“Thất lễ”, Tổng thống Ukraine bị ghẻ lạnh

06:51, 12/10/2014
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh của Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (CIS) đã diễn ra mà không có đại diện cao nhất của nước thành viên Ukraine. Tổng thống Petro Porsohenko đã chọn đến Milan tham dự hội nghị ASEM, phớt lờ hội nghị CIS ở Minsk. Sự “thất lễ” này của ông Poroshenko đã khiến nguyên thủ của 10 nước thành viên còn lại của CIS nổi giận, đưa ra nhiều lời phát biểu mỉa mai nhằm vào Nhà lãnh đạo của Ukraine.
 

Ảnh minh họa

 Hội nghị thượng đỉnh CIS


Hội nghị thượng định của CIS ở thủ đô Minsk của Belarus đã diễn ra với sự tham dự của Nguyên thủ tất cả các nước thành viên trừ Tổng thống Poroshenko – đại diện của quốc gia đông dân thứ hai của Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập. CIS là một tổ chức được lập ra từ 11 quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Hội nghị thượng đỉnh của CIS lần này thu hút sự chú ý lớn của dư luận khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang gây ra một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng chưa từng có kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
 
Việc Tổng thống Poroshenko từ chối đến dự hội nghị của CIS diễn ra ở một nước gần mình đồng thời công khai thông báo kế hoạch đến thành phố Milan của Italia để tham dự một hội nghị thượng đỉnh khác đã bị nguyên thủ của 10 nước thành viên CIS coi là một hành động “thất lễ”, khiến họ cảm thấy bị “mất mặt”.
 
Ngay giữa hội nghị thượng đỉnh của Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập, các nguyên thủ đã không ngại thẳng thừng lên tiếng chỉ trích, chế giễu quyết định của ông Poroshenko.
 
Tổng thống Alexander Lukashenko của nước chủ nhà Belarus và Tổng thống của Uzbekistan Islam Karimov đã trực tiếp quở mắng Tổng thống Ukraine Poroshenko về việc đã thiếu tôn trọng những nước láng giềng xung quanh và về cách tiếp cận cứng rắn, mạnh tay trong cuộc chiến ở trên lãnh thổ Ukraine. Thực tế về việc ông Poroshenko hoàn toàn không bị chỉ trích bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin mà bởi 2 nước láng giềng của Nga đã làm dấy lên hoài nghi về cách đưa tin của báo chí phương Tây liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine cũng như cách mà các nước cựu Xô-viết khác đánh giá về cuộc chiến ở Ukraine. Trong suốt hơn 6 tháng qua, báo chí phương Tây tràn ngập những thông tin về các nước cựu Xô-viết khác, đặc biệt là những nước có cộng đồng người dân tộc Nga tương đối lớn, nói rằng những nước này đang lo lắng cái gọi là nguy cơ “xâm lược” của Nga dưới cái cớ bảo vệ những cộng đồng người Nga.
 
Tuy nhiên, vấn đề lo sợ về một cuộc xâm lược mới của Nga không hề thấy xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh ở Minsk. Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov – người lãnh đạo một cộng đồng người Nga trong nước, không hề chĩa mũi nhọn chỉ trích về phía Tổng thống Putin mà lại vào chính Tổng thống Poroshenko. “Nếu Tổng thống Poroshenko bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ chúng tôi để trình bày lập trường của ông ấy về những sự kiện đang diễn ra ở Ukraine thì điều này sẽ khiến tình hình càng trở nên rõ ràng hơn rất nhiều đối với chúng tôi. Ai trong số chúng tôi ở đây có cơ hội gặp gỡ Tổng thống Poroshenko mặt đối mặt trong thời gian gần đây? Rất ít. Nhưng ông ấy lại có nhiều thời gian để đến thăm Brussels ở Bỉ nhiều lần, cũng như nhiều quốc gia khác mà tôi không muốn kể tên ra”, ông Karimov phát biểu tại phiên khai mạc của hội nghị thượng đỉnh CIS. Nhà lãnh đạo Uzbekistan rõ ràng ám chỉ đến cuộc gặp của Tổng thống Poroshenko với hàng loạt giới lãnh đạo chống Nga của nhiều nước EU, cũng như Mỹ và Canada.
 
Trong khi đó, Tổng thống Alexander Lukashenko, chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Minsk, Belarus, cũng đã có những phát biểu đầy mỉa mai. “Nếu vấn đề của Ukraine – những vấn đề về kinh tế, chính trị.. vv.. có thể được giải quyết tốt hơn ở Milan hay Berlin, tại sao bạn (ông Poroshenko) lại cần phải đề nghị xin sự giúp đỡ của chúng tôi? Rõ ràng, bạn cần phải giải quyết những vấn đề đó ở Milan và Berlin”, ông Lukashenko cho biết, ám chỉ một cách rõ ràng về lời đề nghị gần đây của Tổng thống Poroshenko về việc các nước CIS “tham gia” vào quá trình tái thiết lại khu vực Donbass đang bị chiến tranh giày xéo.
 
Trên thực tế, xu hướng ủng hộ Nga rõ ràng (và chống Maidan) ở hội nghị thượng đỉnh CIS cho thấy đây là nơi các nguyên thủ quốc gia đã nhìn ra thấy những nguy cơ thực sự (chứ không phải tưởng tượng) đối với đất nước của họ. Những nguy cơ đó không bao gồm cái phương Tây gọi là “sự xâm lược của Nga” mà là sự bật ổn từ trong nội bộ, đói nghèo và khả năng diễn ra những “sự thay đổi chính quyền” bằng bạo lực do phương Tây kích động, hậu thuẫn.” Nếu bất kỳ ai bị “cô lập” (từ phổ biến nhất thường được sử dụng trong những bài báo về Nga của phương Tây”, thì đó lại không phải là Nga mà là chính quyền của Tổng thống Poroshenko, ít nhất là bên trong Khối thịnh vượng chung các quốc gia độc lập (trong đó có Ukraine là một thành viên chính thức).
 
Dưới đây là một số thực tế bị bỏ quên hay không được chú ý bởi những tờ như Washington Post và các báo chí phương Tây khác vốn thường thích nói về việc Nga bị “cô lập”. Tại hội nghị thượng đỉnh Caspian gần đây ở Astrakhan, Nga đã nhất trí với 3 đối tác CIS khác gồm Kazakhstan, Azerbaijan và Turkmenistan và vị thế pháp lý trong tương lai của Biển Caspian – một vấn đề gai góc mà 4 nước đã không thể giải quyết trong suốt 20  năm qua. Trước cuối năm nay, Nga, Belarus và Kazakhstan tất cả đều sẽ thông qua thỏa thuận thiết lập Liên minh Kinh tế Á-Âu – một thỏa thuận đã được ký kết ở Astana hồi tháng 5 năm ngoái. Thỏa thuận này cho phép thiết lập một không gian kinh tế kết nối giữa Nga, Belarus, Kazakhstan và trong tương lai gần sẽ là cả Kyrgyzstan và Armenia.


Kiệt Linh - (theo RIA)

Ý kiến bạn đọc