(VnMedia) - Hôm qua (30/9), Liên minh châu Âu đã quyết định sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay với Nga trước cáo buộc nước này đang “đỡ lưng” cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
Tuyên bố trên của EU được đưa ra không lâu trước khi NATO thông báo về việc có “hàng trăm” binh lính Nga vẫn xuất hiện tại khu vực miền đông xung đột của Ukraine.
Người phát ngôn của EU - bà Maja Kocijancic cho biết, tuy rằng các nhà lãnh đạo EU đã ghi nhận các tín hiệu đáng khích lệ trong tiến trình chính trị và thực thi một số khía cạnh trong thỏa thuận ngừng bắn hôm 5/9, nhưng một số điều kiện khác “cần được thực thi một cách đầy đủ” trước khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ.
EU xem thỏa thuận ngừng bắn này là bước tích cực đầu tiên tiến tới việc chấm dứt tình trạng xung đột kéo dài 5 tháng qua tại các tỉnh miền Đông Ukraine.
Trước đó, trong một tuyên bố của mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy đã để ngỏ khả năng điều chỉnh, ngừng, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt Nga, phụ thuộc vào diễn biến tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine.
Tuy nhiên, quyết định giữ nguyên lệnh trừng phạt với Nga của EU đã vấp phải những phản ứng trái chiều ngay trong nội bộ của 28 nước thành viên EU. Một số nhà lãnh đạo trong khối EU, gồm Thủ tướng Slovakia Robert Fico và Thủ tướng Hungary Viktor Orban… đã công khai chỉ trích các lệnh trừng phạt chống lại Nga với những lo ngại sẽ dẫn tới các biện pháp trả đũa thương mại từ Nga bởi Nga là một nước cung cấp năng lượng hàng đầu hiện nay cho các nước châu Âu.
Trái ngược với quan điểm trên, một số đại diện khác của EU, trong đó có Ủy viên châu Âu phụ trách chính sách khu vực Johannes Hahn, lại tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với Moscow khi tuyên bố rằng, liên minh này vẫn đồng loạt lên án việc Nga có các hành vi “chống lưng” cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine.
Ông Hahn nói: “Nga không nên đánh giá thấp quyết tâm giữ vững các nguyên tắc của EU…Chúng ta không thể đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào đối với Moscow cho tới khi chủ quyền lãnh thổ của Ukraine được khôi phục”
Động thái của EU không khiến Nga khuất phục
Phản ứng trước động thái trên của EU, Đặc phái viên EU của Nga – Vladimir Chizhov cho biết: “Chúng tôi sẽ xem đối tác của chúng tôi sẽ làm gì và làm như thế nào tiếp theo. Nhưng hành vi của họ cho tới thời điểm này không khiến chúng tôi khuất phục”.
Cùng với đó, ông Vladimir Dzhabarov - Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga hay còn gọi là Thượng viện Nga cho biết, Thượng viện nước này cũng đã đình chỉ quan hệ với nghị viện các nước ủng hộ lệnh trừng phạt chống lại nước Nga. đưa ra.
Ông Dzhabarov cho biết: "Điều đó không có nghĩa là tuyệt giao mối quan hệ với nghị viện các nước. Nhưng tạm thời chúng tôi sẽ hủy bỏ các chuyến thăm tới quốc hội Mỹ và Hy Lạp. Hội đồng Liên bang muốn xem xét lại các chuyến thăm viếng quốc tế của mình cho phù hợp với tình hình thế giới hiện nay. Chúng tôi không muốn đi du lịch. Chúng tôi muốn các quan hệ của Hội đồng liên bang (với nghị viện các nước khác) phải có thành quả tốt đẹp".
Theo Nghị sỹ khác có tên Viktor Pichugov, Thượng viện Nga đã lên kế hoạch cho 19 chuyến đi nước ngoài trong tháng 10. Nhưng việc đình chỉ đi Hy Lạp và Mỹ sẽ khiến các chuyến đi rút xuống con số 17.
Suốt từ tháng 3 đến nay, Nga đã phải hứng chịu nhiều đợt trừng phạt của phương Tây, bao gồm Mỹ và Liên minh châu Âu sau khi bán đảo Crimea tuyên bố độc lập, tách khỏi Ukraine và gia nhập Nga.
Lệnh trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất và thông qua hôm 5/9 nhằm siết chặt thêm gói các biện pháp đã được EU thông qua cuối tháng Bảy nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của Nga.
Ngoài 5 ngân hàng công của Nga bị trừng phạt còn có các công ty nhà nước hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ và quốc phòng như Rosneft, Transneft và chi nhánh dầu mỏ của tập đoàn năng lượng Gazprom.
Tuy nhiên, chi nhánh khí đốt của Gazprom không nằm trong diện trừng phạt vì châu Âu đang phụ thuộc vào nguồn khí đốt do chi nhánh này cung cấp.
Những công ty và ngân hàng nằm trong diện trừng phạt sẽ không được huy động vốn tại thị trường châu Âu cũng như không được bán cổ phiếu trên thị trường EU.
Hồi đầu tháng 9, 420 cá nhân và 143 công ty của Nga đã bị đưa vào danh sách xử phạt của Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Na Uy. Đáng chú ý trong số các cá nhân bị trừng phạt, có cả các nghị sĩ Nga.
Các công ty dầu khí Rosneft, Transneft, Gazprom Neft cũng vừa có tên trong danh sách trừng phạt mới của EU. Ngoài ra, các hoạt động trong công nghiệp vũ khí của Nga cũng bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt.
Vào giữa tháng 9, Liên minh châu Âu công bố lệnh thêm trừng phạt mới chống lại nước Nga và đánh vào các ngân hàng Nga. Trong đó, Sberbank, VTB, VEB, Gazprombank và Ngân hàng Nông nghiệp Nga không được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn.
Ý kiến bạn đọc