Mỹ lần đầu tung "sát thủ" Apache xuống đầu IS

15:00, 07/10/2014
|

(VnMedia) - Quân đội Mỹ đã đưa trực thăng vũ trang Apache vào cuộc chiến chống nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, sau khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ từ quân đội Chính phủ Iraq.
 
Được, mất khi triển khai “Cơn ác mộng của mặt đất”
 
Nguồn tin từ Washington cho hay, trong hai ngày 5 và 6/10, quân đội Mỹ đã triển khai trực thăng vũ trang Apache còn được biết tới với cái tên "cơn ác mộng của mặt đất" tấn công vào các địa điểm tình nghi của nhóm IS gần thành phố Fallujah.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa
Trực thăng Apache và kho vũ khí khủng mà nó có thể mang theo khi làm nhiệm vụ


Người phát ngôn của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ - Curtis Kellogg đã xác nhận thông tin này. “Chính phủ Iraq đã đề nghị hỗ trợ để đẩy lùi nhóm IS gần thành phố Fallujah. Đó là lý do quân đội Mỹ quyết định triển khai trực thăng vũ trang Apache để phối hợp tấn công nhóm khủng bố này”.
 
Việc Mỹ phải triển khai thêm trực thăng Apache tại Iraq khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các đợt không kích rầm rộ trước đó của quân đội Mỹ. Ngoài ra, cũng có không ít quan ngại về khả năng trực thăng Apache với trần bay thấp và tốc độ bay không cao có thể dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của IS.
 
Christopher Harmer, cựu phi công của quân đội Mỹ và hiện là chuyên gia phân tích của Viện nghiên cứu chiến tranh, e ngại Mỹ sẽ phải hứng chịu nhiều rủi ro khi đưa trực thăng Apache vào chiến đấu tại Iraq.
 
Theo ông Harmer, trực thăng vũ trang rõ ràng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều trong việc hỗ trợ bộ binh mà ở đây là quân đội Chính phủ Iraq khi chiến đấu với IS. Với hỏa lực mạnh cùng với trần bay thấp, trực thăng Apache có thể dễ dàng nhận diện mục tiêu và tiêu diệt trong chớp mắt. Tuy nhiên, mặt khác Mỹ cũng phải đối mặt với hiểm nguy với loại máy bay này.
 

Trực thăng Apache là vũ khí tấn công chiến lược của quân đội Mỹ. Ngoài khả năng cơ động có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, Apache mang theo mình một khối lượng lớn vũ khí sát thương như tên lửa Hellfire chuyên diệt xe tăng và phá hủy boongke. Ngoài ra Apache còn được trang bị hỏa tiễn cỡ nhỏ, súng máy và hệ thống cảm biến và radar đặc biệt có thể nhận diện rõ nét các mục tiêu cần tiêu diệt.

“Với các loại máy bay chiến đấu hiện đại bay ở độ cao trung bình 9.000m hoàn toàn nằm ngoài khả năng tấn công của IS nhưng với các loại trực thăng vũ trang lại hoàn toàn khác. Ví dụ như loại trực thăng Apache bay khá chậm và ở độ cao khoảng 50m so với mặt đất, chúng có thể dễ dàng trở thành mục tiêu tấn công của các loại vũ khí thông thường như súng máy hạng nặng, súng phóng lựu…Chính vì vậy, quân đội Mỹ sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro”, ông Harmer nhận định.
 
Trước khi mở cuộc tấn công IS tại Iraq, Tổng thống Obama vẫn bảo lưu quan điểm sẽ không đưa bộ binh trở lại quốc gia này để tránh xảy ra tổn thất về người. Tuy nhiên, khi trực thăng Apache được tham chiến, khả năng xảy ra thương vong là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, cũng có không ít lo ngại Mỹ đã buộc phải dần dần mở rộng quy mô của cuộc chiến chống IS.
 
Trong khi đó, người phát ngôn của Lầu Năm Góc - ông Harmer đã trấn an dư luận khi cho rằng, các quan chức quân đội Mỹ đã cân nhắc kỹ lưỡng tới chuyện được, mất trước khi tung trực thăng Apache vào cuộc chiến với IS.
 
Mỹ đã chi ra hơn 1 tỉ USD cho cuộc chiến chống IS
 
Theo thông báo của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ, số tiền quân đội nước này chi cho các hoạt động quân sự chống IS tại Iraq và Syria kể từ giữa tháng 6 tới nay đã lên tới 1,1 tỉ USD.

 Ảnh minh họa

 Mỹ đang tăng dần các đợt không kích IS


Nguồn tin trên cũng cho biết, chỉ tính riêng các đợt tấn công của hải quân Mỹ đã ngốn tới 62 triệu USD. Trong số 185 tên lửa sử dụng được ghi nhận, có tới 47 tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ các tàu chiến Mỹ tại vùng Vịnh nhắm vào nhóm Khorasan, một nhánh của tổ chức khủng bố Al Qaeda tại thành phố Aleppo, phía tây Syria.
 
Lầu Năm Góc hiện đang thực sự gặp khó khăn trong việc duy trì kinh phí cho các đợt tấn công đang ngày có chiều hướng gia tăng chống IS nhưng chưa đem lại kết quả cụ thể và ấn tượng như dự kiến. Dự kiến quân đội Mỹ phải chi ra số tiền từ 7 triệu tới 10 triệu USD/ngày trong chiến dịch này.
 
Mức chi phí ban đầu hồi tháng 6 cho chiến dịch tiễu trừ IS khá thấp nhưng đã tăng vọt kể từ khi Mỹ quyết định tiến hành không kích nhóm khủng bố này tại Iraq và sau đó mở rộng sang Syria.
 
Tính tới nay, Mỹ và liên quân đã thực hiện 290 đợt không kích tại Iraq và Syria, trong đó riêng không quân Mỹ đảm trách 265 đợt.
 
Đó là chưa kể tới việc Mỹ duy trì khoảng 60 chuyến bay do thám/ ngày qua các địa điểm nghi là nơi ẩn náu của IS tại Iraq và Syria. Bên cạnh đó, quốc gia này còn chi ra số tiền không nhỏ để duy trì 1.600 binh sỹ đồn trú tại Iraq.


Minh Quang - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc