(VnMedia) - Nga hoàn toàn có thể giúp cho chiến dịch tiễu trừ IS do Mỹ dẫn đầu đạt hiệu quả như mong muốn, bằng cách hợp tác cung cấp những thông tin tình báo tối mật, cựu quan chức CIA nhận định.
![]() |
Ngoại trưởng 2 nước Mỹ - Nga nhóm họp bàn về kế hoạch chia sẻ thông tin tình báo chống IS |
Trả lời trên tờ RIA Novosti, cựu giám đốc trung tâm chính sách quốc tế, thuộc CIA - Mel Goodman – cho rằng, nếu Nga tham gia vào chiến dịch chống IS bằng việc hỗ trợ cung cấp thông tin tình báo có được về IS từ Damascus, Mỹ và liên quân sẽ dễ dàng đạt được mong muốn trong chiến dịch này.
Bên cạnh đó, Nga có thể hỗ trợ các biện pháp chống khủng bố bằng việc cung cấp thông tin liên quan tới việc đi lại của các nhóm vũ trang tại Chechnya tới Syria.
Hợp tác tình báo giữa Nga và Mỹ đã rơi vào tình trạng đóng băng trong nhiều năm qua, sau khi 2 nước xảy ra những bất đồng, nghi kỵ. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau khi xảy ra những biến cố tại miền đông Ukraine.
Tuy nhiên, trước việc nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang ngày càng lớn mạnh, hiếu chiến và đang mở các cuộc tấn công ồ ạt tại Iraq và Syria, Nga và Mỹ đã tạm gạt qua một bên những bất đồng để tiến tới hợp tác, chia sẻ thông tin tình báo.
Hôm 14/10 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã có cuộc gặp quan trọng tại Paris, Pháp để thảo luận về vấn đề hợp tác tình báo.
Không đề cập trực tiếp tới những gì đạt được sau cuộc họp kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ nhấn mạnh, Nga và Mỹ là 2 cường quốc và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Do đó việc 2 nước bắt tay trong vấn đề chống IS là điều cần thiết.
Còn ông John Kerry lại bóng gió cho rằng: “mọi quốc gia không nên né tránh việc tham gia tiêu diệt IS. Nga và Mỹ đều nhận thấy cần thiết phải làm suy yếu sức mạnh của IS và tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhóm này”.
Mỹ không kích giết hàng trăm tay súng IS
Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành không kích dồn dập vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) quanh thị trấn Kobane, khiến hàng trăm tay súng cực đoan thiệt mạng.
![]() |
Máy bay chiến đấu của liên quân oanh tạc dữ dội các mục tiêu của IS tại Kobane |
Người phát ngôn của Lầu năm góc John Kirby thông báo với giới truyền thông về những kết quả tích cực đạt được sau đợt không kích của liên quân trong 2 ngày 13 và 14/10 vừa qua.
“Chúng tôi tin những đợt không kích dữ dội vừa qua đã khiến hàng trăm thành viên của IS thiệt mạng. Không có thiệt hại về dân thường do phần lớn người dân đã rời bỏ thị trấn này để tránh thương vong”, ông John Kirby khẳng định trong cuộc họp báo hôm qua (15/10).
Tuy nhiên, ông John Kirby cũng cho rằng, khả năng IS vẫn chiếm giữ được thị trấn chiến lược của Syria. Trong thời gian qua, nhóm này vẫn liên tục đổ quân vào Kobane.
“IS cho thấy chúng đang làm mọi cách để chiếm giữ Kobane bằng việc tăng cường lực lượng cho mục tiêu này. Hiển nhiên nếu Kobane rơi vào tay chúng sẽ là thất bại của liên quân. Chúng ta cũng phải chuẩn bị sẵn tinh thần nếu một số thị trấn, vùng đất tiếp tục bị IS chiếm đóng do liên quân chưa thể “nhổ tận gốc” nhóm này”, ông John Kirby nhấn mạnh.
Trước đó, trong 2 ngày 13 và 14/10, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành 21 đợt không kích nhắm vào IS tại Kobane, Syria. Những đợt tấn công của các chiến đấu cơ được miêu tả “dữ dội và hiệu quả nhất từ trước tới nay”.
Tuy nhiên, tại Iraq, tình hình chiến sự lại diễn biến theo chiều hướng khác. IS chiếm được phần lớn thị trấn chiến lược Anbar và đã áp sát thủ đô Baghdad từ phía tây. Theo cựu chỉ huy lực lượng NATO tại Afghanista – tướng 4 sao đã nghỉ hưu - John Allen, Iraq mới là mối lo lớn nhất của liên quân.
![]() |
Chiến binh Hồi giáo dòng Shiite cùng quân đội Chính phủ chặn bước tiến của IS về Baghdad |
Tại Iraq, dù nhóm chiến binh người Kurd và quân đội Chính phủ nước này đã bước đầu chặn được bước tiến của IS hướng về Baghdad nhưng đó chỉ là tạm thời. “IS cho thấy nhóm có những toan tính riêng. Chúng rút lui mang tính chiến lược để ấp ủ cho một kế hoạch khác”.
Tuy nhiên, Lầu năm góc vẫn khẳng định, IS sẽ không thể tiếp cận được Baghdad. “Chúng tôi không tin có bất cứ mối đe dọa tiềm tàng nào với an ninh của thành phố này”, người phát ngôn John Kirby khẳng định.
Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo phương tây gồm Pháp, Italia, Đức và Anh. Các bên đều tái khẳng định cam kết tiêu diệt mạng lưới IS đồng thời cùng nhau ngăn chặn bộ máy tuyên truyền của nhóm này.
Diễn biến thực tế cho thấy vẫn có không ít công dân các nước gia nhập IS trong thời gian qua. Cụ thể theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, có tới 12.000 người nước ngoài từ hơn 50 quốc gia đã gia nhập IS theo lời hiệu triệu của chúng.
Đó là lý do phương tây cần ngăn chặn bộ máy tuyên truyền đang hoạt động rất hiệu quả của IS. Bên cạnh đó, liên quân cũng cần hỗ trợ và đào tạo lực lượng an ninh chính phủ Iraq để có thể đối chọi với IS.
Ý kiến bạn đọc