Nga có thể "xóa sổ" Mỹ trong vòng 30 phút

16:09, 07/10/2014
|

(VnMedia) - Theo báo cáo chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, Nga đang sở hữu 1643 tên lửa hạt nhân sẵn sàng khai hỏa, nhiều hơn 1 tên lửa so với Mỹ. Theo nhận định của hai nhà chính trị học người Mỹ là Graham Allison và Robert Blackwell, với năng lực hạt nhân của mình, Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới đủ khả năng làm cho nước Mỹ biến mất khỏi bề mặt Trái Đất chỉ trong vòng 30 phút”.
 
Báo cáo về số lượng đầu đạn hạt nhân trên của Mỹ dựa trên con số chính thức được trao đổi giữa hai nước theo hiệp ước cắt giảm vũ khí START mới, tính cả các tên lửa được triển khai trước 1/9.
 
Con số này cho thấy sự gia tăng đáng kể số tên lửa hạt nhân của Nga kể từ tháng 3 vừa qua. Theo dữ liệu khi đó, Washington sở hữu 1585 đầu đạn hạt nhân, trong khi Nga mởi chỉ có 1512 đầu đạn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy chỉ nhỉnh hơn Mỹ 1 đầu đạn, nhưng đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài Nga đạt được mức chênh lệch hơn so với cường quốc ở bên kia Đại dương.

Cả Mỹ và Nga đều đang dồn lực để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình kể từ khi cuộc xung đột bùng nổ ở Ukraine. 

Báo cáo của phía Mỹ đánh giá, các kế hoạch tham vọng của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga trong thời gian qua đã cho phép
Moscow không những duy trì cân bằng lực lượng trên toàn cầu, mà còn giữ vững trạng thái siêu cường vốn có.

Con số hiện tại đã vi phạm hiệp ước START mới, được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev ký kết năm 2010. Theo hiệp ước mới này, mỗi bên chỉ được sở hữu tối đa là 1550 đầu đạn hạt nhân.
 
Trung tâm Phi Phổ biến và Kiểm soát Vũ khí có trụ sở tại Washington cho rằng Moscow đáng sở hữu trên 8.000 đầu đạn hạt nhân và Washington có hơn 7.000 đầu đạn hạt nhân, mặc dù không phải tất cả trong số đó đều có thể được dùng cho các hệ thống tên lửa.
 
Nga gần đây đã công bố kế hoạch nâng cấp toàn bộ kho hạt nhân của mình trước năm 2020, một phần trong chương trình tái vũ trang quy mô lớn với trị giá lên tới 700 tỷ USD.
 
Mặc dù Moscow không cung cấp kế hoạch chi tiết về việc làm thế nào mà nước này đã đạt được bước đột phát trong việc nâng cấp khả năng hạt nhân chỉ trong vài tháng qua như vậy, nhưng các chuyên gia ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương phỏng đoán rằng việc gia tăng đầu đạn hạt nhân này liên quan tới kế hoạch vũ trang cho tàu ngầm hạt nhân lớp Borey. 
 
Loại tàu ngầm được trang bị tên lửa Bulava thuộc một trong những dự án đắt đỏ nhất trong lịch sử hải quân Nga này đã sẵn sàng để triển khai.
 
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có lời ca ngợi các tên lửa siêu thanh Bulava. Loại tên lửa này có khả năng thay đổi đường bay nhanh chóng và không thể bị bắn hạ bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trên thế giới.
 
Ngoài ra, Nga cũng đầu tư phát triển các hệ thống tên lửa di động Yars và cũng có kế hoạch “hồi sinh” loại tên lửa đường sắt thông dụng thời Liên xô cũ.

Năng lực hạt nhân của Nga khiến Mỹ "toát mồ hôi"
 
Washington gần đây ngày càng bày tỏ quan ngại về chương trình tái vũ trang của Điện Kremlin. Hồi tháng 7 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm Trung (INF) ký kết vào tháng 6/1988, khi bắn thử một quả tên lửa hành trình trong khi INF cấm các bên sở hữu, sản xuất hoặc thử tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500-5.500km. Tuy nhiên, cáo buộc trên của Mỹ đã bị Nga thẳng thừng bác bỏ.
 
Trước tình hình đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa James Inhofe ở bang Oklahoma, Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, đã lên tiếng kêu gọi Washington đưa ra đường lối chính sách mới nhằm ngăn chặn Nga tăng cường vũ khí hạt nhân.
 
Ông Inhofe cho rằng hành động tăng cường vũ khí hạt nhân của Nga gây ra mối đe dọa trực tiếp đối với nước Mỹ.
 
Ông này cáo buộc Nga “giả tạo” trong việc đàm phán cắt giảm vũ khí với Mỹ, trong khi vẫn tăng cường vũ khí hạt nhân. Ông cho rằng, hành động này của Nga là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.
 
“Giờ quá muộn để thuyết phục Nga về việc tuân thủ các thỏa thuận. Họ đã thử nghiệm khả năng này (khả năng hạt nhân – PV) và chúng ta không có cách nào để biết chắc chắn liệu họ có triển khai những hệ thống này hay không”, ông nói.
 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ít nhất, Nga  chắc chắn sẽ không tham gia (cuộc chạy đua vũ trang này – PV). Chỉ là đã đến thời điểm chúng ta (Nga-PV) phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và thông thường của mình”.
 
“Kho vũ khí hạt nhân của Mỹ ở một khía cạnh nào đó còn non trẻ hơn của chúng ta , nhưng có thể cũng đã đến lúc họ phải nâng cấp chúng. Tôi chỉ hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân thủ những quy định của hiệp ước START mới”, ông nhấn mạnh thêm.

Trước đó, trong một bài viết đăng trên tờ Politico, hai nhà chính trị học người Mỹ là Graham Allison và Robert Blackwell đã đưa Nga vào danh sách 10 nguy cơ đối với Mỹ. Theo họ, “Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới đủ khả năng làm cho nước Mỹ biến mất khỏi bề mặt Trái Đất chỉ trong vòng 30 phút”.

Được biết, tổng số đầu đạn hạt nhân mà 2 nước sở hữu hiện nay nhỏ hơn nhiều so với những năm 1980 , khi mà chỉ riêng Liên bang Xô-viết đã sở hữu tới hơn 40.000 đầu đạn.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc