(VnMedia) - Nga hôm qua (28/10) đã thẳng thắn tuyên bố họ sẽ thừa nhận kết quả của các cuộc bầu cử sắp tới ở hai khu vực miền đông Ukraine là Donetsk và Luhansk. Tuyên bố này của Moscow đã vấp phải phản ứng tức giận của Washington, Liên minh Châu Âu và giới lãnh đạo thân phương Tây ở Kiev.
![]() |
Ngoại trưởng Lavrov |
Phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 27/10 đã nói rằng, các cuộc bầu cử của lực lượng ly khai vào ngày 2/11 tới nên “được tổ chức như đã thỏa thuận” và Nga sẽ “công nhận kết quả của các cuộc bầu cử đó”.
Phát biểu trên của ông Lavrov được xem là một trong những hành động rõ ràng nhất, công khai nhất của Moscow trong việc ủng hộ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine cho đến thời điểm này. Việc nhà ngoại giao hàng đầu của Nga thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc bầu cử vào cuối tuần này của lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk diễn ra trong bối cảnh có tin Liên minh Châu Âu (EU) quyết định tiếp tục duy trì các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Mỹ và các đồng minh EU áp đặt một loạt đòn trừng phạt lên Nga dựa trên cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Moscow bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này đứng đằng sau các cuộc giao tranh ở miền đông Ukraine khiến ít nhất 3.700 người thiệt mạng kể từ hồi tháng 4 đến giờ.
Sau khi Ngoại trưởng Nga thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật tuần này (2/11) của lực lượng ly khai ở hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhanh chóng lên tiếng phản ứng. Ông Kerry cho rằng, việc Moscow công nhận các cuộc bỏ phiếu của lực lượng ly khai là “sự vi phạm rõ ràng các cam kết của cả Nga và lực lượng ly khai” trong thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus hôm 5/9.
Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thì tuyên bố, các cuộc bầu cử ở miền đông nước này sẽ “đặt toàn bộ tiến trình hòa bình vào sự nguy hiểm”.
Cuộc tranh cãi mới giữa Nga với Kiev và phương Tây về cuộc bầu cử của lực lượng ly khai nổ ra khi tình trạng vi phạm lệnh ngừng bắn lại gia tăng ngay sau cuộc bầu cử quốc hội hồi cuối tuần trước. Đây là cuộc bầu cử mà phe thân phương Tây của Tổng thống Poroshenko giành chiến thắng áp đảo.
Giới chức lãnh đạo hàng đầu của Ukraine hôm qua đã có cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Mỹ James Inhofe. Ông này đang ở thăm Kiev và là một trong những chính khách hàng đầu của Mỹ ủng hộ cho việc cung cấp viện trợ quân sự cho chính quyền Ukraine. Theo lời ông Inhofe, ông này đã nhận được một danh sách những vũ khí mà Kiev cần từ Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak và sẽ đem về trình lên Ủy ban Vũ trang Thượng viện Mỹ.
"Tôi không muốn biết cụ thể về loại vũ khí” mà Ukraine muốn có, ông Poltorak cho biết tại cuộc họp báo đồng thời thể hiện sự tin tưởng chắc chắn rằng viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev có thể được thông qua trong 4 hoặc 5 ngày tới.
EU vẫn tiếp tục duy trì lệnh trừng phạt với Nga
Giới lãnh đạo Châu Âu hôm qua đã có cuộc họp ở Brussels, Bỉ và theo các nguồn tin báo chí, EU đã quyết định tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
"Các nước thành viên hoàn toàn thống nhất quan điểm. Chưa có diễn biến nào trên thực địa hay sự thay đổi thái độ nào của Nga để chúng tôi xem xét lại các biện pháp trừng phạt”, một nguồn tin ngoại giao từ EU đã tiết lộ như vậy.
Các biện pháp trừng phạt của EU cùng với đòn tương tự của Mỹ được đưa ra nhằm gây sức ép buộc Nga phải thay đổi lập trường đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Những biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của Nga và gây ra cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, điều đó chẳng thể làm thay đổi quan điểm, lập trường của Moscow.
Trong khi đó, EU cũng đang phải hứng chịu tác động tiêu cực không kém gì Nga từ chính các đòn trừng phạt mà liên minh này tung ra.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Nga và Ukraine hôm nay (29/10) sẽ nối lại các cuộc đàm phán nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí đốt đang rất căng thẳng giữa hai nước và có nguy cơ gây ảnh hưởng đau đớn cho toàn bộ Châu Âu.
Trong bối cảnh cả Kiev và Moscow đều không ai chịu nhượng bộ, người ta lo ngại hai bên sẽ chẳng ký nổi một thỏa thuận dù nhiệt độ ở Kiev đã xuống dưới âm độ.
Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom đã cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine từ hồi tháng 6, sau khi Kiev lần lượt bỏ qua hết hạn định này đến hạn định khác trong việc trả nợ các hóa đơn tiền khí đốt từ năm ngoái cho Nga với giá trị lên tới 5,1 tỉ USD.
Trong những tháng qua, việc cắt đứt nguồn cung cấp này không ảnh hưởng mấy đến Ukraine. Tuy nhiên, áp lực đòi Kiev phải tìm kiếm được một thỏa thuận với Moscow đang tăng lên khi nhu cầu khí đốt leo lên mức đỉnh điểm trong mùa đông giá lạnh ở Ukraine. Áp lực này cũng tăng lên dưới sức ép của Liên minh Châu Âu khi EU thực sự lo ngại viễn cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ khiến họ phải trải qua một mùa đông băng giá đáng sợ như kịch bản từng xảy ra năm 2008. Ngoài ra, Cao ủy Năng lượng Châu Âu Guenther Oettinger cũng mong muốn Kiev và Moscow ký được một thỏa thuận khí đốt trước khi ông rời nhiệm sở vào cuối tuần này.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc