Kiev thêm sức mạnh, Donetsk tổn thất nặng nề

17:38, 09/10/2014
|

(VnMedia) - Tại một cuộc gặp diễn ra hôm qua (8/10), Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin và tân Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận các vấn đề ưu tiên chủ chốt về một sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa hai bên. Thông tin trên vừa được Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra cùng ngày.
 
“Trong cuộc gặp này, các bên đã nhất trí thời gian tổ chức các cuộc đối thoại chính trị và các ưu tiên chính về mối quan hệ hợp tác thực tiễn vào quý 4 của năm 2014 cũng như các quy định trong Chương trình Quốc gia Thường niên về hợp tác NATO-Ukraine đến năm 2015”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai bên cũng thảo luận về một số dự án nhằm thúc đẩy năng lực của lực lượng vũ trang Ukraine, trong đó có quỹ tin cậy NATO dành cho Ukraine để cải thiện sức mạnh quân sự của nước này.
 
Ukraine hiện đang mong muốn và đang nỗ lực để được trở thành thành viên của NATO. Thủ tướng Ukraine – ông Arseniy Yatsenyuk cho biết, mục tiêu của họ là “sẽ có quan hệ pháp lý đặc biệt với NATO”.
 
Trước đó, hồi đầu tháng 9 vừa qua, NATO cũng vừa nhất trí hỗ trợ Ukraine hiện đại hóa lực lượng quân đội nước này thông qua khoản viện trợ quân sự trị giá 15 triệu euro (tương đương 19,4 triệu USD).
 
Bên cạnh đó, sau cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Washington hôm 8/10,  Ngoại trưởng Anh quốc Philip Hammond cho biết, Mỹ và Anh Quốc đã thảo luận các biện pháp tiếp tục hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poronshenko.
 
“Chúng tôi đã có một khoảng thời gian thảo luận các biện pháp mà theo đó Mỹ và Anh có thể sẽ hợp tác với các đối tác khác, đặc biệt là ở Liên minh châu Âu để tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Poroshenko”, ông Hammond nói.
 
Ông Hammond nói thêm rằng: “Tổng thống Ukraine Poroshenko sẽ vẫn cần sự hỗ trợ quốc tế để đảm bảo sự ổn định trong nước cũng như đảm bảo rằng Ukraine có khả năng tự quyết về tương lai của chính mình”.
 
Theo đó, Mỹ và Anh đang nỗ lực hỗ trợ nhằm giúp Ukraine bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như tiến hành những cuộc cải cách dân chủ.
 
Cùng với đó, Ngoại trưởng hai nước Mỹ và Anh cũng kêu gọi Nga ngừng việc cung cấp khí tài quân sự cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
 
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi Nga nên dừng việc hỗ trợ vật chất cho lực lượng ly khai và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hòa bình Minsk được các bên thống nhất hồi tháng 9/2014.
 
Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói: “Hành động của Nga trong những tháng gần đây là trái với các nguyên tắc cơ bản nhất của hệ thống quốc tế. Người dân Ukraine có quyền xác định chủ quyền, biên giới cũng như tương lai của quốc gia họ”.
 
Cho đến gần đây, Moscow luôn luôn phủ nhận các cáo buộc của Kiev và phương Tây về sự hiện diện của lính Nga tại Ukraine, cũng như việc cung cấp khí tài quân sự cho lực lượng ly khai miền Đông Ukraine.
 
Tổn thất chiến tranh của Donetsk lên tới 1 tỷ USD
 
Theo nhà lãnh đạo của Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (DPR), thiệt hại gây ra bởi sự tàn phá do chiến dịch quân sự mà Kiev thực hiện ở riêng Donetsk được ước định ít nhất 1 tỷ USD đối với riêng khu vực này.
 
Thủ tướng DPR Alexander Zakharchenko cho biết trong một cuộc họp báo ở Donetsk rằng: "Vẫn còn quá sớm để có thể có một thống kê tổn thất cho địa phương, mọi con số chỉ là ước đoán, nhưng tôi có thể dám chắc không thể dưới 1 tỷ USD".
 
Trước đó, Phó Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman cũng nhận định là chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine đã phá hủy gần hết cơ sở hạ tầng trong vùng. Theo con số của chính quyền Kiev, ngân sách có thể phải chi tới 911 triệu USD để khôi phục thiệt hại khi hòa bình được lập lại. 
 
Trước đó, hồi giữa tháng 9, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine (NSDC) cũng đã từng đưa ra một con số ước tính về thiệt hại mà nước này phải hứng chịu từ cuộc xung đột ở miền đông, đó là vào khoảng 2,3 tỷ USD.
 
“Thiệt hại trực tiếp về mặt kinh tế gây nên bởi tình hình chính trị-xã hội ngày một xấu đi và một cuộc xung đột vũ trang ở miền đông đất nước được ước tính vào khoảng hơn 2,3 tỷ USD”, trung tâm phân tích của NSDC thông báo trong báo cáo của mình.
 
Được biết, tổn thất trên không bao gồm khoản chi cho công tác phục hồi và sửa chữa sân bay ở Donetsk và Lugansk cũng như các cơ sở khai thác than. 

Trong khi đó, theo Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), chiến sự tại miền đông - nam Ukraine trong 5 tháng qua đã khiến 4.500 tòa nhà cùng hơn 4.700 cơ sở hạ tầng cung cấp nước ngọt, năng lượng đã bị phá hủy, chủ yếu tập trung ở vùng Donbass. 40.000 cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ và vừa tại đây đã buộc phải đóng cửa.

Thứ trưởng Bộ Thương mại và Phát triển kinh tế Ukraine Roman Kachur hôm 7/10 tuyên bố, hiện chỉ có 20% cơ sở công nghiệp ở miền đông-nam Ukraine còn hoạt động. Kinh tế Ukraine sụt giảm 4,6% trong quý 1 và quý 2 năm nay và “đà suy giảm này sẽ còn tiếp diễn đến hết năm, do sản xuất và nhu cầu tiêu dùng giảm”. 

Không chỉ có vậy, chiến dịch quân sự do Kiev phát động ở miền đông với mục tiêu "chống khủng bố" còn làm hơn 3.600 người thiệt mạng, khoảng 8.500 người bị thương. Ngoài thiệt hại về hạ tầng, miền đông nam Ukraine còn hứng chịu nhiều thảm họa nhân đạo.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc