EU “vỡ trận” tan tác trước Nga

08:17, 09/10/2014
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) có thể sốc khi nghe tuyên bố của Thủ tướng Czech về việc họ có thể là nước đầu tiên sửa đổi chính sách trừng phạt đối với Nga. Pháp cũng đang mong ngóng dỡ bỏ lệnh ngừng phạt nhằm vào Nga. Trong khi đó, Italia tin rằng EU cần phải đánh giá lại quan hệ với Nga. Những diễn biến trên cho thấy, EU đã hoàn toàn vỡ trận, không thể lập được một khối đoàn kết để chống lại Nga như điều liên minh này muốn. Trên thực tế, ngay từ khi ấp ủ kế hoạch trừng phạt Nga, nội bộ liên minh Châu Âu đã có những chia rẽ, mâu thuẫn.
 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Czech


Phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Mlada fronta Dnes ngày hôm qua (8/10), Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka đã nói rằng, Liên minh Châu Âu nên xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với Nga nếu nước này đàm phán thành công với Ukraine về vấn đề cung cấp khí đốt tự nhiên.
 
"Theo ý kiến của tôi, đó là điều hoàn toàn hợp pháp – nếu Nga tiếp tục thể hiện thiện chí và căng thẳng ở Ukraine đã lắng dịu cùng với việc cả hai bên đều thực hiện lời cam kết, thì Liên minh Châu Âu nên xem xét dỡ bỏ hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt", Thủ tướng Bohuslav Sobotka đã phát biểu như vậy.
 
Theo Nhà lãnh đạo Czech, việc khởi động hoạt động cung cấp khí đốt trở lại cho Ukraine của Nga trước mùa đông là một phần vô cùng quan trọng trong kế hoạch. "Nga cũng có thể thể hiện thiện chí trong việc xử lý vấn đề. Và nếu điều đó xảy ra, đây có thể là một cơ hội tốt cho việc thể hiện một cử chỉ thiện chí nào đó từ phía EU", Thủ tướng Czech nhấn mạnh.
 
Ông Sobotka cũng chẳng ngần ngại tuyên bố, nước Cộng hòa Czech có thể là quốc gia tiên phong trong việc điều chỉnh lại chính sách của EU đối với Nga.
 
Trước đó, Pháp cũng thể hiện mong muốn sớm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Đại sứ Pháp tại Nga – ông Jean-Maurice Ripert hôm 6/10 đã nói với cánh báo chí rằng, Paris đang hy vọng các biện pháp trừng phạt được áp đặt với Nga sẽ nhanh chóng được dỡ bỏ.
 
"Những biện pháp trừng phạt không phải để kéo dài. Chúng nên được dừng lại. Có những giải pháp hòa bình mà chúng tôi đang thực hiện”, vị Đại sứ Pháp nhấn mạnh. Ông Ripert cũng cho biết, Pháp hy vọng “sẽ thoát khỏi vòng xoáy trừng phạt trong tương lai rất gần” để quan hệ đối tác với Nga sẽ không bị giới hạn ở bất kỳ khía cạnh nào.
 
Không chỉ Czech và Pháp, Italia mới đây cũng lên tiếng kêu gọi đánh giá lại quan hệ với Nga. Phát biểu tại một phiên điều trần ở Quốc hội Châu Âu, Ngoại trưởng Italia Federica Mogherini cho rằng, Liên minh Châu Âu cần xem xét, đánh giá lại quan hệ với Nga.
 
"Chúng ta cần đánh giá lại quan hệ với Nga, có thể chưa phải là một đối tác ngay lúc này nhưng là một quốc gia chiến lược và là một nước láng giềng", bà Mogherini đã phát biểu như vậy.
 
Những lời kêu gọi, thúc giục trên của một loạt lãnh đạo các nước thành viên EU đã một lần nữa phơi bày mâu thuẫn nội bộ trong liên minh này trong chính sách đối với Nga – một nước có vai trò quan trọng đối với Châu Âu.
 
Việc Czech tuyên bố có thể là nước đầu tiên “phá” đòn trừng phạt Nga của EU cũng là dấu hiệu cho thấy khả năng EU sắp “vỡ trận” trước Nga. Vì sao lại xảy ra chuyện này?
 
Vì sao EU “vỡ trận” nhanh chóng trước Nga?
 
Câu trả lời này thật ra không khó trả lời. Các nước EU thực sự đang “ngấm đòn đau” từ việc họ tung đòn trừng phạt Nga cũng như từ đòn “phản công” của Nga. Nhiều nền kinh tế EU đang thực sự lao đao. Đây là thực tế đáng lo ngại trong bối cảnh nền kinh tế Châu Âu vốn đang còn phải chật vật vượt qua giai đoạn trì trệ đầy khó khăn. Vì thế, nhiều nước EU chưa bao giờ lại mong muốn dỡ bỏ lệnh ngừng phạt Nga như thời điểm hiện tại, sau khi đã thực sự ngấm đòn “gậy ông đập lưng ông” như lời cảnh báo trước đây Moscow.
 
Hầu như tất cả các nước EU lớn nhỏ đều đang bị ảnh hưởng bởi biện pháp trừng phạt Nga và đòn đáp trả của Nga, chỉ là ở mức độ ít hay nhiều.
 
Điều đáng nói là nhiều nước EU cũng không khỏi cảm thấy “hối hận” và “tức giận” khi họ đang bị ảnh hưởng nặng nề từ việc phải trừng phạt Nga trong khi Mỹ - nước “chủ trò” lại dường như “bình yên vô sự”.
 
Chính vì lý do trên, các nước bắt đầu đồng loạt lên tiếng kêu gọi EU ngừng trừng phạt Nga. Nga vốn là nước có mối quan hệ kinh tế, thương mại gắn bó chặt chẽ với các nước thành viên EU. Chưa hết, EU còn là nhà cung cấp năng lượng chính cho Châu Âu. “Đánh” Nga chẳng khác nào “đánh” vào chính EU. Tuy nhiên, dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ, EU đã buộc phải tung đòn với Nga. Chính Phó Tổng thống Mỹ Biden mới đây đã thừa nhận việc họ ép phương Tây trừng phạt Nga.
 
Tuy nhiên, càng về sau, các biện pháp trừng phạt “càng ngấm sâu” vào nền kinh tế các nước thành viên EU và cả Nga, thì Châu Âu mới bắt đầu lo ngại, cuống cuồng tìm lối thoát. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề hơn đương nhiên sẽ phải tìm cách “chạy trước”.

Bản thân Cộng hòa Czech từ trước đến nay đã  không mặn mà mấy với việc trừng phạt Nga, thậm chí còn phản đối kịch liệt. Hồi tháng 8, Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka cũng từng bày tỏ sự bất mãn về chính sách trừng phạt Nga. "Cả EU và Nga đều chẳng được lợi gì khi bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại kéo dài”, ông Sobotka nói.
 
Ông Matteo Salvini – Lãnh đạo Đảng Liên đoàn Phía Bắc của Italia còn tỏ ra gay gắt hơn khi nói: “Chỉ có những kẻ ngốc như Brussels và Rome mới có thể quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Điều đó gây ra hậu quả là hàng tấn hàng nông sản trị giá 1 tỉ euro của Italia đang bị gửi trở lại”, ông Salvini đã viết như vậy trên trang Facebook. “Ai sẽ trả tiền cho những người nông dân của chúng ta? Renzi? Merkel?”
 
Pháp muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Nga vì không muốn mất hợp đồng vũ khí “khủng” cũng như không phải trả khoản bồi thường “khủng”, chưa kể những ảnh hưởng về kinh tế, xã hội và cả uy tín của ngành vũ khí Pháp.
 
Hàng triệu triệu người nông dân Châu Âu đang lao đao vì đòn trả đũa của Nga cũng đang gây sức ép nên giới lãnh đạo của họ, khiến các vị quan chức EU thực sự rơi vào tình thế hoang mang, lo ngại. Với diễn biến này, khả năng EU “vỡ trận” trước Nga là điều chắc chắn. Chỉ có điều, EU sẽ phải tìm cách tìm ra được một lối thoát giúp “cứu vãn thể diện” cho họ.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc