Mỹ đánh thẳng vào đầu não IS

07:40, 30/10/2014
|

(VnMedia) - Liên minh do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành những cuộc oanh kích dữ dội và liên tiếp, nhằm vào trụ sở cơ quan đầu não của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở thành phố Raqqa của Syria. Trong khi đó, Australia đang đi xác minh thông tin về việc một nhân vật cấp cao hàng đầu của IS bị tiêu diệt.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Phi đội máy bay chiến đấu của liên minh đã oanh tạc các khu vực gần trung tâm văn hóa gần Maadan. Đây là nơi nhóm IS chiếm đóng và biến thành trụ sở chỉ huy của chúng”, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh hôm qua (29/10) cho biết.
 
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, người ta đã nghe thấy 8 vụ nổ váng trời ở gần Raqqa và các khu vực lân cận xung quanh khi liên minh chống IS do siêu cường Mỹ dẫn đầu phát động các đợt không kích dồn dập nhằm vào “những tòa nhà  an ninh chính trị gần cây cầu cũ ở cửa ngõ phía nam của Raqqa và các khu vực xung quanh thành phố”. Chưa có báo cáo gì về tình hình thương vong trong đợt tấn công mới nhất nói trên, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho hay.
 
Trong khi đó, theo Bộ Chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM), các lực lượng  Mỹ và đồng minh ở Syria hôm qua (29/10) đã tiến hành 8 đợt không kích vào khu vực gần thành phố biên giới chiến lược của Syria là Kobani, phá hủy một đơn vị chiến binh nhỏ của IS, “một cơ sở chỉ huy”, các tòa nhà, phương tiện và cứ điểmchiến đấu của IS.
 
Ở Iraq, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu đã phát động 8 đợt oanh kích, 3 ở gần Fallujah và 3 ở gần Sinjar, phá hủy nhiều đơn vị chiến binh và hai phương tiện của nhóm IS, tuyên bố của CENTCOM cho hay.
 
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), trước đây còn được gọi là Nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) là một nhóm chiến binh Hồi giáo người Sunni. Ban đầu, IS chiến đấu chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Từ tháng 6 năm nay, nhóm này bất ngờ mở rộng các cuộc tấn công vào phía bắc và tây Iraq. Với đà tấn công mạnh mẽ gây kinh ngạc, nhóm khủng bố IS đã chiếm được một loạt khu vực lãnh thổ rộng lớn ở Iraq giáp biên giới với Syria. IS còn đang nhăm nhe tiến thẳng về thủ đô Baghdad. Sau khi chiếm đóng thành công những khu vực rộng lớn ở cả Iraq và Syria (1/3 lãnh thổ Syria và 1/3 lãnh thổ Iraq), nhóm IS đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo trên những khu vực mà chúng kiểm soát được.
 
IS reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới về sự tinh vi cũng như tàn bạo của chúng. IS đã gây ra hàng loạt vụ thảm sát, hành quyết dân thường kinh hoàng. Nhóm khủng bố này còn liên tục dùng những vụ chặt đầu ghê rợn để phát đi thông điệp cảnh báo ớn lạnh cho các cường quốc phương Tây. Mỹ, Anh và Pháp đều nhận được những thông điệp khủng khiếp như vậy rồi.
 
Trước sự nổi lên đặc biệt nguy hiểm của IS, Mỹ cùng một loạt nước đồng minh bắt đầu thiết lập một liên minh chống IS. Liên minh này hiện đang quy tụ được hàng chục nước. Liên minh chống IS phát động những cuộc không kích liên tiếp, mạnh mẽ vào các mục tiêu của IS kể từ tháng 8 đến giờ. Vào tháng 9, liên minh chống IS bắt đầu tấn công vào các mục tiêu của nhóm khủng bố này ở Syria.
 
Australia xác minh thông tin về cái chết của nhân vật hàng đầu IS
 
Trong một diễn biến khác, Canberra đang đi xác minh thông tin về việc một nhân vật cấp cao hàng đầu của IS và là công dân Australia đã bị tiêu diệt, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop hôm qua cho biết khi Thượng viện Australia thông qua một dự luật mới về chiến binh nước ngoài hà khắc hơn.
 
Tập đoàn Phát thanh Australia cho biết, Mohammad Ali Baryalei – người gốc Afghanistan, từng là một bảo vệ ở câu lạc bộ đêm và là một diễn viên triển vọng, được tin là đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh gần đây.
 
Baryalei bị cáo buộc đã ra lệnh tiến hành các cuộc “giết chóc trong biểu tình” ở Australia, trong đó có việc chặt đầu một công dân ngẫu nhiên. “Chúng tôi hiện đang tìm cách xác minh thông tin vì thế tôi chưa thể xác nhận bất kỳ điều gì vào thời điểm này", Ngoại trưởng Bishop cho biết ở thủ đô Canberra.
 
"Vụ việc trên nhấn mạnh đến điều mà chính phủ đã từng nói trước đây, đó là những người Australia rời đất nước sang tham chiến ở Iraq và Syria đang tự đặt mình vào sự nguy hiểm đến tính mạng”, bà Bishop đã nói như vậy.
 
"Họ đối diện với nguy cơ lớn về việc bị tiêu diệt. Họ đang vi phạm luật Australia. Họ đang gây thêm nỗi đau cho nhân dân Iraq và Syria. Họ có thể trở thành những kẻ khủng bố chuyên nghiệp", Ngoại trưởng Australia cho hay.
 
Bà Bishop cho biết, chính phủ đang kêu gọi những người Australia trẻ tuổi đừng tự biến mình thành những kẻ cực đoan. Nữ Ngoại trưởng Australia đã lên tiếng bảo vệ cho dự luật chiến binh nước ngoài mới được đưa ra nhằm ngăn các công dân của Australia ra nước ngoài tham gia vào các cuộc xung đột.
 
"Chúng ta cần phải bảo đảm rằng, các cơ quan an ninh và tình báo của mình có đầy đủ sức mạnh chúng ta cần để đảm bảo người Australia không tham gia vào cuộc xung đột tàn bạo đó... nhưng nếu họ làm thế, họ có thể bị bắt, bị truy tố và tống vào tù”, bà Bishop nói thêm.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc