(VnMedia) - Các quan chức quốc phòng Trung Quốc sẽ có một cuộc đàm phán không chính thức với đoàn công tác Nhật Bản tại Bắc Kinh trong tuần này về các giải pháp ngăn chặn những tranh chấp về lãnh thổ bùng phát thành một cuộc xung đột vũ trang.
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình (trái), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải).
Các cựu thành viên của Lực lượng Phòng vệ Hải quân và Không quân Nhật Bản sẽ có cuộc gặp với các quan chức quốc phòng đương nhiệm của Trung Quốc trong ngày mai (29/10) giữa lúc Tokyo kêu gọi một cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự kiện này được cho là mở đường để hai nhà lãnh đạo hai nước hội đàm trực tiếp vào tháng 11 tới, bên lề Hội nghị APEC. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc gặp song phương giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe sẽ là bước đột phá mang tính biểu tượng trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.
Tổ chức Hòa bình Sasakawa của Nhật Bản, tổ chức từng tham gia vào vòng đàm phán tương tự những năm trước đây sẽ chủ trì diễn đàn này trong bối cảnh mối lo ngại bùng phát một cuộc xung đột vũ trang sẽ xảy ra gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Hai bên sẽ có hai ngày đàm phán không chính thức tại thủ đô Bắc Kinh, sau đó hai cuộc gặp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Nhật Bản hoặc Trung Quốc trong các tháng tới, dự kiến là vào đầu năm sau, Tổ chức Hòa bình Sasakawa cho biết.
“Chúng tôi sẽ chủ trì các cuộc gặp nhằm nối lại các vòng đàm phán chính thức giữa giới chức quốc phòng hai bên và hy vọng có thể tăng cường mối liên hệ giữa hai nước, đồng thời tạo nên một bầu không khí tích cực trong mối quan hệ song phương”, một quan chức của Tổ chức – ông Yu Zhan cho hay.
Dù đã có những dấu hiệu tích cực thời gian gần đây, nhưng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn bị “phủ bóng đen” bởi những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai nước đều tuyên bố có chủ quyền cũng như những các động thái quân sự của hai bên.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi cuối tháng 11 năm ngoái tuyên bố thành lập ADIZ, bao trùm chuỗi đảo tranh chấp với Nhật ở biển Hoa Đông. Bắc Kinh yêu cầu máy bay nước ngoài muốn vào vùng này phải báo trước lịch bay, nếu không sẽ đối mặt với những "biện pháp phòng thủ kiên quyết".
Cũng trong tháng đó, Nhật Bản cáo buộc máy bay Trung Quốc áp sát “một cách nguy hiểm” chiến đấu cơ của Nhật Bản ở gần quần đảo tranh chấp, cho rằng đó là một hành động gây hấn, tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng chính phi đội chiến đấu cơ của Tokyo là phía “kích động” trước.
Tuy nhiên, hồi tháng trước, các quan chức cấp cao Trung-Nhật đã nhất trí nối lại các vòng đàm phán đang rơi vào bế tắc về việc việc thiết lập một đường dây nóng giữa quan chức quốc phòng hai nước để ngăn chặn bùng phát xung đột ngoài tầm kiểm soát.
Nhật Bản cùng lúc tập trận chung với cả Mỹ và Nga
Trong một diễn biến khác, hôm qua (27/10), Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (JGSDF) và Lục quân Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 12 ngày ở Hokkaido, đảo nằm ở cực bắc của Nhật. Theo Bloomberg, tham gia tập trận có tổng cộng 2.000 quân nhân và phía Mỹ còn triển khai thêm trực thăng chiến đấu Apache và xe bọc thép Stryker.
Cùng lúc, tàu khu trục JS Hamagiri thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật sẽ đến thành phố Vladivostok của Nga để tập trận chung với hải quân nước này. Chuyến thăm kéo dài 5 ngày và dự kiến kết thúc vào ngày mai (28/10).
Mục đích chính của chuyến thăm không chính thức này là tiếp nối sự hợp tác giữa lực lượng hải quân của hai nước và tham gia cuộc tập trận chung Nga-Nhật Bản về cứu nạn trên biển mang tên SAREX sẽ diễn ra trong vịnh Pyotr Đại đế vào ngày 28/10.
Tham gia tập trận bên phía Nga sẽ là soái hạm chống tàu ngầm "Đô đốc Panteleev", tàu chở dầu hạng trung "Ilim", tàu kéo MB-105 và trực thăng Ka-27PS của đơn vị hàng không hải quân Hạm đội Thái Bình Dương.
Tại cuộc diễn tập này, các binh lính hải quân của Nga và Nhật Bản sẽ cùng nhau dập tắt đám cháy trên con tàu giả định gặp nạn trên biển, thực tập các phương án hợp đồng cứu hộ theo kịch bản trên tàu có người bị thương và phải cứu những người đang lênh đênh giữa biển trên thuyền bơm hơi, - vị sĩ quan nói rõ.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3. Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia cùng với Mỹ phản đối việc Crimea sáp nhập vào Nga.
Theo Bloomberg nhận định, việc Nhật Bản cùng lúc tổ chức tập trận riêng với Mỹ và Nga được nhận định là Tokyo đang nỗ lực cân bằng quan hệ với Washington lẫn Moscow. Thủ tướng Shinzo Abe đang muốn hàn gắn quan hệ với Nga đồng thời đẩy mạnh quan hệ đồng minh với Mỹ trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp.
Dù bị ảnh hưởng xấu bởi tình hình ở Ukraine, những có vẻ như các nhà lãnh đạo Nga và Nhật vẫn muốn cải thiện quan hệ song phương. Trước đó, Abe hồi tháng 9 , Thủ tướng hoãn tổ chức chuyến thăm Tokyo của ông Putin, nhưng hai ông đã trao đổi qua điện thoại ít nhất 2 lần và từng có cuộc gặp không chính thức bên lề Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 10 diễn ra ở Ý trong ngày 16 – 17/10 vừa qua.
Ý kiến bạn đọc