Vì sao Trung Quốc chưa tham chiến chống IS?

18:12, 27/09/2014
|

(VnMedia)  - Trung Quốc là nhà đầu tư dầu mỏ hàng đầu ở Iraq và tướng lĩnh đầu sỏ của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố có thành phần người Trung Quốc trong hàng ngũ của chúng. Trung Quốc cũng thừa nhận lực lượng khủng bố ở Tân Cương đang nhận được sự đào tạo từ IS. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại chần chừ chưa tham gia vào liên minh quốc tế chống IS. Lý do nào khiến Trung Quốc lại không tham chiến để tiêu diệt nhóm khủng bố được coi là mối đe dọa nguy hiểm hàng đầu cho chính Trung Quốc và cả thế giới? 
 

Ảnh minh họa

 Các chiến binh của nhóm IS (Ảnh minh họa)


Lý do Trung Quốc cần chống IS

 
Người ta mong đợi Trung Quốc sẽ phải là một trong những nước tham gia đầu tiên và cũng phải là nước đầu tư mạnh tay vào cuộc chiến của liên minh quốc tế nhằm ngăn chặn bước tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria. Trước hết, đó là vì Trung Quốc đang là nhà đầu tư số 1 trong ngành công nghiệp dầu mỏ ở Iraq. Tuy nhiên, người ta chẳng thấy bóng dáng của Trung Quốc trong các cuộc thảo luận về liên minh chống IS. Vì sao lại như vậy?
 
Có đầy đủ lý do để Trung Quốc phải tham gia vào cuộc chiến chống IS. Nền kinh tế của cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc đến một nửa nguồn năng lượng nhập khẩu từ Trung Đông. Trung Quốc hiện tại đang nhập khẩu dầu mỏ từ Trung Đông nhiều hơn cả Mỹ và Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong ngành công nghiệp dầu mở ở Iraq.
 
Và khi giới chức Trung Quốc đang tăng cường cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai Hồi giáo ngày một bạo lực ở tỉnh phía tây Tân Cương thì giới thủ lĩnh đầu sở của Nhà nước Hồi giáo “tự hào khoe khoang” về việc đã tuyển mộ được hàng loạt người Trung Quốc vào trong hàng ngũ của chúng.
 
Tờ Tân Hoa xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc cách đây không lâu từng đưa tin, các phần tử ly khai ở Tân Cương đã trốn ra nước ngoài để học cách tấn công khủng bố của nhóm IS. Theo báo chí chính thức của Trung Quốc, các phần tử ly khai ở Tân Cương không chỉ muốn học các kỹ thuật tấn công khủng bố mà còn muốn mở rộng quan hệ với các tổ chức khủng bố khét tiếng này để từ đó giành ủng hộ cho việc tăng cường các hoạt động khủng bố ở Trung Quốc.
 
Đáng chú ý, nhóm IS cũng từng phát đi tuyên bố về việc sẽ tìm cách trả thù những ai chống lại người Hồi giáo ở 20 quốc gia trên toàn thế giới. Trong đó, IS đề cập đến cái tên Trung Quốc đầu tiên. Trong clip phát trên mạng, lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi đã nhiều lần nói đến Trung Quốc và Tân Cương. Baghdadi chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với người Hồi giáo trong khu vực và kêu gọi tất cả người Hồi giáo tại Trung Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của y.
 
Chỉ cần từng ấy lý do được đưa ra ở trên cũng đã đủ để Trung Quốc đứng lên chống IS. Giới chuyên gia tin rằng, Trung Quốc cần phải bắt đầu hành động chống lại IS ngay lập tức nếu không muốn gánh chịu hậu quả khôn lường từ những hoạt động khủng bố của lực lượng Hồi giáo cực đoan trong nước cũng như từ chính IS.
 
Vì sao Trung Quốc chưa ra tay?
 
Mặc dù lý do thì rất đầy đủ và rất chính đáng để Trung Quốc tham gia vào chiến dịch quân sự quốc tế nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh mới chỉ rụt rè đưa ra một lời đề nghị hết sức khiêm tốn là “chia sẻ thông tin tình báo và đào tạo nhân lực” cho cuộc chiến chống IS. Đây là lời đề nghị do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra.
 
Theo các nhà phân tích, giới chức cầm quyền Trung Quốc sở dĩ chần chừ chưa muốn tham gia sâu vào liên minh chống IS vì một loạt lý do, từ sự thiếu tin tưởng vào các ý định của Mỹ đến nỗi quan ngại về việc Bắc Kinh có thể bị cuốn vào mớ hỗn độn ở Trung Đông.
 
Bắc Kinh cũng thất vọng trước việc các chính phủ phương Tây hoài nghi về chính sách đáp trả cứng rắn của Trung Quốc đối với người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngoài ra, Bắc Kinh luôn giữ lập trường kiên quyết về việc, chỉ có Liên Hợp Quốc mới có thể cho phép tiến hành các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền.
 
Hơn 300 người đã chết khi tình trạng bạo lực leo thang ở Tân Cương trong vòng 18 tháng qua và những kẻ khủng bố người Duy Ngô Nhĩ đã giết 30 người trong một vụ tấn công bằng dao hồi tháng 3 ở một sân ga phía đông nam Trung Quốc.
 
Bắc Kinh đổ lỗi những vụ bạo lực trên cho Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã rất tức giận khi phương Tây không đồng ý với phân tích trên của họ.
 
Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ETIM ra khỏi danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế trong sự hoài nghi về vị thế và vai trò thực sự của phong trào này. Bên ngoài Trung Quốc, Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới được xem là một nhóm dân tộc thiểu số hòa bình đang đấu tranh đòi độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ.
 
Bắc Kinh xem những hành động trên của Mỹ và phương Tây là sự thiếu thống nhất không thể chấp nhận được. Theo Bắc Kinh, cuộc chiến chống khủng bố không nên có “tiêu chuẩn kép”.
 
Đồng thời, chính phủ Trung Quốc ngày càng hoài nghi về ý định của Mỹ, nghi ngờ rằng Washington và các đồng minh đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc và gây tổn hại đến vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
 
Giới chức Trung Quốc cũng giải thích, nước họ chưa thể làm được gì nhiều cho cuộc chiến chống IS “vì năng lực quốc tế còn hạn chế”. Hôm 24/9, Trung Quốc cùng các các thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu các chính phủ “ngăn chặn hoạt động tuyển mộ, tổ chức, vận chuyển, trang bị và cấp tài chính cho các chiến binh khủng bố”. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể thực hiện các chuyến bay đánh bom bởi nước này không có các căn cứ không quân ở trong hay gần khu vực Trung Đông và tàu sân bay của Trung Quốc chưa thể hoạt động đúng chức năng. Ý tưởng gửi quân đến Iraq hay Syria cũng là điều không tưởng. Trung Quốc chưa bao giờ đưa quân vào khu vực Trung Đông và bởi vì ngay cả Mỹ cũng bác bỏ khả năng này.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc