Siêu cường số 1 thế giới bất lực trước IS?

06:48, 06/10/2014
|

(VnMedia) - Mỹ đang vấp phải thực tế phũ phàng là chiến dịch không kích của họ không mạnh như họ tưởng mà thực ra là rất hạn chế khi không thể ngăn nổi bước tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng – IS ở thành phố biên giới Syria Kobane. Lực lượng chiến binh IS đang ngày một thắt chặt vòng vây xung quanh các chiến binh người Kurd bất chấp những cuộc không kích dồn dập và mạnh mẽ của phi đội chiến cơ uy lực hàng đầu của Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Những chiếc chiến đấu cơ và máy bay do thám tối tân từ Không lực của siêu cường hùng mạnh số 1 thế giới đã tiến hành ít nhất 8 đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở gần thành phố Kobane trong suốt tuần qua. Tuy nhiên, chiến dịch oanh tạc tưởng như rất kinh khủng đó cho đến thời điểm này lại thất bại trong việc giúp đảo chiều thế trận trong cuộc chiến tranh giành thành phố chiến lược nằm ở biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Lực lượng chiến binh IS vẫn tiến những bước tiến vững chắc trên chiến trường này. Trong khi các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn thì tiếp tục bị dồn vây.
 
Đối với một số nhà phân tích và các cựu quan chức Mỹ, tình cảnh hiện tại ở Kobane đã cho thấy một thực tế phũ phàng rằng chiến dịch không kích mà không có sự trợ giúp của bộ binh ở dưới mặt đất có những hạn chế rất lớn trong việc tấn công chính xác vào các mục tiêu.
 
Trong khi đó, lực lượng chiến binh người Kurd lại chưa phải là một đội quân có sự gắn kết và được trang bị vũ khí rất thô sơ, ông Seth Jones – một cựu cố vấn của lực lượng đặc nhiệm Mỹ nhận định.
 
"Ở thời điểm này, dường như các chiến binh người Kurd đang phải đối mặt với một nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng được tổ chức rất tốt và được trang bị đến tận chân răng", ông Jones đã nói như vậy.
 
"Mối quan ngại đang dấy lên khắp đất nước Syria khi chiến dịch không kích của Mỹ được thực hiện mà không có sự phối hợp tốt từ lực lượng dưới mặt đất- một phần là do tình trạng có quá nhiều nhóm nổi dậy ở Syria”, chuyên gia Jones phân tích.
 
Số các cuộc oanh kích của Mỹ ở gần thành phố Kobane rất hạn chế và trên một quy mô nhỏ hơn so với các địa điểm khác. Điều này, theo một số chuyên gia là phản ánh một bức tranh tình báo khá mù mịt của Mỹ.
 
Không có lực lượng kiểm soát không lưu hướng dẫn ở phía trước trên chiến trường Kobane, lực lượng phi công lái máy bay chiến đấu có thể cảm thấy khó khăn trong việc phân biệt giữa đâu là bạn, đâu là thù, đặc biệt là khi lực lượng chiến binh IS tìm cách trà trộn vào dân thường để lẩn tránh các cuộc tấn công của Mỹ, ông Ben Connable – một sĩ quan tình báo đã nghỉ hưu của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cho hay.
 
"Chúng tôi có thể là không có đủ thông tin tình báo để tách biệt giữa những mục tiêu tiềm năng với các chiến binh đồng minh của mình", ông Connable hiện là một nhà phân tích cấp cao, cho hay.
 
Thậm chí với những máy quay và thiết bị cảm biến tối tân được trang bị cho các máy bay chiến đấu của Mỹ, việc xác định các mục tiêu của kẻ thù vẫn rất là khó, và còn khó hơn nhiều nữa trong điều kiện thời tiết xấu, ông Connable nói thêm.
 
Quá thận trọng?
 
Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo người Kurd và một số nhà chỉ trích ở Washington cáo buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama đã áp dụng một lập trường quá thận trọng. Họ lập luận rằng, chiến dịch không kích của Mỹ thừa sức có thể ngăn chặn bước tiến của nhóm IS nếu Lực lượng Không quân Mỹ tung toàn lực ra cho cuộc chiến chống nhóm khủng bố này.
 
Trung tướng nghỉ hưu của Không quân Mỹ - ông David Deptula cho biết, các phi công lái máy bay chiến đấu đang gặp trở ngại trong nhiệm vụ của mình vì những thủ tục cồng kềnh và những quy định giới hạn, khiến chiến dịch của họ bị hạn chế về hiệu quả.
 
"Có một cảm giác và có sự phản hồi về việc có quá nhiều người đang kiếm soát vi mô chiến dịch không kích nhằm vào IS”, ông Deptula – người giám sát các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan cho biết.
 
Ở Kobane, "cần phải có sự giám sát liên tục 24/7 và mỗi lần có chiến binh, phương tiện và vũ khí của IS được nhìn thấy, chúng ta cần phải tấn công ngay  lập tức vào những mục tiêu đó”, ông Deptula nói.
 
Theo vị tướng nghỉ hưu của Không quân Mỹ, tiến trình cho phép thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS hiện nay là di sản của cuộc chiến ở Afghanistan – nơi lực lượng Mỹ áp dụng thêm các biện pháp thận trọng sau những lỗi lầm thảm họa của họ khiến nhiều dân thường thiệt mạng.
 
Tuy nhiên, ông Deptula cho rằng, cuộc chiến ở Syria và Iraq là một tình huống hoàn toàn khác bởi mục tiêu là những chiến binh đi trên những chiếc xe tải di chuyển trên những con đường và người ta có thể dễ dàng nhận ra chúng.
 
Người đứng đầu Lầu Năm Góc – ông Chuck Hagel đã phủ nhận cáo buộc về việc chiến dịch không kích chống IS hiện nay bị kiểm soát bởi Tổng thống Obama hay các cố vấn của ông. Ông Hagel khẳng định, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ - Tướng Lloyd Austin có toàn quyền trong việc phát động các cuộc không kích. Một quan chức quốc phòng cấp cao khác cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng, chiến dịch không kích nhằm vào IS bị can thiệp bởi Nhà Trắng hay các quy định quan liêu của chính quyền Mỹ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc