Cố “cứu” Ukraine, phương Tây dồn ép Nga

06:30, 07/10/2014
|

(VnMedia) - Phương Tây được cho là lại đang tiếp tục quay sang gây sức ép lên Nga sau khi lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine đứng trước nguy cơ đổ vỡ vì một loạt các cuộc giao tranh đẫm máu rộ lên trong những ngày gần đây.
 

Ảnh minh họa

 Phó Tổng thống Mỹ Biden


Ít nhất 75 binh lính và dân thường Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi lệnh ngừng bắn được áp dụng từ hôm 5/9. Liên tục trong những ngày vừa qua, cả quân Kiev và lực lượng ly khai đều thông báo về tình trạng thương vong gây ra từ những cuộc tấn công lẫn nhau ở miền đông Ukraine, đặc biệt là ở thành phố Donetsk. Điều đáng nói là nhiều dân thường đã thiệt mạng và tài sản của họ bị phá huỷ.
 
Tình trạng bạo lực leo thang diễn ra sau khi mà quân Kiev và lực lượng ly khai đã ký thêm bản ghi nhớ hoà bình hôm 19/9 để củng cố cho lệnh ngừng bắn. Theo bản ghi nhớ đó, Kiev và lực lượng ly khai phải rút quân, rút vũ khí hạng nặng để thành lập một vùng đệm rộng 30km.
 
Tuy nhiên, các cuộc giao tranh đang bùng phát trở lại và vì thế, cả hai bên dường như đều không chịu rút quân cũng như vũ khí.
 
Quân Kiev với số lượng đông đảo vẫn bám chặt lại tại khu vực trung tâm giao thông ở miền đông – nơi từng là một trong những vùng công nghiệp sầm uất nhất Ukraine. Tuy nhiên, binh lính Ukraine đang ở trong tình thế tuyệt vọng bởi họ liên tiếp bị lực lượng ly khai tấn công.
 
Trước nguy cơ lệnh ngừng bắn lại một lần nữa “chết yểu”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhanh chóng khẩn cấp lên tiếng kêu gọi điện Kremlin kiềm chế lực lượng ly khai đồng thời kêu gọi Nga rút các đơn vị quân đội ra khỏi sườn phía đông của Ukraine. Phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc Nga dồn quân về biên giới với Ukraine.
 
"Nga cần phải dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu lực lượng ly khai ngừng các cuộc tấn công ngay lập tức cũng như ngăn chặn nguồn vũ khí, thiết bị và chiến binh xâm nhập vào Ukraine," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki đã nói như vậy.
 
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình hiện nay ở miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, Nga sẽ không vì sức ép của Mỹ và phương Tây mà bị khuất phục. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin vẫn kiên quyết giữ nguyên lập trường của họ trong vấn đề Ukraine. Moscow kịch liệt phản đối việc chính quyền Kiev phát động chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine. Nga nhiều lần kêu gọi phương Tây ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào dân thường miền đông của lực lượng an ninh Kiev. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, quân đội Ukraine tuân thủ lệnh ngừng bắn và lực lượng ly khai đang vi phạm lệnh này.
 
Trên thực tế, tình hình ở miền đông hiện nay cho thấy, cả quân Kiev và lực lượng ly khai đều đang vi phạm lện ngừng bắn dù họ liên tiếp đổ lỗi cho nhau.
 
Mỹ thừa nhận ép EU trừng phạt Nga
 
Trong một diễn biến khác có liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã tiết lộ trong một bài phát biểu tại trường Đại học Harvard rằng, giới lãnh đạo Mỹ đã phải gây khó dễ với Châu Âu để buộc họ tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) phản đối điều này.
 
“Chúng tôi đã đưa cho ông Putin một sự lựa chọn đơn giản: Tôn trọng chủ quyền của Ukraine hay đối mặt với hậu quả ngày một tăng lên”, Phó Tổng thống Biden đã nói như vậy tại Viện Chính trị thuộc trường Đại học Harvard danh tiếng hồi cuối tuần trước.
 
Hậu quả mà giới chức Mỹ cảnh báo chính là những biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga, đầu tiên là nhằm vào cá nhân các chính khách và doanh nhận được cho là chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sau đó là chuyển sang những ngành then chốt trong nền kinh tế Nga gồm năng lượng, quốc phòng và tài chính.
 
“Sự thực thì Châu Âu không hề muốn làm điều đó”, ông Biden thừa nhận. “Chính giới lãnh đạo Mỹ và Tổng thống Mỹ đã yêu cầu,và gần như phải liên tiếp gây khó dễ, ép buộc Châu Âu phải áp dụng các biện pháp kinh tế để khiến Nga phải trả giá”, Phó Tổng thống Biden tiết lộ.
 
Những đòn trừng phạt của phương Tây khiến đồng rúp của Nga sụt giảm ở mức kỷ lục. Ngoài ra, “đòn đánh” đó không chỉ buộc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ phải rút lui khỏi thềm lục địa Bắc Cực của Nga mà còn khiến Moscow tung ra biện pháp trả đũa. Moscow đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu rau quả và nông sản từ các nước đang trừng phạt Nga.
 
Đòn trả đũa của Nga đã khiến nhiều thành viên của EU phải chao đảo bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người nông dân Châu Âu. Nhiều thành viên EU, đặc biệt là những nước sát gần Nga, bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi mất đi thị trường rộng lớn và tiềm năng như Nga.
 
Ví dụ, Hà Lan – nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới, được cho là sẽ mất khoảng 300 triệu eurro mỗi năm vì lệnh cấm của Nga bởi xuất khẩu của Hà Lan sang Nga chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu nông sản của nước này. Ba Lan cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đòn trả đũa của Moscow bởi xuất khẩu thực phẩm của Ba Lan sang Nga năm 2013 đạt mức 1,5 tỉ USD.
 
Tây Ban Nha cũng mất khoảng 337 triệu euro vì mất thị trường Nga trong khi Italia mất tới gần 1 tỉ eurro.
 
Dưới áp lực của những người nông dân, Châu Âu đang phải tìm cách cứu giúp hàng triệu người bị ảnh hưởng từ biện pháp trả đũa của Moscow.
 
Nói về việc trên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hồi cuối tuần trước vừa phát biểu: “Thực hiện các biện pháp trừng phạt không phải là điều dễ dàng và nhiều nước đang phải trả giá đắt. Chúng tôi biết điều đó. Nhưng lịch sử cho thấy, cái giá của việc không hành động, thiếu đoàn kết khi đối mặt với một kẻ xâm lược mạnh mẽ còn lớn hơn nhiều”. Mỹ và phương Tây thường cáo buộc Nga xâm lược Ukraine dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào chứng tỏ cho điều đó.
 
Tuy nhiên, những phát biểu trên của giới chức Mỹ sẽ khó mà thuyết phục được người dân Châu Âu khi mà bản thân Mỹ chẳng phải chịu mấy ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt Nga hay đòn trả đũa từ Nga. Mối quan hệ Nga-Mỹ không gắn bó, phụ thuộc lẫn nhau như mối quan hệ giữa Nga-EU. Chính vì thế, trong khi Mỹ chẳng bị hề hấn gì thì EU đang thực sự “ngấm đòn đau” từ chính những đòn trừng phạt mà họ áp dụng đối với Nga và cả từ đòn trả đũa của Moscow. Ảnh hưởng này còn nặng nề hơn trong bối cảnh nền kinh tế Châu Âu vốn đang trải qua thời kỳ trì trệ và rất cần một sự hồi phục.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc