(VnMedia) - Báo chí Trung Quốc đã ca ngợi Chủ tịch trẻ Kim Jong Un về việc đã giữ cho đất nước Triều Tiên “ổn định” trong suốt thời kỳ ông này vắng mặt đầy bí ẩn.
![]() |
Chủ tịch Kim Jong Un trong lần xuất hiện mới nhất hôm 14/10 vừa rồi |
Theo hãng thông tấn chính thức KCNA của Triều Tiên, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm 14/10 đã lần đầu tiên xuất hiệu trở lại sau khi biến mất một cách đầy kỳ bí suốt từ hôm 3/9. Ngay khi tái xuất, ông Kim Jong Un được cho là đã “trực tiếp chỉ đạo ngay tại thực địa” ở một quận dân cư được xây dựng mới dành riêng cho các nhà khoa học Triều Tiên tham gia chương trình vệ tinh của nước này.
Sự vắng mặt bí ẩn suốt 40 ngày của Nhà lãnh đạo Triều Tiên 32 tuổi đã gây ra một cơn sốt những tin đồn đoán về sức khoẻ cũng như quyền lực của ông này.
Tờ Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, hôm qua (15/10) đã đăng tải một bài viết về sự kiện ông Kim Jong Un biến mất trong thời gian hơn một tháng.
Bài báo của Tân Hoa xã nhấn mạnh rằng, trong suốt thời kỳ vắng bóng Chủ tịch Kim Jong Un, Triều Tiên vẫn tiếp tục “tổ chức các sự kiện quan trọng của đất nước” trong đó có lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10/10 vừa rồi, và ngày Quốc khánh Triều Tiên hôm 9/9.
Nêu bật lên “những hoạt động mới trong nền ngoại giao của Triều Tiên”, bài báo của Tân Hoa xã nói rằng, Triều Tiên tiếp tục “tiến lên mọi hướng” bằng cách cử các đoàn cấp cao đến Châu Âu, Mông Cổ, Nga và Hàn Quốc.
Một bài bình luận khác trên tờ Tân Hoa xã đã miêu tả một loạt sự kiện trong nước cùng các hoạt động ngoại giao Triều Tiên trong thời kỳ ông Kim Jong Un vắng mặt là “một ván cờ do ông này bày ra”.
"Trong 40 ngày đó, các cơ quan chính trị và ngoại giao của Triều Tiên vẫn tiến hành theo kế hoạch của ông ấy. Điều này cho thấy Triều Tiên đang chủ động vươn ra để phá vỡ thế bế tắc trong các mối quan hệ nước ngoài và chiến lược này đang nở hoa ở khắp mọi nơi”, bài bình luận trên báo Trung Quốc đã viết như vậy.
"Tất cả những diễn biến trên là một phần trong ván cờ mà ông Kim Jong Un sắp xếp ra khi ông này đang trong thời kỳ hồi phục sức khoẻ. Trong 40 ngày đó, nền chính trị và ngoại giao Triều Tiên vẫn ổn định và cởi mở", tờ Tân Hoa xã nhận xét.
Giới phân tích trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đều tin rằng, sự xuất hiện trở lại của Chủ tịch trẻ Kim Jong Un cho thấy, quyền lực của ông này “vẫn không hề bị ảnh hưởng”.
Ông Li Dunqiu – một chuyên gia chuyên nghiên cứu về Triều Tiên ở trường Đại học Zhejiang, nhận định, việc báo chí Triều Tiên tiết lộ về tình hình sức khoẻ của Nhà lãnh đạo của họ đã cho thấy thực tế là chính phủ Triều Tiên đang “ngày một trở nên công khai hơn và cởi mở hơn ".
Trong khi đó, ông Cheong Seong-chang – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc, cảm thấy rằng Nhà lãnh đạo Kim Jong Un “đang cố gắng tìm kiếm sự cảm thông từ người dân Triều Tiên bằng cách tiết lộ tình trạng sức khoẻ của mình. Đây là một phong cách hoàn toàn khác biệt so với cha của ông này – cố Chủ tịch Kim Jong Il. Ông Kim Jong Il đã cố gắng che giấu việc ông này phải trải qua một cuộc phẫu thuật năm 2008".
Quan sát thấy biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn “yên bình như mọi khi”, tờ báo của Trung Quốc khẳng định, tin đồn về sức khoẻ của Chủ tịch Kim Jon Un không làm ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ thương mại và du lịch song phương giữa hai nước này.
Trung Quốc cần một đất nước Triều Tiên ổn định
Tình hình đất nước Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề ổn định chính trị, luôn là mối quan tâm hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh rất sợ kịch bản về một nước Triều Tiên bất ổn nằm ngay sát bên mình.
Triều Tiên là vùng đệm an toàn chiến lược và vô cùng quan trọng của Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ vô cùng bất lợi cho Trung Quốc.
Nếu Triều Tiên lung lay, sụp đổ thì hệ quả tất yếu sẽ là tình trạng hàng triệu người dân nước này chạy sang tị nạn ở Trung Quốc, làm tăng sức mạnh cho người thiểu số Triều Tiên đang sinh sống ở Trung Quốc đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề thất nghiệp trong nước.
Quan trọng hơn, Bắc Kinh không mong muốn chứng kiến sự bất ổn ở Triều Tiên bởi điều đó sẽ đồng nghĩa với sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực sát nách Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đi một vùng đệm an toàn và an ninh của Trung Quốc bị đe doạ.
Chính vì lý do trên, sự ổn định của Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu đối với Trung Quốc. Đây cũng là lý do mà dù Bắc Kinh nhiều lần bị Bình Nhưỡng làm cho mất mặt nhưng Trung Quốc vẫn không thể làm căng với Triều Tiên.
Bắc Kinh luôn phải tính toán, cân nhắc sao cho mức độ phản ứng của họ trước bất kỳ động thái khó chịu nào của Triều Tiên phải ở mức vừa đủ để có thể cân bằng giữa việc vừa bày tỏ được thái độ với Bình Nhưỡng vừa vẫn giữ được lợi ích an ninh lâu dài cho Trung Quốc.
Trung Quốc cho đến hiện tại vẫn là đồng minh lớn nhất, thân nhất cũng là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Triều Tiên. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn được tin là nước có ảnh hưởng lớn nhất đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền, mọi thứ dường như không còn được như cũ. Chính quyền Triều Tiên đã liên tục có những bước đi phớt lờ, không để tâm gì đến lập trường, quan điểm của người bạn khổng lồ Trung Quốc kế bên. Bất chấp sức ép và mọi lời kêu gọi từ Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vẫn thường xuyên tiến hành các vụ thử hạt nhân, tên lửa. Việc Triều Tiên phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt đương nhiên cũng khiến Trung Quốc cảm thấy bất an.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc