(VnMedia) - Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna hôm qua (7/10) đã lớn tiếng cảnh báo rằng, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Nga nếu chính sách của Moscow đối với Ukraine không thay đổi.
Tân Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz |
Kể từ khi thoả thuận ngừng bắn đạt được giữa lực lượng ly khai miền đông Ukraine và chính quyền Kiev cách đây hơn một tháng, giới lãnh đạo Châu Âu hầu như chỉ tập trung vào vấn đề khi nào sẽ dỡ bỏ các đòn trừng phạt với Nga chứ không phải chủ đề thắt chặt thêm các biện pháp đó.
Tuy nhiên, các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine hiện nay đã khiến giới chức phương Tây quay sang gia tăng sức ép với Nga. Mỹ cùng phương Tây thường cáo buộc Nga hậu thuẫn quân sự cho lực lượng ly khai Ukraine bất chấp việc điện Kremlin liên tục bác bỏ cáo buộc trên.
"Nếu Nga không thay đổi chính sách, các biện pháp trừng phạt sẽ được thắt chặt hơn và những đòn đó sẽ khiến Nga bị tổn thương thêm nữa”, Ngoại trưởng Ba Lan Schetyna cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ba Lan Polsat News.
"Tất cả các nước Châu Âu đang nói chung một tiếng nói, cùng với Australia, Mỹ và Canada. Thế giới tự do sẽ nói ‘không’ với loại chính sách này. Quan điểm của Ba Lan được các nước khác chia sẻ", ông Schetyna nhấn mạnh.
Ba Lan là một nước thành viên NATO có chung biên giới với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga. Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên hăng hái kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường hiếu chiến hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng thế nào với cái gọi là “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.
Ông Schetyna vừa mới được bổ nhiệm là Ngoại trưởng Ba Lan hồi tháng trước. Người tiền nhiệm của ông – ông Radoslaw Sikorski được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Ba Lan.
Tuy nhiên, bất chấp phát biểu được cho là cứng rắn và có phần thách thức Nga ở trên của tân Ngoại trưởng Ba Lan Schetyna, giới phân tích tin rằng chính quyền mới của Ba Lan có quan điểm mềm hơn trong chính sách với Ukraine.
Ba Lan không còn quan tâm đến Ukraine?
Tân Thủ tướng Ba Lan hồi tuần trước đã ám chỉ rằng, nước này sẽ thay đổi chính sách đối ngoại, theo đó Warsaw sẽ áp dụng một lập trường tiếp cận không can thiệp đối với cuộc xung đột ở miền đông Ukraine và sẽ tập trung vào an ninh của riêng mình thay vì là quan tâm đến số phận của nước láng giềng phía đông.
Bà Ewa Kopacz đã trở thành Thủ tướng mới của Ba Lan sau khi Thủ tướng Donald Tusk từ chức hồi tháng 9 để tiếp nhận chức Chủ tịch của Hội đồng Châu Âu.
Dưới thời ông Tusk, Ba Lan ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách của Ukraine trong việc bắt tay với phương Tây. Điều này đã khiến Moscow tức giận. Cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski là một trong những chính khách công khai chỉ trích điện Kremlin mạnh mẽ nhất, gay gắt nhất trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, bà Kopacz kể từ khi lên cầm quyền hồi tháng trước đã tìm cách tách mình ra khỏi những chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm. Hồi tuần trước, tân Thủ tướng Ba Lan từng tuyên bố, số phận của đất nước Ukraine phần lớn nằm trong tay của chính họ. "Chúng tôi ủng hộ hướng đi thân Châu Âu của Ukraine nhưng chúng tôi sẽ không thay thế người Ukraine trong công cuộc cải cách đất nước của họ", bà Kopacz phát biểu đồng thời chỉ thị cho Ngoại trưởng Grzegorz Schetyna khẩn trương phác thảo lại chính sách đối ngoại của Ba Lan và trình lên Quốc hội vào cuối tháng này.
Thủ tướng Kopacz khẳng định, bà muốn ngăn chặn tình trạng “Ba Lan bị cô lập” trong Châu Âu – điều có thể xảy ra khi đặt ra “những mục tiêu không thực tế” trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ba Lan trước đây liên tục kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga bằng những "đòn" mạnh đến mức nhiều nước EU không thể chấp nhận.
"Mục tiêu của chính phủ của tôi sẽ là áp dụng một chính sách thực dụng đối với những gì đang xảy ra ở Ukraine. Vấn đề chính đối với Ba Lan hiện nay là chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine và củng cố nhà nước Ukraine, bà Kopacz cho hay, nói thêm rằng Ba Lan tiếp tục phản đối “bất kỳ hành động chiếm đất nào trên lãnh thổ của quốc gia Ukraine có chủ quyền hay là sự thay đổi đường biên giới ở Châu Âu bằng vũ lực”.
Khi phương Tây và Nga đang lao vào cuộc chiến trừng phạt thương mại thì Ba Lan ra sức cổ vũ cho một phương pháp tiếp cận cứng rắn với điện Kremlin – kẻ thù lịch sử ở Đông Âu của họ. Giới chức Nga đã phản ứng giận dữ, cáo buộc Ba Lan đã đào tạo những người biểu tình gây ra cuộc đảo chính lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi đầu năm nay.
Khi cuộc đối đầu Đông-Tây leo thang căng thẳng ở mức cao nhất từ sau Chiến tran Lạnh, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần đề cập đến việc củng cố kho vũ khí hạt nhân của Nga. Sau khi quân đội Nga tiến hành một cuộc tập trận dựa trên giả định tấn công hạt nhân vào thủ đô Warsaw của Ba Lan năm 2009, phát biểu của ông Putin đã khiến Ba Lan lo ngại. Lãnh thổ Ba Lan nằm hoàn toàn trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo của Nga. Có lẽ nỗi quan ngại này chính là lý do chính khiến Ba Lan sùng sục đòi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ nước họ - điều mà Nga kiên quyết phản đối.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc