11/2002, được chính phủ Yemen bật đèn xanh, Mỹ đã tiến hành vụ ném bom đầu tiên trên đất Yemen.
Mục tiêu của Mỹ khi đó là Qaed Salim Sinan al-Harethi, kẻ mà Washington coi là một thủ lĩnh của al-Qaeda tại Yemen và cũng là một nghi phạm trong vụ ném bom tàu USS Cole. Tên này cuối cùng đã bị tiêu diệt khi chiếc xe hơi chở hắn bị trúng tên lửa của một máy bay không người lái của Mỹ.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Paul Wolfowitz đã nhận định, đó là “một chiến dịch chiến thuật rất thành công” và rằng những cuộc tấn công như vậy không chỉ có tác dụng nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố mà còn khiến al-Qaeda phải thay đổi chiến thuật của chúng.
Mặc dù chiến dịch ném bom được khai màn bởi chính quyền Mỹ George W. Bush nhưng đã có sự leo thang mạnh mẽ kể từ khi ông Obama lên nắm quyền.
Các vụ ném bom của Mỹ tại Yemen hầu hết do máy bay không người lái thực hiện và số lượng các vụ ném bom đã gia tăng trong những năm gần đây. Các nhóm nhân quyền ngày càng tỏ ra lo ngại về việc có quá nhiều dân thường thương vong trong cái gọi là “Cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ.
Theo một báo cáo được Tổ chức Giám sát Nhân quyền đưa ra năm 2013 thì kể từ 2009 đến nay, Yemen đã phải hứng chịu 6 cuộc không kích của Mỹ và trong 82 người thiệt mạng trong các cuộc không kích thì có tới 57 nạn nhân là dân thường.
Iraq (2003-2011)
Vào ngày 5/2/2003, tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Colin Powell đã có bài phát biểu, trong đó nói rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt - một cái cớ để Washington tham gia vào một cuộc xung đột quân sự khác trong khi cuộc chiến ở Afghanistan chưa chấm dứt.
Các cuộc không kích đầu tiên của Mỹ nhằm vào Iraq diễn ra ngày 20/3/2003 và chỉ trong vòng 3 tuần, chính phủ Iraq đã bị lật đổ. Tuy nhiên, cũng giống như tại Afghanistan, việc kiểm soát hoàn toàn đất nước không phải là điều dễ dàng, khi Mỹ và các đồng minh vấp phải với sự chống đối dữ dội ở đất nước Iraq. Đầu tiên là sự phản đối từ những người ủng hộ Tổng thống Syria Saddam Hussein, và sau đó là các nhóm chống đối dòng Sunni và Shiite, al-Qaeda và những người ủng hộ.
Cuộc xung đột và các chiến dịch đánh bom của Mỹ đã được chứng minh là vô cùng thảm khốc đối với dân thường Iraq. Một bài viết do hãng AFP công bố hồi tháng 10/2013 cho thấy khoảng nửa triệu dân thường Iraq đã thiệt mạng trong cuộc chiến của Mỹ.
Bài báo cho biết, khoảng 70% số người thiệt mạng ở Iraq từ năm 2003-2011 đều là dân thường vô tội, chủ yếu bị trúng đạn và trúng bom mà 35% trong số đó là do quân đồng minh gây ra. Theo đó, số người thiệt mạng đã lên tới xấp xỉ 125.000 người.
Pakistan (2004 đến nay)
Tuy rằng các cuộc tấn công bằng máy bay do thám không người lái tại Pakistan bắt đầu dưới thời chính quyền Tổng thống George W. Bush nhưng chính quyền Obama đã gia tăng tần suất các vụ tấn công tới mức độ chưa có tiền lệ.
Theo một báo cáo giám sát được Cục Điều tra Báo chí của Mỹ đưa ra thì đã có tới 390 vụ tấn công bằng máy bay do thám được tiến hành tại Pakistan kể từ năm 2004, trong đó 339 vụ được tiến hành kể từ ông Obama lên nắm quyền. Các vụ không kích đã cướp đi sinh mạng của gần 4.000 người và khoảng 1/4 số đó là các dân thường.
Các cuộc biểu tình phản đối Mỹ sử dụng máy bay do thám không người lái ngày càng diễn ra thường xuyên hơn và quy mô lớn hơn ở Pakistan. Vào tháng 12/2013, khoảng 5.000 người đã xuống đường kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay các vụ tấn công bằng máy bay không người lái tại Pakistan.
Somalia (2007 đến nay)
Vào tháng 1/2007, Mỹ đã phát động các cuộc không kích nhằm tiêu diệt nghi phạm được cho là thủ lĩnh của al-Qaedan tại Somalia, kẻ mà Wasington tin là chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania dưới sự ủng hộ tuyệt đối của Tổng thống Somalia Abdullahi Yusuf Ahmed khi đó. Các cuộc không kích của Mỹ đã khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Đến đầu tháng 9/2014, các phần tử thánh chiến Somalia trong nhóm Al-Shabaab, vốn có liên hệ với al-Qaeda, đã lên tiếng xác nhận rằng thủ lĩnh của họ là Ahmed Godane đã thiệt mạng trong các vụ không kích của Mỹ. Tuy nhiên, tổ chức này tiếp tục lên tiếng cảnh báo sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.
Libya
Vào tháng 3/2011, sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép sử dụng vũ lực để bảo vệ các dân thường tại Libya, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tiến các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi.
Tháng 3/2011, Obama tuyên bố Mỹ sẽ tham gia một liên minh không kích vào Libya. Động thái này diễn ra sau khi một nghị quyết của Hội đồng Bảo an được đưa ra, cho phép sử dụng vũ lực để bảo vệ dân thường Libya. Tuy nhiên, dù thay đổi chế độ không phải là mục tiêu được nêu ra của Obama ở đầu chiến dịch, nhưng các cuộc không kích cuối cùng đã kết thúc với cái chết của nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi.
Kể từ đó tình hình an ninh ở Libya trở nên xấu đi. Năm 2012, 4 người Mỹ đã bị giết trong một cuộc tấn công vào khu phức hợp của Mỹ ở Benghazi, và tháng 7 năm nay, sứ quán Mỹ ở Tripoli cũng phải sơ tán vì bạo lực.
Ý kiến bạn đọc